Phát triển cụm công nghiệp theo tín hiệu thị trường

Là địa phương có thế mạnh về công nghiệp, tuy nhiên Long An không quy hoạch dàn trải, chạy theo số lượng mà phát triển cụm công nghiệp (CCN) theo tín hiệu thị trường, gắn với nhu cầu của các nhà đầu tư… 
Đóng gói và chế biến thanh long xuất khẩu - thế mạnh của tỉnh Long An
Đóng gói và chế biến thanh long xuất khẩu - thế mạnh của tỉnh Long An

Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An, cho biết trong 6 tháng đầu năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt hơn 100.428 tỷ đồng, tăng 16,4% so cùng kỳ; trong đó, công nghiệp chế biến đạt 99.753 tỷ đồng (tăng 16,4%), sản xuất tập trung và phân phối đạt 359 tỷ đồng (tăng 13,8%)... Chế biến hạt điều, sản xuất thức ăn gia súc, thức ăn thủy sản, may giày thể thao, túi xách, sản phẩm in, vải dệt từ sợi tổng hợp… là những sản phẩm công nghiệp có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất. 

Đối với phát triển các CCN, từ năm 2009, Sở Công thương đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng Đề án quy hoạch phát triển CCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Sau đó, Bộ Công thương thống nhất danh mục quy hoạch các CCN ở Long An đến năm 2020, với tổng diện tích 3.367ha. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện CCN từ năm 2014 đến 2016 khá chậm. Sang năm 2017, tình hình thu hút đầu tư dần có nét khởi sắc và Sở Công thương đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện Đề án điều chỉnh quy hoạch phát triển CCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 với 62 CCN, tổng diện tích 3.106ha. Đến nay, 19 CCN (tổng diện tích 902ha) đã xây dựng hạ tầng kỹ thuật tương đối và tiếp nhận doanh nghiệp vào hoạt động. Thời gian qua, các CCN này thu hút 541 dự án với tổng vốn đầu tư 15.485 tỷ đồng  (trong đó 60 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với 209,609 triệu USD). Tỷ lệ lấp đầy tại các CCN đang hoạt động khoảng hơn 86%...

Mặt được là vậy, tuy nhiên trong quy hoạch phân khu chức năng và loại hình sản xuất trong CCN vẫn còn một số hạn chế, chưa phù hợp. Có CCN chưa quy hoạch chi tiết xây dựng nhưng đã xây dựng hạ tầng kỹ thuật để tiếp nhận nhà đầu tư thứ cấp; việc thu hút đầu tư chưa như mong muốn; hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ môi trường chưa được đầu tư hoặc đầu tư không đồng bộ, nên tình trạng ô nhiễm môi trường chưa được giải quyết dứt điểm… Để tháo gỡ những khó khăn trên, hiện tỉnh Long An tập trung triển khai thực hiện 11 CCN về giải phóng mặt bằng, san lấp… nhằm sớm đưa vào hoạt động. Đồng thời, điều chỉnh 32 CCN phù hợp với tình hình mới. UBND tỉnh cũng vừa phê duyệt đề án điều chỉnh quy hoạch phát triển CCN ở Long An đến năm 2020. Theo đó, tổng diện tích dành cho CCN khoảng 3.106ha với 62 CCN, tổng vốn đầu tư khoảng 27.337 tỷ đồng. Quan điểm chung là phát triển CCN phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cùng các quy hoạch chuyên ngành khác trên địa bàn. Ngoài ra, phát triển CCN lưu ý gắn với vùng nguyên liệu, nguồn lực lao động, có điều kiện quản lý và bảo vệ môi trường; đảm bảo tính hiệu quả và bền vững. 

Ông Lê Minh Đức nhận xét, cái mới trong phát triển CCN tới đây là không chủ trương xây dựng tràn lan, không chạy theo số lượng… mà xây dựng CCN dựa trên tín hiệu thị trường, chọn nhà đầu tư có thực lực. Tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi về môi trường đầu tư, đảm bảo linh hoạt, thông thoáng cho mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư hạ tầng kỹ thuật các CCN. Khuyến khích thành lập hiệp hội ngành nghề nhằm cung cấp và chia sẻ thông tin lẫn nhau giữa các doanh nghiệp trong CCN và các CCN với nhau; đẩy mạnh liên kết với các viện nghiêu cứu, trường đại học nhằm hợp tác cung ứng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đào tạo những ngành nghề đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.

Tin cùng chuyên mục