Phát triển bền vững ĐBSCL: Chiến lược 8G

Ngày 13-3, tại TP Cần Thơ diễn ra hội nghị sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP về “Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu”. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ tham dự và chủ trì hội nghị. 

Cùng tham dự còn có các đồng chí: Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình; Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng...

Phát triển bền vững ĐBSCL: Chiến lược 8G ảnh 1 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ đại biểu quốc tế dự hội nghị. Ảnh: TTXVN
Định hình không gian kết nối ĐBSCL với TPHCM

Đây là lần thứ 3 trong nhiệm kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị quy mô lớn về một ĐBSCL thịnh vượng và phát triển bền vững; thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ đối với sự phát triển của vùng đồng bằng có 20% dân số cả nước, đóng góp 18% cho GDP quốc gia, nhưng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu (BĐKH). 

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các ý kiến, tình cảm yêu mến của các đại biểu dành cho vùng đất Chín Rồng hay đơn giản là miền Tây của chúng ta, trong nỗi trăn trở về sự phát triển cũng như những tác động của BĐKH cực đoan. Thủ tướng đã dẫn hai câu thơ như một cách ví von về vùng đất dễ mến: “Sông Cửu Long 9 cửa 2 dòng. Người thương anh vô số nhưng chỉ một lòng với em”. Thủ tướng nhấn mạnh, vùng ĐBSCL có 13 tỉnh, thành phố là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của cả nước, đóng góp 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% các loại trái cây cả nước… Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, ĐBSCL là vựa lúa chiếm khoảng 20% lượng gạo thương mại toàn cầu và chính miền Tây đã góp phần đảm bảo lương thực ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh.

Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ ngành, địa phương, nhà khoa học… đánh giá thành công bước đầu và những thách thức, giải pháp để thực hiện trong thời gian tới. Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đánh giá  qua 3 năm thực hiện Nghị quyết 120 đã kiến tạo thể chế, chính sách thúc đẩy phát triển bền vững vùng ĐBSCL theo một tổng thể thống nhất, kết nối liên vùng tạo sức mạnh tổng hợp. Chuyển từ bị động sang chủ động thích ứng với BĐKH thông qua nâng cao năng lực quan trắc, giám sát khí hậu, dự báo sớm thời tiết, cảnh báo kịp thời thiên tai; chuyển đổi sản xuất, kinh doanh phù hợp dựa trên các lợi thế tự nhiên...

Phát triển bền vững ĐBSCL: Chiến lược 8G ảnh 2 Nông dân ĐBSCL trồng thơm thích ứng biến đổi khí hậu. Ảnh: CAO PHONG
“Đặc biệt là chúng ta đã định hình không gian phát triển, quy hoạch hạ tầng kết nối ĐBSCL với TPHCM và Đông Nam bộ. Kết nối liên vùng về hạ tầng và kinh tế đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh trên cơ sở phát huy lợi thế, sức lan tỏa phát triển vùng TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với ĐBSCL, bao gồm xây dựng các tuyến giao thông liên vùng, hình thành các khu công nghiệp, đô thị lớn quy mô vùng, để giải quyết bài toán tổng thể kết nối”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết. Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và GS-TS Võ Tòng Xuân đều khẳng định tầm quan trọng trong liên kết hỗ trợ kết nối thông thương nông sản giữa ĐBSCL và TPHCM cần hiệu quả hơn nữa...

Nhiều nhiệm vụ phải làm

Kết luận hội nghị, nhắc lại câu ca dao “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây/Ăn gạo nhớ kẻ đâm, xay, dần, sàng”, Thủ tướng gửi lời cảm ơn đến người dân miền Tây đã cần cù lao động, làm ra các sản phẩm nông sản, bảo đảm an ninh lương thực…Khẳng định ĐBSCL hay còn được gọi là miền Tây là một phần máu thịt Tổ quốc của Việt Nam, có vị trí chiến lược, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại vai trò trung tâm sản xuất nông nghiệp của Việt Nam.  

