Phát triển hệ sinh thái công dân số: Chuyển đổi số - xu thế tất yếu

Chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu của thời đại và đã, đang đi vào mọi ngóc ngách trong cuộc sống. Nhu cầu sử dụng các dịch vụ công, giao dịch tài chính (như thanh toán hóa đơn điện, nước; đóng bảo hiểm xã hội, y tế; chuyển tiền…) đang trở thành yêu cầu bức thiết, đòi hỏi bộ máy chính quyền, doanh nghiệp phải chuyển động.
Trung tâm điều hành thông minh huyện Bình Chánh (TPHCM) ra mắt vào tháng 4-2022. Ảnh: VIỆT DŨNG
Trung tâm điều hành thông minh huyện Bình Chánh (TPHCM) ra mắt vào tháng 4-2022. Ảnh: VIỆT DŨNG

LTS: Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, vừa chủ trì Hội nghị sơ kết 6 tháng năm 2022 thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Khẳng định nếu được người dân và doanh nghiệp ủng hộ thì nhiệm vụ dù khó khăn đến mấy cũng thành công, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu triển khai Đề án 06 nói riêng và nhiệm vụ chuyển đổi số một cách thực chất, tránh hình thức, để người dân và doanh nghiệp thấy được sự thiết thực, hiệu quả, tiện ích, tiết kiệm.

Phát triển hệ sinh thái công dân số: Chuyển đổi số - xu thế tất yếu ảnh 1

Công nghệ thay đổi cuộc sống

Dù mới 17 tuổi, Đ.H.M. đã biết sử dụng các ứng dụng Gojet, Shopee để hàng ngày đặt đồ ăn và thanh toán qua tài khoản ngân hàng thay vì sử dụng tiền mặt. Trường hợp của Đ.H.M. không phải là cá biệt khi mà vài năm trở lại đây, việc đặt hàng, thanh toán trực tuyến đã ngày càng trở nên phổ biến. Công nghệ đang thực sự làm thay đổi suy nghĩ và tiêu dùng của nhiều người dân. Giờ đây, khi mua mớ rau, con cá… ở siêu thị hay chợ truyền thống, người tiêu dùng có thể dễ dàng thanh toán không dùng tiền mặt bằng cách chuyển khoản, quẹt thẻ tín dụng. 

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), số lượng khách hàng ký hợp đồng mua điện sinh hoạt của EVN là 26,69 triệu, chiếm 89,91% tổng số khách hàng của EVN. Bình quân hàng năm có thêm khoảng 1 triệu khách hàng mới và khoảng gần 1 triệu yêu cầu thay đổi các nội dung trong hợp đồng mua bán điện đã ký. Các dịch vụ điện lực của EVN được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua Cổng dịch vụ công quốc gia đã mang lại sự thuận lợi, đơn giản cho khách hàng, bằng việc thay thế các loại hồ sơ, giấy tờ cá nhân kèm theo. Từ năm 2021, EVN đã trực tiếp kết nối thanh toán qua ứng dụng Mobile Money với VNPT, Viettel và kết nối qua đối tác trung gian với MobiFone sau khi các nhà mạng được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép. Hiện nay, khách hàng của EVN có thể thanh toán mọi lúc mọi nơi, với tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt đến nay đạt 95%.

Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, cơ quan này đã xây dựng, hoàn thiện kho cơ sở dữ liệu với 6 trường thông tin cơ bản của hơn 98 triệu người dân, tương ứng gần 27 triệu hộ gia đình trên toàn quốc. BHXH Việt Nam đã hoàn thiện và đưa vào triển khai thành công ứng dụng VssID - BHXH số. Qua ứng dụng, người dùng có thể quản lý, kiểm soát các thông tin về quá trình tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có trên 23 triệu người cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID-BHXH số.

Lấy người dân làm trung tâm

Theo Bộ Công an, đến nay, Đề án 06 đã được các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai. Hiện đã có 23/23 bộ, ngành; 63 tỉnh, thành phố, 705 cấp huyện và 10.599 cấp xã đã xây dựng kế hoạch, thành lập tổ công tác triển khai đề án. Số liệu mới nhất từ Bộ Công an cho biết, đến nay đã thu nhận được hơn 5 triệu hồ sơ đăng ký tài khoản định danh điện tử cho công dân, cùng với đó là thu nhận và cấp 65 triệu thẻ căn cước công dân. Đây là điều kiện tốt để thực hiện số hóa trên các nền tảng; cũng là phương thức để công dân quản lý thông tin thẻ căn cước công dân điện tử của mình trên môi trường mạng. 

Phát triển hệ sinh thái công dân số: Chuyển đổi số - xu thế tất yếu ảnh 2 Kết quả chuyển đổi số một số lĩnh vực 6 tháng đầu năm 2022

Theo Trung tá Nguyễn Thành Vĩnh, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư (C06), để có tài khoản định danh điện tử, công dân nếu có nhu cầu sẽ được cấp ở 2 mức: mức 1, công dân đăng ký trực tiếp trên ứng dụng VNeID (ứng dụng công dân số của Bộ Công an); mức 2, công dân có thể đến cơ quan công an đăng ký. Có thể hiểu, tài khoản định danh điện tử như “chìa khóa” để mở ra các tiện ích mà công dân có nhu cầu tích hợp để sử dụng trong các giao dịch công sau này.

Hiện C06 và BHXH Việt Nam đã tiến hành tích hợp các tiện ích để thay thế thẻ bảo hiểm y tế vật lý. Các thông tin bảo hiểm y tế hiển thị trên ứng dụng VNeID sẽ được các cơ quan chức năng sử dụng trong quá trình thực hiện các thủ tục liên quan tới khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, trên ứng dụng VNeID còn tích hợp thông tin giấy phép lái xe. Các thông tin hiển thị giấy phép lái xe trên VNeID đã được xác thực với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, vì vậy cơ quan chức năng, công dân có thể sử dụng trong quá trình thực hiện các thủ tục liên quan đến công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực đảm bảo an toàn giao thông đường bộ…

Tuy nhiên, để thực hiện được những nội dung tích hợp trên, hiện nay vấn đề khó trong phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia là vấn đề hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị phục vụ cho việc chuyển đổi số. Thách thức lớn khác là rất cần hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về đồng bộ và chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương. Đó là những yêu cầu đặt ra trong thời gian tới để đẩy mạnh ứng dụng nền tảng số vào cuộc sống người dân.

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng: Chuyển đổi số phải thông suốt

Chuyển đổi số cần phải thông suốt từ Trung ương đến địa phương, tức là cấp gần người dân nhất. Các tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập ở từng thôn, bản, với nòng cốt là thanh niên, để đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người dân sử dụng các nền tảng số. Đến nay, cả nước đã có 40.000 tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập; có 200.000 thành viên các tổ công nghệ này đang được đào tạo kỹ năng số. Đây là cách tiếp cận toàn dân về chuyển đổi số của Việt Nam. Chính các tổ công nghệ số cộng đồng này sẽ tạo ra các công dân số, công dân số tạo ra xã hội số, xã hội số tạo ra nhu cầu số, nhu cầu số tạo ra thị trường số, thị trường số tạo ra doanh nghiệp số, và từ đó hình thành nền kinh tế số.

Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ TT-TT là cơ quan điều phối, hỗ trợ kết nối. Dữ liệu mà các bộ, ngành và địa phương đang lưu trữ là do phân công của Chính phủ, chỉ có dữ liệu của Chính phủ chứ không có dữ liệu của bộ này hay địa phương kia. Kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu là quyền của Chính phủ. Tuyệt đối không có cát cứ dữ liệu.

Tin cùng chuyên mục