Phát triển bền vững cây tiêu - Bài 2: Tránh vòng xoáy trồng - chặt

Từ đầu năm đến nay, giá hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng với mức tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, đang có lợi cho nông dân. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Bộ NN-PTNT, nông dân ở miền Đông Nam bộ và Tây Nguyên cần ổn định diện tích trồng, tập trung đầu tư, chăm sóc về giống, xử lý dịch bệnh và chọn loại đất phù hợp đẩy mạnh năng suất, chất lượng tiêu nhằm tránh cho hồ tiêu không rớt giá kéo dài như trong 5 năm gần đây.
Người dân ở xã Ia Blang, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai thu hoạch hồ tiêu vụ 2020-2021
Người dân ở xã Ia Blang, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai thu hoạch hồ tiêu vụ 2020-2021

Đẩy mạnh liên kết theo mô hình HTX

HTX sản xuất tiêu sạch bền vững Hưng Phước (xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước) được thành lập năm 2016, với 80 hộ dân, canh tác 150ha theo tiêu chuẩn VietGAP. Các hộ dân phải làm theo quy trình sản xuất của HTX, được giám sát chặt chẽ, sản xuất tiêu sạch theo 10 tiêu chí R.A. Các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều được kiểm định trước khi sử dụng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, không có dư lượng thuốc trừ sâu độc hại. 

Ông Bùi Quốc Hay, Giám đốc HTX, cho biết, sản lượng thu hoạch của HTX là 350-400 tấn/năm và đang thu hút nhiều hộ trồng tiêu đăng ký tham gia. HTX cũng liên kết với Công ty Chế biến gia vị Nedspice để sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nhằm ổn định đầu ra, thắt chặt mối liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, hình thành cánh đồng mẫu lớn cho sản phẩm nhiều, giá trị cao. 

Xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) có hơn 1.500ha và 1.565 hộ trồng tiêu, với sản lượng trên 2.500 tấn hạt tiêu đen/năm. Trước năm 2015, các hộ trồng tiêu sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học dẫn đến việc liên kết và tiêu thụ với HTX Nông nghiệp Lâm San gặp nhiều khó khăn (chỉ 25% - 30% số mẫu an toàn). Sau đó, các hộ dân đã thay đổi thói quen canh tác truyền thống bằng việc sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Đến nay, tỷ lệ mẫu an toàn đã tăng lên 90% và hàng năm HTX liên kết thu mua sản phẩm của nông dân trên 1.500 tấn, với giá cao hơn thị trường cùng thời điểm 5.000 đồng/kg.

Ông Trương Đình Bá, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lâm San, cho biết, mô hình HTX liên kết sản xuất và tiêu thụ hồ tiêu đang mang lại hiệu quả cao và được nhân rộng. Hiện xã Lâm San đã thành lập được 3 HTX, 18 tổ hợp tác với 977 tổ viên và 1 cánh đồng lớn sản xuất tiêu với 721 hộ tham gia và liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm an toàn trên diện tích 877,5ha. Người trồng tiêu ở đây rất phấn khởi để canh tác theo hướng nông nghiệp an toàn. 

Còn tỉnh Gia Lai hiện có 11 HTX nông nghiệp và dịch vụ sản xuất, kinh doanh tiêu, trong đó có 2 HTX là Nam Yang và Lam Anh có sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) đạt chứng nhận 3 sao, với tổng diện tích trên 130ha. Công ty Trường Thịnh sản xuất hồ tiêu với quy mô lớn, diện tích 275ha tiêu tại xã IAIe (huyện Chư Pưh) theo tiêu chuẩn Rainforest Alliance mang lại hiệu quả cao. Công ty đã đầu tư dự án liên kết sản xuất với 319 hộ nông dân, diện tích 305ha; kết nối hơn 130 hộ đầu tư trên 165ha hồ tiêu đạt chứng nhận OCOP, tạo cơ sở vững chắc cho nông dân tham gia sản xuất. 

Hướng tới sản xuất an toàn, bền vững

Lộc Ninh hiện vẫn là địa phương có diện tích cây tiêu lớn nhất tỉnh Bình Phước (5.423ha) cũng đang có nhiều nông dân hướng tới sản xuất an toàn. HTX Tiêu hữu cơ Lộc Quang thành lập từ tháng 5-2020, với 9 hội viên trồng tiêu canh tác hữu cơ trên diện tích hơn 21ha. HTX này sử dụng các chế phẩm sinh học, nguồn phế phẩm như bã thực vật, phân chuồng; được chuẩn hóa quy trình, truy xuất nguồn gốc từ cây giống, chăm sóc tới sản phẩm chế biến tại chỗ là tiêu đen hữu cơ, muối tiêu hữu cơ, tiêu hữu cơ ngâm giấm… Giám đốc HTX Tiêu hữu cơ Lộc Quang Phạm Quang Chung cho hay, việc cần làm tiếp theo là cải thiện chất lượng sản phẩm chế biến từ hạt tiêu. Hướng đi hữu cơ là đúng đắn và phù hợp với xu hướng của thế giới khi hạn chế được thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học.

