Phát triển kinh tế, xã hội vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Ngày 10-12, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Thành ủy TP Cần Thơ và Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức hội thảo “Phát triển kinh tế, xã hội vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội thảo

Tại điểm cầu Hà Nội, tham dự và chủ trì hội thảo có Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh. Hội thảo còn có sự tham gia của các viện, trường đại học, các chuyên gia, nhà khoa học và lãnh đạo 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL… ở các điểm cầu khác.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, qua 18 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW (ngày 20-1-2003), ĐBSCL đã có những chuyển biển tích cực, đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, giữ vững ổn định chính trị và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

ĐBSCL đã khẳng định vị trí trung tâm sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu lúa gạo, thủy hải sản và cây ăn trái hàng đầu của cả nước. Qua đó, góp phần ổn định cuộc sống người dân, nhất là đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Phát triển kinh tế, xã hội vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 ảnh 2 Năm 2020, ĐBSCL đóng góp 11,95% GDP cả nước. Ảnh: VĂN DƯƠNG

Kinh tế vùng ĐBSCL tăng trưởng duy trì với tốc độ khá cao; quy mô GRDP của vùng năm 2020 đạt 596 nghìn tỷ đồng (xếp thứ 4 so với các vùng trong cả nước), đóng góp 11,95% vào tổng GDP cả nước; cơ cấu công nghiệp - xây dựng và thương mại dịch vụ ngày càng gần hơn với cơ cấu kinh tế của cả nước; so với năm 2004 thu nhập bình quân đầu người của vùng đã tăng 8 lần (năm 2020 là 46,47 triệu đồng/năm, xếp thứ 3/6 vùng của cả nước)…

GRDP vùng ĐBSCL đang giảm mạnh so với các vùng trong cả nước

Bên cạnh các mặt đạt được, các đại biểu cũng đã thẳng thắn chỉ ra hàng loạt thách thức, điểm nghẽn đối với các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội của vùng ĐBSCL.

Tiến sĩ Đinh Lâm Tấn, Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: Vai trò kinh tế vùng ĐBSCL đang giảm dần so với các vùng khác trong cả nước. Đóng góp GDP của vùng cũng giảm mạnh trong 3 thập kỷ qua.

Ngoài ra, năng suất lao động của vùng đang có xu hướng tăng chậm lại so với các vùng trong cả nước, tiêu biểu ĐBSCL có năng suất lao động tăng 3 lần nhưng chỉ bằng 37% so với vùng Đông Nam bộ và chỉ bằng 50% vùng Đồng bằng Sông Hồng.

Năng suất lao động vùng ĐBSCL chỉ bằng 50% Đồng bằng Sông Hồng

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học cũng đã có phiên thảo luận về góc nhìn đa chiều phát triển kinh tế, xã hội vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 gắn với các chủ đề như: kinh tế, kinh tế nông nghiệp, kinh tế biển, kinh tế tuần hoàn; biến đổi khí hậu, đô thị, cơ sở hạ tầng, văn hóa – du lịch; thể chế, chính sách, giáo dục, xã hội…

Biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hạn hán, xâm nhập mặn được các chuyên gia đánh giá là thách thức lớn đối với phát triển kinh tế, xã hội vùng ĐBSCL

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đánh giá cao những nghiên cứu, dự báo và đề xuất của các chuyên gia, nhà khoa học và các địa phương đối với vấn đề phát triển kinh tế, xã hội vùng ĐBSCL. Hội thảo đã góp phần quan trọng củng cố các luận cứ khoa học và thực tiễn nhằm phục vụ đề án tổng kết Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Tổ Biên tập đề án tổng kết Nghị quyết 21-NQ/TW sẽ tiếp thu, ghi nhận tất cả ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân nhằm tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư có những định hướng phát triển bền vững kinh tế, xã hội vùng ĐBSCL trong giai đoạn mới.

Tin cùng chuyên mục