Phạt nghiêm người ra đường không thật sự cần thiết

Các chốt kiểm soát tại các quận huyện và TP Thủ Đức (TPHCM) tăng cường lực lượng (gồm công an, quân đội, trật tự đô thị…) và chuyển từ kiểm tra ngẫu nhiên sang kiểm tra mọi người qua chốt. Rất nhiều người bị xử phạt vì ra đường không có lý do chính đáng, trong đó nhiều shipper giao hàng không thuộc loại thiết yếu cũng bị xử lý, với mức phạt 1-3 triệu đồng.

Kiểm tra từng người và kiên quyết xử phạt

Ngày 26-7, theo ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, nhiều chốt kiểm soát liên quận huyện và TP Thủ Đức trên địa bàn TPHCM đã tái lập và tăng cường kiểm tra, xử phạt. Tại chốt kiểm soát trên đường Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh), nơi tiếp giáp giữa quận Tân Bình và quận Phú Nhuận, lực lượng CSGT Công an quận Bình Thạnh, Ban Chỉ huy Quân sự quận Bình Thạnh, trật tự đô thị… tổ chức kiểm tra từng xe lưu thông qua chốt. Đây là tuyến đường chính, cửa ngõ ra vào quận Bình Thạnh nên có lưu lượng xe qua lại khá đông, chủ yếu là shipper. Lực lượng làm nhiệm vụ phát hiện nhiều trường hợp đi lại không thật sự cần thiết nên nhắc nhở và yêu cầu quay đầu xe. Một cán bộ làm nhiệm vụ tại chốt cho biết, ngày đầu TPHCM siết chặt đi lại theo Chỉ thị 12 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM và Công văn 2468 của UBND TPHCM nên phải kiểm tra từng trường hợp.

Tại chốt kiểm soát trên đường Võ Văn Tần, gần đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 3), lực lượng chức năng cũng kiên quyết xử lý các trường hợp ra ngoài không thật sự cần thiết. Những ai có giấy giới thiệu không đúng địa chỉ, shipper chở hàng hóa không thiết yếu hay không có đơn hàng vào quận 3 đều không được đi qua chốt.

Phạt nghiêm người ra đường không thật sự cần thiết ảnh 1 Kiểm tra từng phương tiện lưu thông tại chốt kiểm soát trên đường Nguyễn Văn Trỗi (quận Phú Nhuận, TPHCM). Ảnh: VĂN MINH

Nhiều chốt khác tại quận Phú Nhuận cũng bắt đầu siết chặt ở các cửa ngõ ra vào quận. Tại một chốt trên đường Nguyễn Văn Trỗi, trong một buổi sáng đã có không ít người bị xử phạt, mà nhiều nhất là shipper giao hàng hóa không thiết yếu. Nhiều shipper phản đối, viện lý do khách đặt hàng và mình không biết hàng gì. Tuy nhiên, lực lượng làm nhiệm vụ giải thích rõ để các shipper hiểu và ký vào biên bản vi phạm. Ông Trần Hữu Lộc, cán bộ Đội Quản lý trật tự đô thị quận Phú Nhuận, trực tại chốt cho biết, chỉ trong buổi sáng 26-7, lực lượng tại chốt lập gần 20 biên bản vi phạm ra đường không thật sự cần thiết, trong đó có nhiều shipper giao hàng hóa không thiết yếu. “Theo yêu cầu thực hiện nghiêm giãn cách, nên lực lượng tăng cường kiểm tra, xử phạt. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhắc nhở, tuyên truyền người dân hạn chế ra đường nếu không thật sự cần thiết”, ông Lộc cho biết.

Về việc kiểm soát shipper khi lưu thông trên đường, ông Trần Phi Long, Chủ tịch UBND quận 11, cho biết, các shipper giao hàng thực phẩm được phép hoạt động, còn giao hàng không thiết yếu sẽ bị xử phạt. 

Lập nhiều tầng kiểm tra

Theo ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, quận tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm tra và lập chốt kiểm soát cố định; nếu người dân ra đường không có lý do chính đáng và không có giấy tờ chứng minh sẽ bị lập biên bản xử phạt. Hiện nay, trên địa bàn quận có 12 chốt kiểm soát chính, ở các phường đều tổ chức các đội tuần tra lưu động; công an quận tổ chức 4 tổ tuần tra lưu động.

Quận 11 cũng thành lập 4 chốt kiểm soát chính ở khu vực giáp ranh với các quận lận cận. Ở các phường còn có điểm chốt cố định và đội tuần tra cơ động. Hiện nay, quận tăng cường xử phạt chứ không nhắc nhở người dân như trước. Do đó, người dân ra ngoài đường nếu không có lý do chính đáng sẽ bị lập biên bản xử phạt. Chủ tịch UBND quận 11 Trần Phi Long thông tin thêm, hiện nay quận phát thẻ đi chợ cho người dân với mỗi tuần được đi chợ 2 lần và đăng ký ngày cụ thể cho địa phương. Do đó, người dân ra ngoài đường với lý do khác mà lấy cớ đi mua lương thực, thực phẩm, nếu lực lượng kiểm tra phát hiện sẽ kiên quyết xử phạt.

Lực lượng chức năng ra quân kiểm tra, xử lý người ra đường không cần thiết tại chốt cầu Kênh Tẻ, quận 7 TPHCM, tối 26-7. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Chủ tịch UBND quận 8 Trần Thanh Tùng cho hay, thực hiện Chỉ thị 12 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, quận tái lập 3 chốt kiểm soát trên tuyến đường Dương Bá Trạc, Phạm Hùng, liên tỉnh 5. Các lực lượng chia làm 4 ca trực từ 6 giờ sáng đến 0 giờ sáng hôm sau. Đồng thời, 6 phường thiết lập 16 chốt kiểm soát cấp phường, trực từ 6 giờ sáng đến 21 giờ hàng ngày; thời gian còn lại cử lực lượng tuần tra kiểm soát lưu động. Đến nay, quận đã xử phạt 90 trường hợp (với tổng số tiền hơn 176 triệu đồng) ra đường không thật sự cần thiết, bán hàng rong, bán chợ tự phát…

Trong khi đó, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn Dương Hồng Thắng cho biết, huyện tổ chức “kiểm soát từ gốc”. Đó là thiết lập các chốt kiểm soát tại các ấp và nhắc nhở người dân không ra đường khi không thật sự cần thiết. Lực lượng chức năng tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý người ra đường không có lý do chính đáng trên các tuyến đường thuộc địa bàn huyện. Chỉ trong buổi sáng 26-7, huyện đã xử phạt hơn 200 trường hợp.

Việc tuần tra, xử lý lưu động cũng được các quận huyện và TP Thủ Đức đồng loạt thực hiện, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TPHCM cùng tham gia phối hợp với các địa phương. Cùng với tuần tra, xử lý người ra đường không lý do chính đáng, có nơi lực lượng chức năng còn test nhanh người dân đi ngoài đường và phát hiện nhiều trường hợp nghi mắc Covid-19.

Giám sát chặt khu phong tỏa bằng camera

Việc kiểm soát người dân ở các khu vực phong tỏa cũng được các quận huyện và TP Thủ Đức tập trung thực hiện. Các địa phương tuyên truyền, nhắc nhở người dân trong khu phong tỏa thực hiện nghiêm túc yêu cầu giãn cách; đồng thời tổ chức kiểm tra, giám sát thông qua tổ Covid cộng đồng, camera giám sát an ninh, kết nối Zalo với người dân để nhắc nhở người dân không vi phạm (như cách làm của quận Gò Vấp).

Tin cùng chuyên mục