Huyện Cẩm Mỹ (tỉnh Đồng Nai) hiện có 6.053ha tiêu, sản lượng 12.1581 tấn/năm và trong đó, 2.500ha được lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm; có 30 hệ thống tưới theo công nghệ Netafim của Israel tập trung ở các xã Lâm San, Bảo Bình, Sông Ray, Xuân Tây. Huyện Cẩm Mỹ cũng thí điểm thành công mô hình tiến bộ kỹ thuật sản xuất tiêu theo tiêu chuẩn GlobalGAP trên 13,5ha tại ấp 3, xã Lâm San. Mô hình đã làm thay đổi nhận thức của nhà vườn trong canh tác cây tiêu, với 7 thành viên tham gia đều tuân thủ tốt quy định, ghi chép nhật ký đầy đủ và đã được tổ chức quốc tế chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. 

Huyện Cẩm Mỹ còn có mô hình nhân rộng cánh đồng tiêu chuẩn chất lượng cao 160ha với 82 hộ tham gia, năng suất 30-35 tạ/ha (cao hơn so hộ không thực hiện mô hình 5-7 tạ/ha) thuộc xã Sông Ray; quy hoạch cánh đồng tiêu lớn với 2.241ha tại các xã Lâm San, Sông Ray, Xuân Tây, Xuân Đông, Xuân Bảo canh tác theo hướng sản xuất hữu cơ. 

Việc thay đổi tư duy, trồng tiêu theo hướng hữu cơ, chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm đã giúp hạt tiêu của Công ty CP Nông nghiệp Thương mại Du lịch Bầu Mây (huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) chinh phục được thị trường trong và ngoài nước với giá thành cao hơn hẳn. Sau 2 năm triển khai chương trình OCOP, công ty là đơn vị đầu tiên được gắn 5 sao OCOP cho sản phẩm chủ lực như tiêu xanh muối, tiêu sữa, tiêu 1 nắng, tiêu tươi muối, tiêu không hạt. 

Giám đốc Công ty Lâm Ngọc Nhâm cho biết, để các sản phẩm được gắn sao, đơn vị trải qua nhiều quá trình xây dựng, nâng cấp chất lượng và mẫu mã của sản phẩm. Công ty cũng chủ động xây dựng HTX Bầu Mây phụ trách vùng nguyên liệu với gần 1.000ha tiêu, trong đó 15ha được chứng GlobalGAP, gắn bảng theo dõi từ khi trồng đến lúc thu hoạch và kiểm soát nghiêm ngặt việc sử dụng phân bón, nước tưới, chăm sóc, thuốc bảo vệ thực vật. Sản phẩm còn được thực hiện đúng các quy định về nhật ký sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đăng ký mã vạch cung cấp nguyên liệu để chế biến sản phẩm giá trị cao. Tiêu Bầu Mây được người tiêu dùng lựa chọn dù giá cao hơn 25% - 30% so với tiêu thường và bán ra các thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản hàng chục tấn/năm. 

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan và Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương), trong 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam giảm 7,5% về lượng nhưng tăng 39,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020, đạt trên 154.000 tấn với tổng giá trị kim ngạch là 496,84 triệu USD. 

Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thời gian gần đây, Hoa Kỳ và EU cũng đã có sự chuyển hướng nhập khẩu hạt tiêu từ Brazil vì chất lượng không quá chênh lệch so với hạt tiêu của Việt Nam, chi phí vận chuyển từ nước này tới Hoa Kỳ chỉ bằng 1/3 và đến EU chỉ bằng 1/10 so với từ Việt Nam. Dự báo, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam có thể gặp khó khăn do các nhà nhập khẩu có sự chuyển dịch sang các nhà cung cấp tại Indonesia, Malaysia, Sri Lanka, Campuchia…

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), giá tiêu thời điểm này là cơ hội để người trồng tiêu vực dậy ngành hồ tiêu Việt Nam. Để làm được điều này, ngành hồ tiêu phải kiểm soát tốt về quy hoạch và diện tích, người trồng hồ tiêu chưa nên mở rộng diện tích mà chú trọng liên kết thành lập các HTX sản xuất tiêu sạch, đầu tư hồ tiêu theo hướng hữu cơ, VietGAP để có giá bán cao, và mở rộng liên kết tạo đầu ra ổn định, hướng tới phát triển bền vững.

Tin cùng chuyên mục