Dù kết quả thực hiện Nghị quyết 120 trong 3 năm qua bước đầu tích cực, nhưng Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương “không được kể công” mà phải xác định rất nhiều nhiệm vụ phải làm thời gian tới. Thủ tướng đề nghị tổ chức một cuộc Đối thoại 2045 ở khu vực ĐBSCL, để tìm giải pháp đưa vùng phát triển thịnh vượng cùng đất nước.

Đánh giá cao các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến đầy trách nhiệm, tâm huyết, sâu sắc vì sự phát triển của vùng đất Chín Rồng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra quan điểm chiến lược tiếp cận mới đối với sự phát triển vùng ĐBSCL với 8 nội dung có các từ khóa đều bắt đầu bằng chữ G. 

Theo Thủ tướng, chữ G đầu tiên là Giao, phải dành nguồn lực và tập trung ưu tiên phát triển hệ thống giao thông thủy lợi, nhất là hệ thống cao tốc, tạo sự liên kết, kết nối thuận tiện, chi phí thấp, mở mang kinh tế cho người dân… “thuận thiên, nhưng không phải để trời đất tác động thế nào cũng được mà chính là các công trình giao thông, thủy lợi phải được quan tâm”, Thủ tướng nói và đề nghị cần đẩy nhanh phát triển các công trình giao thông, sân bay, bến cảng, tạo thuận lợi cho người dân và sản xuất.

Thủ tướng cho rằng, chữ G thứ hai là Giáo dục, đây vừa là chìa khóa vàng của phát triển bền vững, vừa là đáp án cho bài toán phát triển ngắn hạn lẫn dài hạn. Phải đảm bảo tất cả trẻ em đều được học hết phổ thông; giáo dục nghề đảm bảo cho người dân tiếp cận việc làm cơ bản; giáo dục trình độ cao là cơ sở để chuyển lên bậc cao hơn về năng suất, thu nhập.

Cho rằng thiếu các dòng sông, con rạch thì không hình thành văn hóa miền Tây, Thủ tướng nêu chữ G thứ 3 là Giang. Do đó chiến lược phát triển cần tận dụng lợi thế và vai trò của các con sông để phát triển kinh tế nông nghiệp, lúa gạo, trái cây, thủy sản; hoàn thiện hệ thống giao thông, dịch vụ logistics… Nêu lên điều này, Thủ tướng đề nghị có một nghiên cứu về “kinh tế sông”.

Nhắc lại câu nói “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải cùng đi”, Thủ tướng cho rằng chữ G thứ tư là Gắn, tức gắn kết giữa Trung ương với địa phương, Nhà nước với thị trường, người dân với doanh nghiệp, trong nước và các tổ chức quốc tế, nhất là thúc đẩy liên kết vùng ĐBSCL.

Chữ G thứ 5 là Giàu, đó là cần tiếp tục thu hút người giàu, người khá giả đến đầu tư, làm ăn, sinh sống tại vùng. Muốn vậy các địa phương trong vùng phải tạo môi trường đầu tư kinh doanh, điều kiện sống thuận lợi.

Theo Thủ tướng, chữ G thứ 6 là Giỏi, nên vùng cần có chính sách phù hợp để thu hút được các nhân tài đóng góp, trí tuệ đối với sự phát triển của vùng đất “Chín Rồng”.

Chữ G thứ 7 là Già, chính là thách thức của già hóa dân số ở ĐBSCL, bởi tốc độ già hóa dân số ở vùng cao hơn bình quân chung cả nước và dân số già dễ bị tổn thương về kinh tế, xã hội và môi trường. Do đó vùng cần có chính sách chủ động cho vấn đề này, hình thành mạng lưới an sinh xã hội tốt hơn.

Thủ tướng nhắc đến chữ G thứ 8 chính là Giới, đó là phải thúc đẩy bình đẳng giới, tiếp cận cơ hội việc làm và phát huy vai trò, vị trí của người phụ nữ. Bởi sự phát triển của khoa học công nghệ, ở một góc độ nào đó, đe dọa đến cơ hội việc làm cho phụ nữ. Do đó cần có chiến lược để đảm bảo phụ nữ được giáo dục và tiếp cận việc làm trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất

Trên cơ sở các quan điểm đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu một số nhiệm vụ mà các bộ, ngành và địa phương vùng ĐBSCL cần thực hiện. Cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất cho doanh nghiệp, thúc đẩy sự linh hoạt của chính sách và các yếu tố kinh tế. Chỉ có thể bằng các dự án của doanh nghiệp, của hợp tác xã thì mới là chất xúc tác để trung hòa tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng bởi doanh nghiệp giải quyết việc làm, tăng thu nhập và thu ngân sách.

