Phát triển Đảng trong vùng đồng bào có đạo - Bài 2: Những gam màu sáng

Đi cùng những con số ấn tượng về số lượng đảng viên có đạo là việc xuất hiện nhiều mô hình tốt, cách làm hay về phát triển Đảng trong vùng đồng bào có đạo. Ở nhiều nơi, vai trò của đảng viên có đạo ngày càng được thừa nhận, nhiều người đã tham gia vào hệ thống lãnh đạo Đảng, chính quyền, MTTQ hoặc hội, đoàn thể ở cơ sở như là minh chứng cho chủ trương đúng đắn của Đảng.
Đảng viên xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai vận động người dân tham gia làm vệ sinh môi trường
Đảng viên xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai vận động người dân tham gia làm vệ sinh môi trường

Đổi thay ở làng chài

Phước Tỉnh (huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) là xã ven biển có đông đồng bào có đạo nhất của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (gần 16.000 người, chiếm 60% dân số); trong đó, chủ yếu là đồng bào Công giáo (chiếm 5,5% tổng số đồng bào có đạo của toàn tỉnh). Đồng bào Công giáo nơi đây chủ yếu di cư từ miền Bắc vào và mưu sinh bằng nghề đánh bắt thủy hải sản.

Trước năm 2004, trong khi nhiều xã phường khác trong tỉnh “trắng” đảng viên có đạo thì Phước Tỉnh đã kết nạp được 3 đảng viên là người có đạo. Từ khi có Quy định 123-QĐ/TW của Bộ Chính trị đến nay, xã đã kết nạp thêm được 51 đảng viên, nâng tổng số đảng viên có đạo lên 54/320 đảng viên, (chiếm 16% số đảng viên của toàn xã), trong đó có 8 đảng viên là giáo dân bình thường.

Chị Nguyễn Thị Diệu (30 tuổi), Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Phước Tỉnh, một người có đạo được kết nạp vào Đảng ở tuổi 23, chia sẻ: “Nhà ngoại tôi di cư về đây từ những năm 1970 và sống ở khu Việt Kiều (nay là ấp Phước Thái). Trước khi được kết nạp, tôi chưa hình dung tổ chức mình vào sẽ như thế nào, vì trước nay gia đình hầu như chỉ sinh hoạt trong đồng bào người có đạo và không có mấy người được kết nạp vào Đảng.

Năm 2008, tôi được tuyển làm nhân viên làm văn phòng, đồng thời tham gia vào công tác Đoàn ở ấp. Bằng sự phấn đấu không ngừng, tôi được kết nạp Đảng vào năm 2012”. Từ khi đứng trong đội ngũ của Đảng, ngoài việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chị Diệu đã vận động, giới thiệu thêm những quần chúng ưu tú là người có đạo tham gia vào Đảng; chồng chị cũng là đảng viên công tác ở xã đội và cả 2 đều được cha xứ tạo điều kiện để vừa có thể tham gia công tác xã hội, vừa sinh hoạt tôn giáo bình thường.

Chủ động đối thoại

Thống Nhất là một huyện phía Tây Bắc của tỉnh Đồng Nai, cách trung tâm TP Biên Hòa khoảng 70km, có 150.000 dân và có tới 87,23% dân số theo đạo, trong đó chủ yếu là theo đạo Công giáo. Từ năm 2009 trở về trước, thỉnh thoảng ở huyện có tình trạng đồng bào có đạo kéo ra đường quốc lộ 20 chống đối chính quyền, biểu tình gây mất an ninh trật tự. 

Đứng trước tình trạng trên, Đảng bộ huyện Thống Nhất quyết định ngồi lại họp bàn và nhận thấy, nguyên nhân chính vẫn là do công tác vận động quần chúng, đặc biệt là vận động đồng bào có đạo chưa tốt; phương pháp cán bộ tiếp cận cũng chưa thực sự cởi mở, gần gũi, tạo được sự tin tưởng nhất định. Từ đó, Đảng bộ huyện đã xây dựng nghị quyết chuyên đề đối với việc phát triển Đảng trong vùng đồng bào có đạo. Chỉ tiêu của tỉnh kết nạp đảng viên có đạo từ 6% - 7%/năm nhưng nghị quyết chuyên đề của Đảng bộ huyện đặt ra là trên 9%/năm, với mục đích xây dựng lực lượng đảng viên để làm nòng cốt trong vận động nhân dân.

Hiện huyện Thống Nhất có hơn 3.500 đảng viên, trong đó đảng viên có đạo là 672 người (chiếm tỷ lệ 25,85%), đông nhất là đảng viên Công giáo 552 người (tỷ lệ 21,2%) và Phật giáo 118 người (tỷ lệ 3,2%). Việc kết nạp Đảng cho đồng bào có đạo trên địa bàn huyện những năm qua có tác động rất lớn trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ. Từ một huyện không được chọn là điểm xây dựng nông thôn mới, nhưng bằng nỗ lực, đoàn kết thống nhất của cả hệ thống chính trị, năm 2015, Thống Nhất trở thành huyện nông thôn mới và có xã nông thôn mới nâng cao kiểu mẫu trong toàn quốc.

Để thực hiện, Huyện ủy Thống Nhất đã có giải pháp đột phá, đó là chủ động đối thoại với chức sắc, với các vị linh mục, lấy cái chung là chính quyền và nhà thờ cũng cùng chung mục đích chăm lo cho dân. Đồng thời, giải thích cho các vị linh mục biết, có những thông tin mà các vị linh mục chưa nắm được, hoặc thông tin đến các vị linh mục không chuẩn xác. Chính quyền cũng đề nghị các linh mục trao đổi nêu ra những việc cán bộ, đảng viên làm mất lòng dân, nhằm sửa chữa. Từ đó chính quyền và các chức sắc tôn giáo ở đây hiểu nhau hơn, dần xích lại gần nhau... 

