Phát huy vai trò của báo chí trong việc thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM

Sáng 9-1 đã diễn ra buổi gặp gỡ lãnh đạo các cơ quan báo chí do Thường trực Thành ủy TPHCM tổ chức để triển khai Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM (viết tắt là Nghị quyết 54).


 

Thường trực Thành uỷ TPHCM gặp gỡ lãnh đạo một số cơ quan báo chí. Ảnh: VIỆT DŨNG
Thường trực Thành uỷ TPHCM gặp gỡ lãnh đạo một số cơ quan báo chí. Ảnh: VIỆT DŨNG

Sáng 9-1 đã diễn ra buổi gặp gỡ lãnh đạo các cơ quan báo chí do Thường trực Thành ủy TPHCM tổ chức để triển khai Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM (viết tắt là Nghị quyết 54).

Chủ trì buổi gặp gỡ có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM.

Cùng tham dự còn có đồng chí Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; lãnh đạo các ban đảng của Thành ủy TPHCM và giám đốc nhiều sở - ngành của TPHCM.

Phát huy vai trò của báo chí trong việc thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM ảnh 1 Thường trực Thành ủy TPHCM gặp gỡ lãnh đạo một số cơ quan báo chí. Ảnh: VIỆT DŨNG

Phát biểu tại buổi gặp gỡ, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, TPHCM đã đề xuất Trung ương ban hành nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM nhằm giúp thành phố phát triển nhanh hơn và vừa thể hiện được trách nhiệm của thành phố với cả nước. Các cơ chế, chính sách này cũng không ảnh hưởng đến việc phân bổ ngân sách chung của cả nước, chỉ làm lợi hơn cho đất nước.

Trong quá trình thảo luận có 3 vấn đề được đặt ra là: TPHCM có đặc thù gì? Vì sao thời gian qua TPHCM không có cơ chế đặc thù mà vẫn phát triển? Vì sao TPHCM cần phải có cơ chế đặc thù?

Hiện TPHCM có 1 quận trên 700.000 dân, 2 quận trên 600.000 dân; 5 quận trên 500.000 dân và có 6 quận từ 400.000 đến 500.000 dân. 

Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, TPHCM có đặc thù là đô thị lớn nhất cả nước và là trung tâm kinh tế lớn nhất nước. TPHCM có dân số lớn nhất và tăng nhanh, bình quân 8 năm tăng thêm 1 triệu dân, mật độ dân số gần bằng 17 lần bình quân của cả nước. Hiện TPHCM có 1 quận trên 700.000 dân, 2 quận trên 600.000 dân; 5 quận trên 500.000 dân và có 6 quận từ 400.000 đến 500.000 dân. Dân số tăng nhanh nên nhu cầu đi lại, kẹt xe ngày càng tăng và tạo nên áp lực đô thị rất lớn.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phân tích: "Quy mô kinh tế lớn nên nhu cầu đầu tư phát triển TP cũng rất lớn. Trong khi đó, dân số lớn làm cho khối lượng công việc chính quyền rất nhiều. Ngoài ra, TP còn đối mặt với những thách thức về cạnh tranh kinh tế và biến đổi khí hậu. Nếu không có cơ chế, chính sách đặc thù thì đóng góp của thành phố cho sự phát triển của đất nước chậm lại, tăng trưởng chậm lại. Điều đó cho thấy sự cần thiết phải có cơ chế đặc thù".

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM trong Nghị quyết 54 của Quốc hội liên quan đến 5 lĩnh vực với 18 nội dung.

"Trong quá trình thảo luận, báo chí cũng đóng góp nhiều và nhìn nhận được vấn đề là cơ chế này tạo điều kiện cho TP phát triển và đóng góp nhiều hơn cho cả nước", Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói.

Vì vậy, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ mong muốn báo chí tiếp tục phát huy vai trò trong quá trình thực hiện Nghị quyết 54.

Sau phần phát biểu khai mạc, đại diện các cơ quan báo chí đã trao đổi, đóng góp ý kiến với lãnh đạo, các sở ban ngành của TP nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết 54.

