Phạt nhẹ khó răn đe

Căn cứ vào Điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Người đang điều khiển xe sử dụng ô (dù), điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính. 

Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe có hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng nếu gây tai nạn giao thông. 

Chế tài đã có, thế nhưng hành vi vi phạm về quy định này vẫn còn rất phổ biến. Việc sử dụng điện thoại trên đường không chỉ là hành vi thiếu ý thức, thiếu văn hóa khi tham gia giao thông mà còn làm gia tăng nguy cơ xảy ra tai nạn, thậm chí gián tiếp tạo điều kiện cho tội phạm cướp giật hoạt động. Không có cuộc trao đổi nào đáng giá bằng sinh mạng của mình và những người xung quanh. Nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng chế tài chưa đủ mạnh nên một số người còn thiếu ý thức, không chấp hành hay việc xử lý như “bắt cóc bỏ dĩa”? 

Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, tai nạn sẽ xảy ra cao gấp 4 lần ở nhóm người thường xuyên sử dụng điện thoại so với người tập trung điều khiển phương tiện. Sử dụng điện thoại di động làm lái xe mất tập trung, giảm khả năng phản ứng, xử lý trong việc giảm tốc độ, thắng xe, hay đi đúng làn đường, giữ khoảng cách an toàn với các xe xung quanh, chấp hành đèn tín hiệu… Các bài kiểm tra độ tập trung của não và khoảng thời gian để não có thể hoàn toàn chú ý trở lại, cũng cho thấy lái xe sử dụng điện thoại có phản ứng chậm hơn. Chưa kể, nội dung cuộc trao đổi qua điện thoại ấy còn làm giảm mức độ tập trung của lái xe đến 10 phút sau đó.

Ghi nhận tại các tuyến đường trên địa bàn TPHCM cho thấy, tình trạng vừa lái xe vừa nghe điện thoại vẫn còn rất phổ biến. Việc để một tay cho việc cầm điện thoại sẽ khiến bạn mất tập trung khi lái xe, đồng thời không thể phản ứng kịp khi gặp những tình huống bất ngờ. Hơn nữa tay trái cầm điện thoại sẽ khiến bạn không thể sử dụng hệ thống phanh kết hợp ở xe tay ga. Giật mình trước những tình huống bất ngờ sẽ khiến bạn sử dụng phanh trước mạnh và đột ngột và việc gây tai nạn là điều khó tránh khỏi. Đã có nhiều trường hợp vì mải mê nghe điện thoại mà qua đường thiếu quan sát, chuyển hướng không báo hiệu, đèn đỏ quên dừng lại… gây bất bình cho những phương tiện cùng lưu thông, thậm chí xảy ra tai nạn. 

Trao đổi về nội dung này, đại diện Phòng Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt, Công an TPHCM, nhìn nhận hiện nay tình trạng sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe vẫn khá phổ biến, đó là do ý thức của một bộ phận người dân chưa cao. Việc sử dụng điện thoại di động dưới bất kỳ hình thức nào và bất kỳ lý do nào (nghe điện thoại, nhắn tin, ghi hình, giải trí, sử dụng trực tiếp hoặc thông qua thiết bị trung gian...) đều ảnh hưởng đến sự tập trung của người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông, dễ gây nguy hiểm và làm tăng nguy cơ gây va chạm hoặc tai nạn giao thông.

Trước thực trạng này, Phòng Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt, Công an TPHCM,  đã và đang phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đặc biệt là đơn vị truyền thông và trường học để đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến mọi người dân về tác hại của việc sử dụng điện thoại di động khi tham gia giao thông và mức xử phạt đối với hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường, phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Tin cùng chuyên mục