Phát triển Đảng trong giới văn nghệ sĩ: Cần bổ sung quy định đặc thù

Đội ngũ văn nghệ sĩ là người của công chúng. Thông qua các tác phẩm nghệ thuật, giới văn nghệ sĩ đã phần nào truyền tải chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến người dân, góp phần tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Song, thực tế, đội ngũ văn nghệ sĩ là đảng viên hiện nay còn rất mỏng, chưa thực sự phát huy hết vai trò cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân.
Nghệ sĩ Ưu tú Mỹ Uyên trong ngày kết nạp đảng
Nghệ sĩ Ưu tú Mỹ Uyên trong ngày kết nạp đảng

Vướng điều kiện

Tại buổi kết nạp đảng viên của Đảng ủy Khối Dân - Chính - Đảng TPHCM vào tháng 7 vừa qua, NSƯT Mỹ Uyên, Giám đốc Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần, bày tỏ xúc động khi sự nỗ lực phấn đấu suốt nhiều năm đã thành hiện thực. NSƯT Mỹ Uyên cho biết, thời gian dài phấn đấu vào Đảng đã không làm chị nản chí mà càng thôi thúc chị chỉn chu hơn trong nghề nghiệp và trong cuộc sống, để thật xứng đáng khi trở thành đảng viên.

Tại tọa đàm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phát triển đảng viên trong lực lượng văn nghệ sĩ do Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM và Đảng ủy Khối Dân - Chính - Đảng TPHCM tổ chức mới đây, nghệ sĩ cải lương Minh Trường (thuộc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang), chia sẻ, dù chưa phải là đảng viên nhưng bản thân luôn tìm hiểu đường lối chính sách của Đảng về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật để áp dụng vào thực tiễn công việc. Nghệ sĩ Minh Trường luôn phấn đấu để một ngày gần nhất có thể được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Mong muốn của Minh Trường cũng là mong muốn của nhiều nghệ sĩ trẻ hiện nay để có thể cống hiến nhiều hơn cho sự phát triển của nền văn hóa nghệ thuật nước nhà. Tuy nhiên, trên thực tế, việc kết nạp đảng viên là văn nghệ sĩ những năm qua gặp không ít khó khăn. 

Đảng bộ Khối Dân - Chính - Đảng TPHCM có 2 tổ chức cơ sở đảng có văn nghệ sĩ đang công tác và sinh hoạt. Trong đó, Đảng bộ Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TPHCM có hơn 5.360 viên chức, hội viên, 11 chi bộ trực thuộc với 99 đảng viên (trong đó, 50 đảng viên là văn nghệ sĩ). Đảng bộ Sở VH-TT TPHCM có gần 1.330 viên chức, hội viên, 39 chi bộ trực thuộc với 527 đảng viên (trong đó có 50 đảng viên là văn nghệ sĩ). Như vậy, toàn Đảng bộ khối chỉ có 100 đảng viên là văn nghệ sĩ. 

Hầu hết lực lượng đảng viên thuộc giới văn nghệ sĩ đều đã trên 65 tuổi. Điều này dẫn đến sự thiếu hụt lực lượng chính trị trong tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp quan trọng của giới văn nghệ sĩ. Qua tìm hiểu, nguyên nhân do phần lớn văn nghệ sĩ ở các đơn vị nghệ thuật truyền thống như cải lương, hát bội, xiếc, múa rối… được đào tạo bằng hình thức nghề truyền nghề, rất ít người được đào tạo chính quy. Nhiều người tích cực tham gia hoạt động nghề nghiệp, hoạt động cộng đồng và các tổ chức đoàn thể nhưng lại không đủ điều kiện về trình độ hoặc không có hợp đồng lao động để giới thiệu xem xét kết nạp Đảng. Ngoài ra, những nghệ sĩ đủ điều kiện thì thường xuyên đi biểu diễn xa nhà, thậm chí là lưu diễn nước ngoài. Khi đứng vào hàng ngũ của Đảng thì phải tuân thủ quy định về sinh hoạt đảng, thủ tục ra nước ngoài có đôi phần phức tạp hơn. Do đó, lực lượng này cũng chưa mặn mà phấn đấu vào đảng.

Tháo gỡ khó khăn

Nhận xét về tình hình nghệ sĩ trẻ tham gia hoạt động Đoàn, Bí thư Đoàn Khối Dân - Chính -  Đảng TPHCM Nguyễn Đăng Khoa cho biết, thời gian qua, Đoàn Khối đã rất nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động, sân chơi để thu hút văn nghệ sĩ trẻ. Tuy nhiên, một số loại hình nghệ thuật truyền thống đang gặp khó khăn, sân khấu hiếm khi “sáng đèn” đã ảnh hưởng đến đời sống văn nghệ sĩ, vì vậy những người đủ điều kiện để phát triển đảng lại phải ưu tiên cho việc tạo ra thu nhập để ổn định đời sống hơn là tham gia các hoạt động đoàn, hội. 

Cũng do thu nhập không ổn định, kéo theo sự biến động về nhân sự văn nghệ sĩ nên rất khó để duy trì một mô hình tổ chức hoạt động đoàn phù hợp với đặc điểm lao động của văn nghệ sĩ trẻ. 

Trước thực trạng đó, anh Nguyễn Đăng Khoa kiến nghị những chính sách hỗ trợ văn nghệ sĩ (nhất là những loại hình nghệ thuật truyền thống) ổn định đời sống để có điều kiện tham gia các hoạt động đoàn, hội. “Về phía Đoàn Khối cũng sẽ nghiên cứu các mô hình tổ chức hoạt động đoàn phù hợp hơn với đặc điểm tổ chức hoạt động của văn nghệ sĩ. Bước đầu sẽ tiếp cận theo hình thức câu lạc bộ, đội, nhóm văn nghệ sĩ trẻ rồi tiến đến thành lập chi đoàn hoặc chi hội thanh niên”, anh Nguyễn Đăng Khoa thông tin.

Phó Bí thư Đảng ủy Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TPHCM Trương Tứ Muối cho rằng, qua rà soát, hội viên, nghệ sĩ ở các cơ sở ngoài công lập đáp ứng được các yếu tố trẻ, giỏi, có trình độ chuyên môn cao. Cần có hướng mở cho việc bồi dưỡng quần chúng ngoài công lập tích cực, có động cơ và mục đích vào đảng rõ ràng để bồi dưỡng, xem xét giới thiệu kết nạp đảng. Cùng với đó, cần thiết linh động trong quy định sinh hoạt đảng của đảng viên công tác trong lĩnh vực văn học nghệ thuật.

Tương tự, đại diện Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM nêu ý kiến đề xuất Trung ương xem xét bổ sung những quy định đặc thù đối với các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp thuộc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TPHCM trong việc tạo nguồn phát triển đảng. Có thể đưa các hội viên không phải là viên chức thuộc biên chế của các hội nhưng thường xuyên tham gia sinh hoạt chính trị và các phong trào thanh niên vào nguồn cảm tình đảng. Thậm chí, cần thiết thành lập Ban Chỉ đạo công tác phát triển đảng trong lực lượng văn nghệ sĩ trẻ TPHCM để kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo lớp kế thừa văn nghệ sĩ là đảng viên, giúp công tác lãnh đạo, định hướng văn học, nghệ thuật đi theo đường lối của Đảng.

Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, Đảng bộ Khối Dân - Chính - Đảng TPHCM chỉ phát triển được 16 đảng viên là văn nghệ sĩ. Trong đó,  Đảng bộ Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TPHCM chỉ phát triển được duy nhất 1 đảng viên. 

Tin cùng chuyên mục