Tại cuộc họp, lãnh đạo các báo nhận xét đối với những vấn đề nhạy cảm như vấn đề tăng phí, lệ phí hay tăng thuế suất có thể tạo ra các luồng ý kiến khác nhau. Việc điều chỉnh tăng sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của TPHCM. Do đó, các đại biểu nêu thắc mắc về kế hoạch tổ chức thực hiện cũng như việc tổ chức lấy ý kiến của người dân, các đối tượng bị ảnh hưởng ra sao để đảm bảo việc triển khai Nghị quyết 54 tạo được sự đồng thuận của người dân và xã hội.

Lãnh đạo các báo cũng băn khoăn về tiến độ, thời gian triển khai Nghị quyết 54, chẳng hạn việc chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức gắn với tinh giản biên chế, sắp xếp bộ máy. Những nội dung này có ảnh hưởng lớn, khối lượng công việc nhiều, trong khi thời gian thực hiện quá cấp bách liệu quá trình triển khai có đảm bảo yêu cầu, đạt hiệu quả? Các cơ chế, chính sách đặc thù có độ vênh với pháp luật hiện hành. “Điều này có gây vướng mắc cho quá trình triển khai nghị quyết 54?”

Các báo cũng chuyển tải thắc mắc của bạn đọc: “Người dân đặt ra các câu hỏi, các cơ chế, chính sách đặc thù này sẽ mang lại hiệu quả cụ thể ra sao trong việc giải quyết các vấn đề dân sinh như giảm kẹt xe, ngập nước?”.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khẳng định UBND TP đã xác định 21 nội dung, đề án cụ thể để triển khai Nghị quyết 54. Trong số này có nhiều nội dung, đề án sẽ được UBND TP hoàn tất, xin ý kiến Thường trực Thành ủy để kịp trình HĐND TP thông qua tại kỳ họp bất thường vào giữa tháng 3-2018. Một số nội dung, đề án khác sẽ được trình cho HĐND TP thông qua tại kỳ họp thường kỳ vào tháng 6-2018.

“Tất cả các nội dung, đề án phải được hoàn thành trong năm 2018”, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh và nhận xét chính áp lực thời gian như trên đòi hỏi sự chung tay thực hiện đảm bảo tiến độ, đạt hiệu quả.

Khối lượng công việc trong việc triển khai nghị quyết là rất lớn song lãnh đạo TPHCM bày tỏ sẽ tập trung thực hiện, không thể để chậm trễ.

Theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, trong 21 nội dung, đề án có nhiều đầu việc được TPHCM thực hiện lâu nay. Do đó, có những nội dung sẽ được tổ chức triển khai thực hiện ngay song cũng có những nội dung, đề án phải được nghiên cứu sâu, có tham khảo ý kiến của chuyên gia và người dân để việc triển khai đạt hiệu quả.

Bên cạnh đó, TPHCM đã có bước nghiên cứu ban đầu đối với một số nội dung, đề án nên sẽ đảm bảo thời gian. Đơn cử đề án phân cấp, ủy quyền đã được TP tổ chức lấy ý kiến các sở - ngành và quận - huyện nên trong tháng 1-2018 có thể sẽ hoàn thành để trình HĐND TP tại kỳ họp bất thường sắp tới.

Liên quan đến vấn đề tăng mức thuế hoặc tăng phí, lệ phí hay thực hiện các loại phí, lệ phí không có trong danh mục, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết trước mắt sẽ xem xét đến việc tăng 1 hoặc 2 loại phí, lệ phí và chưa đề cập đến thuế. UBND TPHCM sẽ thực hiện vấn đề này một cách rất thận trọng bởi vì việc tăng này sẽ tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của TPHCM và tác động đến người dân. 

"Suốt thời gian vừa qua, lãnh đạo TPHCM luôn luôn chăm chút từng li từng tí nhằm xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh. Do đó, UBND TPHCM phải tính toán rất kỹ lưỡng đối với vấn đề này", Chủ tịch UBND TPHCM chia sẻ.