Phát triển bền vững ĐBSCL: Chiến lược 8G ảnh 3 Cầu Vàm Cống thông xe tháng 5-2019 góp phần đưa ĐBSCL ngày càng phát triển. Ảnh: CAO PHONG
Thủ tướng cũng yêu cầu thúc đẩy chuyển đổi đất đai để thích nghi với nhu cầu và mục đích sử dụng đất trước sự biến đổi nhanh chóng và khó lường của thiên nhiên. Nghiên cứu để có cơ sở linh hoạt trong quy hoạch diện tích đất trồng lúa chuyển đổi sang các cây trồng có giá trị cao hơn và thích ứng với biến đổi khí hậu.  

Cùng với đó là tăng cường đầu tư cho khoa học và công nghệ, xác định các công nghệ ưu tiên đầu tư tại khu vực này; đặc biệt cần có cơ chế chính sách thúc đẩy các sáng kiến phát triển bền vững. Phát triển thị trường vốn, đẩy nhanh hình thành các quỹ đầu tư, các cơ chế huy động vốn, khuyến khích cho vay các lĩnh vực giúp chuyển đổi cơ cấu nhanh chóng, tăng cường năng lực thị trường tài chính.

Tại hội nghị, Thủ tướng chỉ đạo cần đưa ngân sách chi cho ứng phó với biến đổi khí hậu thành một hạng mục chi chính của ngân sách địa phương trong tổng thu ngân sách hàng năm. Thủ tướng đề nghị các địa phương trong vùng ĐBSCL cần tăng cường liên kết mạnh mẽ với TPHCM theo tình thần bền vững, hữu cơ, cùng phát triển; phát huy vai trò Hội đồng điều phối vùng. Đặc biệt là cần phát triển mạnh mẽ các đô thị trong vùng, quy hoạch lại dân cư; song song với đẩy mạnh hợp tác quốc tế; tranh thủ các nguồn viện trợ quốc tế để dành mọi nguồn lực cho phát triển vùng ĐBSCL.

Sáng 13-3, bên lề hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp các đại biểu quốc tế dự hội nghị (các đối tác, tổ chức, nhà tài trợ quốc tế). Cảm ơn các đại biểu quốc tế dự Hội nghị về ĐBSCL, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh sự hợp tác của các đối tác, tổ chức, nhà tài trợ quốc tế là rất quan trọng. “Chúng tôi đã nghiên cứu một số vùng đồng bằng của các nước châu Âu và nhiều nơi; tìm hiểu các mô hình, cách làm, bài học của nhiều nước trên thế giới”, Thủ tướng nói. Cho nên, không chỉ hợp tác về kinh tế mà hợp tác chia sẻ kinh nghiệm trong ứng phó biến đổi khí hậu ở các vùng đồng bằng cũng rất quan trọng.

Nhấn mạnh vai trò của nguồn lực đối với phát triển ĐBSCL trong bối cảnh thiên tai khắc nghiệt, Thủ tướng mong muốn “các nước đối tác, tổ chức quốc tế sẽ quan tâm cùng Việt Nam tạo nguồn lực mới từ hợp tác của chúng ta”. Bởi dư địa để huy động nguồn vay từ bên ngoài còn lớn khi 5 năm qua, Chính phủ đã nỗ lực giảm tỷ lệ nợ công từ 64,8% xuống còn 55% GDP. Vấn đề nữa là hợp tác quốc tế bảo vệ các dòng sông, nhất là vùng hạ du, không chỉ cho Việt Nam mà còn những nước trong khu vực chịu ảnh hưởng lớn bởi thượng nguồn. “Vai trò quốc tế trong bảo vệ dòng sông xuyên quốc gia rất quan trọng”, Thủ tướng bày tỏ mong muốn được lắng nghe ý kiến, đẩy mạnh hợp tác trong quá trình phát triển, đặc biệt là kinh nghiệm, bài học quý từ các nước.

