Phát thanh số: Cơ hội và thách thức

Trong xu hướng lên ngôi của các nền tảng trực tuyến, nhu cầu giải trí của công dân số cũng bắt đầu thay đổi. Sản xuất chương trình phát thanh giải trí buộc phải đổi mới và đặt mình trong thế vừa cạnh tranh, vừa hỗ trợ với các nền tảng mạng xã hội… để khẳng định vị thế của mình.

Podcast: khác nhưng không lạ

Podcast (tạm dịch: tệp âm thanh) trên thế giới và tại Việt Nam được biết đến hơn 10 năm nay. Tuy nhiên khoảng 3 năm trở lại đây, sự phát triển của podcast trong nước có nhiều bước chuyển mạnh.

Năm 2012, VOV Giao thông đã nghiên cứu phương thức sản xuất chương trình phát thanh này. Tuy nhiên, động lực thực sự chưa đủ lớn và hơn hết thị trường chưa sẵn sàng tiếp nhận cách nghe mới.

Phát biểu tại hội thảo “Sản xuất chương trình phát thanh giải trí trong bối cảnh bùng nổ giải trí trực tuyến” diễn ra tại Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM - VOH (trong khuôn khổ Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XV), ông Phạm Trung Tuyến, Phó Giám đốc Kênh VOV Giao thông (Đài Tiếng nói Việt Nam), phân tích: “Podcast thực sự khiến các nhà sản xuất nội dung ở Việt Nam quan tâm khi dịch covid bùng nổ và giãn cách xã hội được thực hiện. Podcast ngày càng được công chúng đón nhận nhiệt tình do có phương thức tiếp cận tiện dụng, hợp thời hơn nhờ khả năng lan truyền rộng rãi và nhanh chóng của internet. Trong số những podcast được nghe nhiều nhất ở ứng dụng Spotify, đa phần là những kiến thức về lối sống tối giản, tích cực và những cuộc phỏng vấn, trò chuyện với doanh nhân thành đạt, người nổi tiếng. Phương thức truyền đạt kiến thức này được xem là thú vị hơn việc đọc sách, khi họ có sự trợ giúp của những giọng nói truyền cảm, âm thanh nền thú vị cũng như cảm giác tin tưởng nhờ những thành tựu mà người dẫn dắt có được. Điều đó cho thấy sự tiện dụng hợp thời, sự sáng tạo về nội dung của podcast”.

Phát thanh số: Cơ hội và thách thức ảnh 1 Một buổi sản xuất chương trình phát thanh tại Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM-VOH. Ảnh: Fanpage VOH

Câu hỏi đặt ra, giữa podcast và radio truyền thống là mối quan hệ hỗ trợ hay cạnh tranh? Ông Đỗ Hoàng Anh, Giám đốc tài chính Soundio (đơn vị sản xuất podcast tiên phong tại Việt Nam), chia sẻ: “Giữa podcast và radio truyền thống có rất nhiều điểm tương đồng nên đây là hai hình thức song hành cùng nhau, nếu nhìn ở một khía cạnh nào đó, gọi podcast là radio cũng không sai”.

Bản quyền: bình tĩnh xử lý, chấp nhận luật chơi

Ông Nguyễn Thanh Quang, Phó Giám đốc Đài PT-TH Bình Dương trăn trở: “Để thực hiện mục tiêu đưa các chương trình lên nền tảng số, đòi hỏi chúng tôi phải nỗ lực nhiều hơn, trong tiếp cận các yêu cầu mới từ việc nắm bắt cách làm, cách thể hiện, cũng như việc quảng bá các chương trình. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là vấn đề bản quyền các bài hát được sử dụng trong chương trình giải trí. Vì không thể mua bản quyền nhiều tác phẩm, kho nhạc ít (chỉ có thể dùng các kho nhạc miễn phí hoặc được cung cấp có giới hạn từ phía đối tác hợp tác), nên nhiều chương trình không thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu thưởng thức của thính giả, nhất là những ca khúc mới, những ca khúc thuộc dạng top, hit. Đơn cử như chương trình “Ca nhạc theo yêu cầu” được rất nhiều thính giả yêu mến theo dõi, nhưng rất tiếc chưa thể phát trên các hạ tầng số, vì vấn đề bản quyền các tác phẩm âm nhạc”.

Để tháo gỡ vấn đề này, bà Tôn Nữ Như Ngọc, Giám đốc phát hành Believe Việt Nam (nhà phân phối kỹ thuật số độc lập và cung cấp dịch vụ hàng đầu cho các nghệ sĩ và hãng đĩa trên toàn thế giới), phân tích: “Khi một video nội dung của nhà đài có sử dụng âm thanh một ca khúc nào đó và đăng tải trên các nền tảng như YouTube hay TikTok, chúng ta có thể liên hệ trước với phía ca sĩ, để nhờ họ làm việc với đơn vị phát hành bản ghi âm đó, đưa kênh của nhà đài vào whitelist (một danh sách các mục được cấp quyền truy cập vào một hệ thống hoặc giao thức nhất định), thì lúc đó chúng ta sử dụng thoải mái, không vi phạm gì. Nhưng nếu vì lý do thời sự, gấp gáp, khi video nội dung có sử dụng âm thanh ca khúc phát lên các nền tảng số, tùy nơi, có nơi sẽ gửi thông báo và cho chúng ta 48 giờ để xử lý, có nơi thì họ tự động tách tiền quảng cáo thành 2 phần, một phần về phía chủ sở hữu kênh và một phần về phía đơn vị phát hành bản ghi âm. Điều này cũng là một luật chơi sòng phẳng”.

Rõ ràng, đằng sau “cơn bão” chuyển đổi số hẳn là sự hồi lại, để mỗi lĩnh vực như phát thanh nhìn nhận lại giá trị ưu thế và chuyển mình để thích ứng thực tế, đáp ứng kịp thời nhu cầu công chúng.

Ông Phạm Trung Tuyến nói: “Vẫn còn những do dự khi các đài phát thanh chuyên nghiệp tiến vào thị trường podcast, đó chính là sự e ngại khi bước ra khỏi vùng an toàn của mình. Phải thuyết phục đối tác quảng cáo truyền thống về thói quen mới của khách hàng, thay đổi quy trình sản xuất… Những thay đổi này, đều đòi hỏi các cơ quan phát thanh phải phân tán, thậm chí là đầu tư mới cho nguồn lực của mình. Tỷ lệ người nghe các quảng cáo trong chương trình podcast cao hơn 12% so với các chương trình phát thanh truyền thống. Người trẻ không còn sử dụng các thiết bị đầu cuối để bắt sóng radio nữa. Apple Podcast, Google Podcast, hay Spotify đang trở thành những địa chỉ trong trí nhớ của người nghe hiện đại, trong khi các nhà sản xuất chương trình phát thanh chuyên nghiệp vẫn đứng ngoài cuộc chơi”.

Tin cùng chuyên mục