Ở huyện Thống Nhất, những đảng viên có đạo được bố trí công việc phù hợp, thậm chí các chức danh huyện ủy viên, trưởng các phòng ban, chủ tịch hay bí thư cấp xã là những đảng viên có đạo. Các chương trình, dự án liên quan đến người dân như đền bù giải tỏa, quy hoạch... đều thông tin, trao đổi với các linh mục. Ngay cả các sự kiện xuất quân, tuyển quân đều có mặt các linh mục, chức sắc tham dự.

Đồng chí Trần Quang Vinh, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thống Nhất, tâm sự: “Nói thì dễ nhưng thực hiện vô cùng khó. Hơn 30 nhà thờ với hơn 30 vị linh mục, gồm 2 giáo hạt: Giáo hạt Gia Kiệm và Giáo hạt An Bình, khi đặt ra vấn đề đối thoại, có những linh mục rất khó tính, cực đoan, hẹn gặp 5 lần 7 lượt cũng không gặp được, cán bộ phải bằng biện pháp kiên trì để gặp cho bằng được”.

Đảng viên có đạo phát huy vai trò

Qua phong trào xây dựng nông thôn mới, phường Xuân Lập (TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) đã chọn ra được nhiều quần chúng ưu tú để giới thiệu cho Đảng, trong đó có anh Trần Minh Hiển (34 tuổi), được kết nạp Đảng năm 2018. Có trình độ cử nhân tin học, anh Hiển tham gia hợp tác xã trồng bưởi sạch, sầu riêng theo hướng nông nghiệp công nghệ cao thành công rồi hướng dẫn cho bà con cùng làm. Anh nhiệt tình trong vận động bà con giáo dân hiến đất, đóng góp ngày công xây dựng đường giao thông. Hiện anh là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nông dân phường. 

Không thể không kể đến vai trò của các đảng viên trẻ như Nguyễn Đăng Hạ (26 tuổi) đang làm Bí thư Đoàn phường Xuân Lập, là người theo đạo Công giáo, sinh ra và lớn lên tại địa phương, rất tích cực tham gia các sinh hoạt của nhà thờ. Nhờ có các đảng viên trẻ như anh Hạ mà Đảng ủy xã tăng cường được sự lãnh đạo trong tầng lớp thanh niên, nhất là thanh niên Công giáo.

Còn ở Long Thành Bắc - một xã phía Bắc của huyện Hòa Thành, Đảng ủy xã đã tích cực tạo nguồn đảng viên có đạo từ các phong trào hành động ở địa phương như cuộc vận động xây dựng “Mái ấm cho người nghèo”, làm đường giao thông nông thôn... Trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp từ năm 2005 đến nay, bình quân mỗi nhiệm kỳ Đảng bộ kết nạp được 55 đảng viên, nâng số đảng viên toàn Đảng bộ lên 275 người, trong đó có 105 đảng viên có đạo (chiếm 38,18%). Xã có 5 chi bộ ấp thì có 3 bí thư chi bộ là người có đạo. Cũng thông qua quá trình công tác, có người đã được bố trí làm lãnh đạo chủ chốt của xã như anh Trần Phước Ninh (48 tuổi), thuộc gia đình Cao Đài truyền thống, được kết nạp Đảng vào tháng 12-2004, hiện là Thường vụ Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã và đang được cử đi học Cao cấp chính trị. Khi vào Đảng rồi, các đảng viên ở xã thường xuyên tiếp xúc hơn với các chức sắc, tín đồ tôn giáo, hỗ trợ tuyên truyền đến đồng bào trong vùng có đạo, tham gia những việc hữu ích như: ra mắt Tủ sách pháp luật đặt ở điện thờ Phật mẫu thuộc khuôn viên Tòa Thánh với hơn 30 đầu sách vào tháng 9-2018. Đây là sáng kiến của ủy ban MTTQ xã rất được các chức sắc ủng hộ.

Ấp An Bình, xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai có hơn 90% số dân theo đạo Công giáo. Năm 2011, trước khi xã tiến hành xây dựng nông thôn mới, nhiều tuyến đường giao thông ở ấp vẫn là đường đất nắng bụi, mưa lầy, đi lại khó khăn. Với vai trò là một người đảng viên có đạo Công giáo, đồng thời là Bí thư chi bộ ấp, ông Phan Thanh Bá đã gương mẫu đi đầu, phối hợp với các đoàn thể của xã, ấp tổ chức vận động bà con làm đường, lắp đèn chiếu sáng, làm cờ kiểu mẫu trên các tuyến đường. Khi bắt tay thực hiện, xây dựng bất kỳ một tuyến đường nào, lãnh đạo ấp đều tổ chức họp dân, có cả sự tham gia của chính quyền, các nhà thầu; quy mô, tổng vốn thực hiện đều được đưa ra thảo luận để mọi người góp ý. Với cách làm đó, từ đầu năm 2016 đến nay, ấp An Bình đã thực hiện xã hội hóa 11 tuyến đường, với tổng chiều dài gần 4km, tổng kinh phí trên 4 tỷ đồng. Bà con có đạo trong ấp còn nhiệt tình tham gia chỉnh trang các tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp.

Tin cùng chuyên mục