Đại diện các đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị quyết 120 và kết quả mà nghị quyết này mang lại cũng như việc tổ chức hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL ứng phó biến đổi khí hậu, đồng thời thể hiện cam kết mạnh mẽ sẽ hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này.

                                                                                          TTXVN


Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Lê Tiến Châu: Chủ động liên kết

Tới đây cần thống nhất nhận thức chung rằng, phát triển ĐBSCL thích ứng với BĐKH không chỉ là vấn đề của Chính phủ, các bộ ngành, hay của từng địa phương, mà là vấn đề của tất cả địa phương trong khu vực. Thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân dẫn đến liên kết vùng thời gian qua chưa đạt được nhiều kết quả là do xung đột lợi ích, địa phương nào cũng muốn bứt phá nên xảy ra tình trạng cạnh tranh với nhau. Tuy nhiên, BĐKH là vấn đề vượt ra ngoài ranh giới hành chính một tỉnh, cần tiếp cận và giải quyết theo vùng, thông qua hành động tập thể. Do đó, 13 tỉnh ĐBSCL cần nhìn về một hướng, với nhận thức chung, mục tiêu chung, từ đó chủ động trong hợp tác, liên kết với nhau theo phương châm “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau”.

Chúng ta hiện tập trung quá nhiều vào phát triển cây lúa - loại cây không thể sinh trưởng và phát triển tốt tại những khu vực nhiễm mặn, phèn. Đã đến lúc nghiên cứu lại chính sách an ninh lương thực theo hướng đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi, để thích ứng với BĐKH, tạo ra giá trị trên từng diện tích đất cao hơn. Từ đó BĐKH không phải là thách thức, mà là cơ hội cho nông dân thoát nghèo và làm giàu.


Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường: Biến “nguy” thành “cơ”

Nghị quyết 120 của Chính phủ đã nêu rõ tinh thần thuận thiên để tổ chức đời sống và sản xuất; biến “nguy” thành “cơ” cho phát triển, tập trung các nguồn lực từ phía Nhà nước, doanh nghiệp, người dân. Cơ cấu nông nghiệp đã chuyển dịch tích cực. Nếu trước kia chúng ta xác định các sản phẩm trụ cột của ĐBSCL gồm: lúa gạo, thủy sản, trái cây thì vừa qua để thích ứng với BĐKH, chúng ta phải khai thác thế mạnh theo ưu tiên: thủy sản, trái cây, lúa gạo. Trước Nghị quyết 120, trong 3,2 triệu ha đất nông nghiệp của vùng ĐBSCL, có 1,82 triệu ha đất lúa, 860.000ha thủy sản, 385.000ha cây ăn trái. Sau nghị quyết, diện tích trồng trái cây tăng lên 450.000ha, thủy sản lên trên 900.000ha, diện tích lúa giảm còn 1,7 triệu ha. Năm 2016, xuất khẩu nông sản của toàn vùng đạt 7 tỷ USD, nhưng năm 2020 đã là 8,8 tỷ USD, cho thấy việc chuyển hướng thuận thiên không những đúng hướng mà còn hiệu quả. 


Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Carolyn Turk: Khu vực màu mỡ nhất

Ban hành Nghị quyết 120 của Chính phủ là một cột mốc đột phá, đánh dấu sự thay đổi từ cách tiếp cận mang tính phòng vệ thụ động đối với BĐKH, chuyển sang hướng tới mô hình chủ động thích ứng với thiên nhiên. 

Cần thấy rằng, ĐBSCL là một trong những khu vực màu mỡ nhất trên thế giới và đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thành công bền vững về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. ĐBSCL cần tiếp tục thúc đẩy sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên bao gồm vùng trữ lũ thượng nguồn, nước lợ và nước mặn, năng lượng mặt trời và gió; quản lý bền vững môi trường và tài nguyên thiên nhiên như phù sa, cát, rừng ngập mặn, thủy sản và đa dạng sinh học; cần giải quyết một cách có hệ thống các vấn đề cấp bách về xói lở bờ biển… 

Tin cùng chuyên mục