Cụ thể, theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, các tổ nghiên cứu các đề án này được giao chuẩn bị hết sức chu đáo để lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học và lấy ý kiến của người dân thông qua mặt trận, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội. Đồng thời, UBND TP cũng xem xét, đánh giá tác động của xã hội.

“Áp lực thời gian không cho phép chần chừ nhưng UBND TPHCM sẽ không bỏ qua các quy trình cần thiết theo quy định của pháp luật”, đồng chí Nguyễn Thành Phong cam kết.

Đồng chí Nguyễn Thành Phong cũng lưu ý đặc biệt vấn đề phí, lệ phí hay thuế suất là công cụ quản lý đô thị, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững nhà nước chứ không nhằm mục đích tăng thu.

Tại buổi gặp mặt, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Tất Thành Cang cũng bày tỏ việc triển khai thực hiện Nghị quyết 54 là tiếp tục thực hiện các nội dung quan trọng theo Kết luận 21-KL/TW (năm 2017) và Nghị quyết 16-NQTW (năm 2012) của Bộ Chính trị. Đây là nội dung quan trọng trong tổng thể 7 nhóm giải pháp của Nghị quyết 16. Thành ủy cũng đã có Nghị quyết 08 chỉ đạo, triển khai thực hiện Nghị quyết 54 với 4 quan điểm chỉ đạo, 6 cụm giải pháp và 6 phân công tổ chức thực hiện.

"Yêu cầu đặt ra là cả hệ thống chính trị phải tổ chức thực hiện từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, quán triệt đến lãnh đạo phân công các tổ chức Đảng để triển khai thực hiện nhiệm vụ của các cấp chính quyền đến việc tăng cường kiểm tra, giám sát của cấp ủy. Đặc biệt phát huy vai trò của MTTQ, đoàn thể trong việc phản biện, giám sát các cơ chế, chính sách mới thí điểm trên địa bàn TPHCM", Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Tất Thành Cang nhấn mạnh.

Phát biểu kết luận, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khẳng định lại vai trò rất quan trọng của các cơ quan báo chí trong việc tuyên truyền triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 54. Vì vậy, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM hỗ trợ, cung cấp thông tin về kế hoạch, công việc trọng tâm của TP khi triển khai thực hiện Nghị quyết 54.

"Ngoài ra, trong các cuộc họp báo định kỳ, UBND TPHCM tổ chức cung cấp thông tin về kết quả thực hiện Nghị quyết 54 để các cơ quan báo chí tuyên truyền, tạo sự đồng thuận để việc triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM đạt hiệu quả tốt nhất",  Bí thư Nguyễn Thiện Nhân lưu ý.

Cơ chế, chính sách đặc thù phục vụ cuộc sống người dân tốt hơn

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm, khẳng định mục tiêu cuối cùng của việc triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 54 là nhằm phục vụ cuộc sống người TPHCM ngày càng tốt hơn và đóng góp tốt hơn cho sự phát triển của TPHCM và cả nước.

Về băn khoăn của các đại biểu trong sự khác biệt giữa các quy định hiện hành với Nghị quyết 54, đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm nhận xét, Nghị quyết 54 có các quy định cho thấy việc thực hiện của TPHCM là thuận lợi.

Theo đó, việc thực hiện theo Nghị quyết 54 về 4 nhóm vấn đề về quản lý đất đai, đầu tư, tài chính - ngân sách nhà nước, cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền có nhiều thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật hiện hành. Trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa Nghị quyết 54 với các quy định khác thì áp dụng quy định của nghị quyết này.

Ngoài ra, trường hợp quy định hiện hành ưu đãi hoặc thuận lợi hơn Nghị quyết 54 thì việc áp dụng do HĐND TPHCM quyết định.

“Điều khoản này có độ mở rất lớn cho TPHCM, vai trò của HĐND được giao tăng thêm rất lớn”, đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm nhận xét và khẳng định đây là điểm nổi trội.

Tin cùng chuyên mục