Phát triển Đảng trong vùng đồng bào có đạo- Bài 1: Quả ngọt từ chủ trương đúng

Đồng Nai là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có dân số gần 3 triệu người. Hơn 1,7 triệu tín đồ Công giáo, Phật giáo, Tin lành, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo..., chiếm 65% dân số trong tỉnh. Trong đó, giáo dân Công giáo chiếm 61,9% trên tổng số tín đồ các tôn giáo trong tỉnh. 
Buổi lễ kết nạp đảng viên là người có đạo ở phường Xuân Lập, TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai
Buổi lễ kết nạp đảng viên là người có đạo ở phường Xuân Lập, TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai

Từ trước năm 2004, toàn Đảng bộ chỉ kết nạp được 677 đảng viên là người có đạo, trong đó đạo Công giáo là 443 người (65,44%), Phật giáo 221 người (32,64%), Tin lành 2 người (0,3%), Cao Đài 10 người (1,48%)… Nhưng từ khi có Quy định số 123-QĐ/TW ngày 28-9-2004 của Bộ Chính trị về kết nạp đảng viên đối với người có đạo và đảng viên có đạo tham gia sinh hoạt tôn giáo (Quy định 123) và Hướng dẫn số 40-HD/BTCTW ngày 8-4-2005 của Ban Tổ chức Trung ương thì tình hình đã đổi khác.

Tạo nguồn qua phong trào thi đua yêu nước

Phó ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Thanh Tú cho biết, để thực hiện Quy định 123, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban Tổ chức  Tỉnh ủy tổ chức triển khai, quán triệt đến Ban Thường vụ, Ban Tổ chức các cấp ủy trực thuộc tỉnh tại Hội nghị tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng, qua đó, giao cho các cấp ủy trực thuộc tỉnh tổ chức triển khai, quán triệt đến các đồng chí ủy viên ban chấp hành các Đảng bộ trực thuộc tỉnh; bí thư, phó bí thư cấp ủy cơ sở và quán triệt cho cấp ủy viên và đảng viên thông qua các kỳ sinh hoạt chi bộ, hội nghị Đảng ủy mở rộng.

Phát triển Đảng trong vùng đồng bào có đạo- Bài 1: Quả ngọt từ chủ trương đúng ảnh 1 Một buổi lễ kết nạp đảng viên là người có đạo ở phường Xuân Lập, TP Long Khánh, Đồng Nai 
Dựa trên Hướng dẫn của Trung ương và tình hình thực tiễn của Đảng bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Thông tri số 21-TTr/TU ngày 8-8-2007 về việc đẩy mạnh công tác kết nạp đảng viên đối với người có đạo và đảng viên có đạo tham gia sinh hoạt tôn giáo, Quy định tạm thời số 707-QĐ/TU ngày 3-2-2010 về chức năng, nhiệm vụ của Đảng bộ xã, phường, thị trấn xã trong vùng có đông đồng bào theo đạo Công giáo ở Đồng Nai.

Qua triển khai, các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân đã nâng cao nhận thức về chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân, về hoạt động tôn giáo và công tác tôn giáo; tính cấp thiết của công tác phát triển đảng viên trong vùng có đông đồng bào có đạo, tạo được sự phấn khởi trong đảng viên, nhất là quần chúng ưu tú có đạo; từng bước tạo lập mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với quần chúng có đạo ở địa bàn dân cư, góp phần đấu tranh làm thất bại âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch nhằm lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo.

Hàng năm Ban Thường vụ Tỉnh ủy có thông báo giao chỉ tiêu đến 17 Ban Thường vụ các cấp ủy thực thuộc tỉnh. Ban Thường vụ các cấp ủy trực thuộc tỉnh xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu cụ thể cho các chi bộ, Đảng bộ cơ sở thực hiện; chỉ đạo MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội thông qua các hoạt động phong trào thi đua yêu nước, lao động sản xuất, giao công việc để thử thách, đánh giá mức độ phấn đấu, hoàn thành nhiệm vụ, từ đó xem xét về điều kiện, tiêu chuẩn, chất lượng, đảm bảo về tiêu chuẩn chính trị cử học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho trên 49.000 quần chúng ưu tú có đạo để tạo nguồn. Một số Đảng bộ có nguồn quần chúng ưu tú là người có đạo nhiều như: Tân Phú, Thống Nhất, Trảng Bom, Xuân Lộc...

Những con số biết nói

Theo số liệu của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Nai, tính từ đầu năm 2005 đến tháng 3-2018, toàn Đảng bộ đã kết nạp được 4.846 đảng viên là người có đạo (chiếm 11,25% so với tổng số đảng viên mới kết nạp) nâng tổng số đảng viên có đạo của Đảng bộ tỉnh lên 5.171 người (chiếm 6,74% so với tổng số đảng viên), tăng 4,08% so với trước năm 2004 (tỷ lệ 2,66%). Trong đó, 3.649 đảng viên là tín đồ Công giáo (chiếm tỷ lệ 75,30% so với tổng số đảng viên có đạo được kết nạp Đảng), 1.079 đảng viên là tín đồ Phật giáo (chiếm tỷ lệ 22,27%), 29 đảng viên là tín đồ Tin lành (chiếm tỷ lệ 0,06%), 67 đảng viên là tín đồ Cao Đài (tỷ lệ 1,38%) và 5 đảng viên là tín đồ Phật giáo Hòa Hảo (chiếm tỷ lệ 0,1%).

