Phát triển công nghiệp hỗ trợ lĩnh vực năng lượng

Bộ Công thương dự kiến, với mức tiêu thụ năng lượng của Việt Nam sẽ tăng từ 10% - 12%/năm từ đây đến năm 2020, sẽ tạo nhiều cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực cung cấp thiết bị và công nghệ cho những dự án sản xuất năng lượng, năng lượng tái tạo đầu tư các dự án nhà máy điện tư nhân và hệ thống truyền tải điện, dự án sản xuất điện hỗ trợ cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
 Thi công lắp đặt thiết bị nhà máy thủy điện Ảnh: CAO THĂNG
Thi công lắp đặt thiết bị nhà máy thủy điện Ảnh: CAO THĂNG

Cũng theo Bộ Công thương, đến năm 2020, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành năng lượng tái tạo sẽ đáp ứng được khoảng 45% nhu cầu cho sản xuất nội địa và đến năm 2025 đáp ứng 65% nhu cầu cho sản xuất nội địa. Vì thế, việc phát triển hệ thống doanh nghiệp cung cấp thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, hỗ trợ chuyển giao công nghệ; hình thành các doanh nghiệp bảo trì, sửa chữa máy móc đạt tiêu chuẩn quốc tế, làm tiền đề để phát triển doanh nghiệp sản xuất thiết bị, phần mềm phục vụ ngành năng lượng tái tạo sẽ là cơ hội cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo ông Phạm Tuấn Anh, Cục phó Cục Công nghiệp, Bộ Công thương, để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp năng lượng, Việt Nam cần đẩy mạnh nghiên cứu nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong các dây chuyền thiết bị đồng bộ tại các nhà máy nhiệt điện, thủy điện; các giàn khoan khai thác dầu khí và thiết bị, kết cấu siêu trường, siêu trọng khác phục vụ ngành công nghiệp dầu khí; nghiên cứu, nhập khẩu công nghệ, chuyển giao và phát triển công nghệ nhằm làm chủ trong chế tạo các thiết bị năng lượng. Bên cạnh đó, khuyến khích, hỗ trợ hình thành, phát triển các tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong doanh nghiệp, đặc biệt tại các tập đoàn kinh tế. Đa dạng hóa các hình thức đầu tư trong chế tạo các thiết bị năng lượng; xây dựng, phát triển các tập đoàn mạnh chế tạo các thiết bị năng lượng. Đồng thời, chủ động và tích cực vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tiến tới sản xuất chế tạo thiết bị toàn bộ trong một số lĩnh vực trọng điểm (như nghiên cứu làm chủ công nghệ chế tạo thiết bị toàn bộ nhà máy điện gió, điện mặt trời; thiết bị của hệ thống truyền tải và phân phối điện). Tích cực, chủ động hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ trong lĩnh vực chế tạo các thiết bị năng lượng.

Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay việc cắt giảm khí thải carbon và chuyển đổi sử dụng những nguồn năng lượng gây ô nhiễm môi trường sang những nguyên liệu thân thiện với môi trường đã bổ sung thêm một lĩnh vực mới trong ngành công nghiệp điện tại Việt Nam. Những nguồn năng lượng tái tạo đến từ mặt trời và gió đều nhận được sự ủng hộ tích cực từ chính phủ và các tổ chức, ban ngành. Thêm vào đó, việc khai thác những nguồn năng lượng an toàn hơn thông qua các trạm phát điện công nghệ cao đang được đầu tư xây dựng sẽ tạo nên cơ hội lớn cho nền công nghiệp năng lượng tại Việt Nam. Để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội bền vững, Việt Nam đang ưu tiên khuyến khích các nguồn điện năng lượng tái tạo để giảm sự phụ thuộc nguồn năng lượng sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch. Trong đó, vấn đề then chốt là làm chủ công nghệ, từng bước nội địa hóa công nghệ, thiết bị để tránh phụ thuộc vào công nghệ nhập khẩu.

Theo ông Đỗ Hữu Hào, Chủ tịch Hội Khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam, nhu cầu về năng lượng nói chung và nhu cầu về điện nói riêng đang có sự tăng trưởng cao. Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc bảo đảm an ninh năng lượng gắn với phát triển bền vững, nhất là khi đã chuyển từ nước xuất khẩu thành nước nhập khẩu năng lượng với mức độ phụ thuộc ngày một tăng. Để có thể đáp ứng được nhu cầu năng lượng của một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, một trong những vấn đề then chốt là làm chủ công nghệ để từng bước nội địa hóa công nghệ, thiết bị, tránh phụ thuộc vào công nghệ nhập khẩu. Thời gian vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) đã triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách và các chương trình cụ thể nhằm định hướng, khuyến khích, hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực năng lượng. Trong Chiến lược phát triển KH-CN đến năm 2020, Bộ KH-CN xác định, chú trọng đẩy mạnh việc nghiên cứu làm chủ công nghệ chế tạo thiết bị phục vụ nhà máy thủy điện, nhiệt điện công suất trung bình và lớn; nghiên cứu ứng dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo cũng như các giải pháp KH-CN tiết kiệm và tăng hiệu quả trong các khâu sản xuất, truyền tải và tiêu thụ năng lượng. Liên quan đến lĩnh vực này, Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng cho biết, nhu cầu về năng lượng là bài toán cần phải giải quyết trong thời gian tới. Chúng ta đang xây dựng cơ chế chính sách theo hướng sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, đa dạng hóa các nguồn năng lượng và áp dụng công nghệ mới, tiên tiến, thân thiện với môi trường. Để đáp ứng nhu cầu năng lượng của nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, vấn đề then chốt là làm chủ công nghệ, từng bước nội địa hóa công nghệ, thiết bị, tránh tình trạng phụ thuộc vào nhập khẩu.

Tin cùng chuyên mục