Phát triển đô thị xanh

Tăng cường khả năng chống chịu, phục hồi và thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) cho các đô thị đang là mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.  
Triều cường gây ngập đường Nguyễn Thị Thập, quận 7, chiều tối 6-11
Triều cường gây ngập đường Nguyễn Thị Thập, quận 7, chiều tối 6-11

Chịu nhiều tác động 

Theo Chương trình nhân cư Liên hiệp quốc (UN-Habitat), các thành phố tiêu thụ gần 80% nguồn năng lượng sơ cấp và chịu trách nhiệm tới 70% lượng khí thải carbon toàn cầu, chủ yếu từ lĩnh vực giao thông, năng lượng, vận hành các tòa nhà và quản lý chất thải. Dự đoán tới năm 2050, 2/3 dân số thế giới sẽ sinh sống ở khu vực đô thị. Điều quan trọng là chúng ta phải nhận thức rằng, các thành phố và dân cư đô thị không chỉ là nạn nhân của BĐKH mà còn là nguồn gốc của vấn đề. Cuộc chiến với BĐKH cũng là cuộc chiến với trở ngại lớn nhất của phát triển bền vững, thành công hay thất bại đều ở khu vực đô thị. Tương lai của hành tinh phụ thuộc vào hành động hợp lực của các chính phủ, các thành phố và cộng đồng. 

Theo nghiên cứu của McKinsey (2020), thiệt hại trực tiếp về cơ sở hạ tầng của một trận lụt xác suất 100 năm có thể tăng từ 200-300 triệu USD hiện nay lên 500 triệu-1 tỷ USD năm 2050, trong khi chi phí khắc phục hậu quả tăng tương ứng từ 100-400 triệu USD lên 1,5-8,5 tỷ USD. 

Tại Việt Nam hiện có khoảng 862 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 40%. Khu vực đô thị được coi là động lực trong phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa của đất nước, đóng góp đến 70% GDP. Tuy nhiên, những năm qua, các đô thị Việt Nam đang đối mặt nhiều vấn đề nghiêm trọng do tác động của BĐKH.

Tại TPHCM, theo TS Phạm Thái Sơn, Trường Đại học Việt Đức, BĐKH và đô thị hóa dẫn đến thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên hơn, lượng mưa bất thường và nhiệt độ thay đổi (tăng hiệu ứng đảo nhiệt đô thị). Quá trình đô thị hóa nhanh gây thiếu không gian xanh nội thành, vành đai xanh ngoại thành có nguy cơ thu hẹp; áp lực từ giao thông với lợi ích kinh tế và chất lượng không khí. Nhiều khu vực đất thấp trũng bị bê tông hóa, giảm diện tích mặt nước và đất thấm tự nhiên; nhiều khu đô thị ở TPHCM dễ bị ngập lụt do mưa lớn hay triều cường.

Tăng khả năng chống chịu 

Nhiều ý kiến cho rằng, các đô thị thường phải hứng chịu nhiều biến động lớn và những tình huống căng thẳng, trong đó có thiên tai, như bão, nước biển dâng, có khả năng làm ngừng trệ các hệ thống của đô thị và làm đảo ngược thành quả phát triển kinh tế - xã hội phải nhiều năm mới đạt được. Để các đô thị tăng trưởng và phát triển phồn thịnh trong tương lai thì phải có biện pháp xử lý những biến động.

Ông Lý Khánh Tâm Thảo, Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật, Sở QH-KT TPHCM, cho biết trong kế hoạch quy hoạch vùng TPHCM đến năm 2050, TPHCM đã định hướng phát triển theo hướng thích ứng với BĐKH. Theo đó, sẽ chuyển hướng tăng trưởng ra khỏi các khu vực dễ bị ngập lụt; không khuyến khích phát triển tràn lan, xây dựng chiến lược vùng cho khu công nghiệp lớn; tính toán cao độ xây dựng trên cơ sở mực nước triều, mưa cộng thêm mực nước biển dâng. Tầm nhìn đến năm 2060, TPHCM sẽ hướng đến một đô thị sáng tạo, phát triển năng động, có chất lượng sống tốt và môi trường làm việc hấp dẫn, có tính đa dạng văn hóa, bảo tồn di sản và cảnh quan sông nước, có hạ tầng đô thị bền vững thích ứng với BĐKH. 

Để đạt được các mục tiêu này, một số định hướng bước đầu được thành phố chú trọng gồm phát triển các khu an toàn, chống chịu khí hậu; hạn chế mở rộng đô thị, đặc biệt là khu vực chịu ảnh hưởng của ngập, lụt; phát triển đô thị nén, sử dụng hỗn hợp và theo định hướng giao thông công cộng; hạn chế mất đất nông nghiệp; giảm hiệu ứng đảo nhiệt. 

Theo GS-TS Mai Trọng Nhuận, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, để quy hoạch, phát triển đô thị có khả năng chống chọi, thích ứng với BĐKH, các đô thị của Việt Nam cần chú trọng khâu quy hoạch. Theo đó, trong quy hoạch sử dụng đất và thiết kế đô thị cần phát triển đất đô thị tại nơi ít rủi ro, tăng không gian mặt nước, mặt đất tự nhiên và cây xanh hạn chế ngập lụt, tạo cảnh quan đô thị. Trong quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật cần bảo đảm an toàn cho dân cư đô thị, hệ thống đê điều, công trình dân sinh, hạ tầng kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai. Thông qua quy hoạch và quản lý đô thị tốt sẽ góp phần cho việc sử dụng tài nguyên, năng lượng hiệu quả và bền vững.

Tin cùng chuyên mục