Phường Xuân Lập (TP Long Khánh) được xem là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác phát triển đảng viên là người có đạo của tỉnh Đồng Nai. Từ năm 2015 đến nay, Đảng bộ phường đã kết nạp được 54 đảng viên, trong đó, 16 người có đạo, nâng tổng số đảng viên có đạo lên 87 người, chiếm tỷ lệ 30,63% tổng số đảng viên.

Chị Nguyễn Thị Bảy (50 tuổi), quê gốc Quảng Bình, trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Năm 24 tuổi, chị theo gia đình vào Long Khánh lập nghiệp, lấy chồng đạo Công giáo nên vào đạo theo chồng. Chị tự nguyện phấn đấu vào Đảng để phát huy truyền thống của gia đình và được gia đình chồng rất ủng hộ. Chị tâm sự: “Do ba chồng trước có đi lính chết trận dưới chế độ Sài Gòn nên thời gian đầu xác minh lý lịch lâu, phải tới lui nhiều lần, cũng có nản, nhưng sau suy nghĩ lại, mình là gia đình cách mạng nên không bỏ cuộc”. Và khi đã vào Đảng, chị tích cực giới thiệu, kết nạp thêm một số đảng viên Công giáo khác. Con gái của chị là Nguyễn Ngọc Huyền Trâm (đang học năm 4, Đại học Đồng Nai), được mẹ động viên, hướng dẫn, phấn đấu và được kết nạp Đảng từ khi đang học lớp 12.

Tại tỉnh Bình Phước, số liệu của Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết, tính đến ngày 31-8-2019, toàn Đảng bộ đã kết nạp được 385 đảng viên là người có đạo; trong đó, tập trung nhiều ở các địa bàn như thị xã Phước Long, thị xã Bình Long, huyện Bù Gia Mập và TP Đồng Xoài.

Tình hình phát triển đảng cũng chuyển biến rõ rệt tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trước năm 2004, toàn Đảng bộ có hơn 16.000 đảng viên, trong đó số đảng viên có đạo chỉ hơn 100 người (kết nạp người có đạo mỗi năm chỉ 2-3 người). Nhưng từ sau năm 2004 đến nay, lượng người có đạo được kết nạp Đảng trung bình khoảng 90 người/năm. Hiện toàn tỉnh có 41.635 đảng viên, trong đó đảng viên là người có đạo là 1.576 đảng viên, chiếm 3,78%. 

Còn tại tỉnh Tây Ninh, một địa phương có đông tín đồ theo đạo Cao Đài, việc kết nạp đảng viên là người có đạo cũng thu được quả ngọt. Theo Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đặng Văn Phải, nếu cuối năm 2004, toàn Đảng bộ có 806 đảng viên có đạo, thì đến tháng 9-2019 tăng lên 3.178 người, chiếm 8,77%  trên tổng số đảng viên. Trong đó, tại huyện Hòa Thành (nơi có Tòa thánh Cao Đài với 90% số hộ theo Cao Đài Tây Ninh), đến hết tháng 8-2019, đã kết nạp được 1.093 đảng viên là người có đạo (chiếm 32,625%); trong đó, 1.060 người theo đạo Cao Đài, 21 người theo Phật giáo, 11 người đạo Công giáo. Qua phân tích chất lượng 961 đảng viên có đạo năm 2018, có 87 người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và 862 người hoàn thành tốt nhiệm vụ, 10 người hoàn thành nhiệm vụ và chỉ có 2 người không hoàn thành do bị kỷ luật về mặt Đảng và chính quyền.

Riêng tại TPHCM, từ năm 2005 đến năm 2018, toàn Đảng bộ đã kết nạp được 3.070 đảng viên có đạo, chiếm 2,6% tổng số đảng viên kết nạp. Trong đó, số lượng đảng viên có đạo được kết nạp năm 2017 là 345 người, gấp 6,76 lần so với trước khi có Quy định 123.

Nói về công tác phát triển Đảng trong vùng đồng bào có đạo, PGS-TS Nguyễn Phú Lợi (giảng viên cao cấp Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) nhận định: Phát triển Đảng trong đồng bào có đạo là một chủ trương lớn của Đảng ta ngay từ khi mới ra đời, nhưng phải đến khi có chính sách đổi mới công tác tôn giáo (Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 16-10-1990) của Bộ Chính trị về “Tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới” thì công tác phát triển Đảng người có đạo (được cụ thể hóa bằng Hướng dẫn số 03-HD/TCTW ngày 14-4-1995) được coi trọng hơn.

Nhưng cũng phải đến khi có Quy định 123 cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn, nguyên tắc, thủ tục kết nạp đảng viên là người có đạo thì số lượng đảng viên có đạo mới tăng nhanh. Thời điểm ngày 31-12-2004, cả nước có 36.985 đảng viên có đạo thì đến ngày 31-12-2016 con số này đã tăng lên 82.751 người (tăng 123%), chiếm tỷ lệ 1,74% tổng số đảng viên trong toàn Đảng.

Tin cùng chuyên mục