Phát huy truyền thống vẻ vang nền báo chí cách mạng Việt Nam

95 năm trước, ngày 21-6-1925, với việc thành lập báo Thanh niên, cơ quan của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam, Bác Hồ đã ý thức sâu sắc về vai trò của báo chí, là “người tuyên truyền, cổ động, tổ chức và lãnh đạo tập thể” của phong trào cách mạng, như Lênin từng nói. Từ sau ngày Đảng ta thành lập năm 1930, hàng loạt tờ báo kế tiếp nhau ra đời, từ Tranh đấu, Dân chúng, Tiền phong đến Giải phóng, Cứu quốc, Cờ Giải phóng, Sự thật... tất cả đều do các đồng chí Tổng Bí thư của Đảng ở các thời kỳ phụ trách.

Là người khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam, trong thời kỳ kháng chiến kiến quốc, Bác Hồ từng có những lời căn dặn thân tình đối với Hội Nhà báo và những người làm báo Việt Nam: Báo chí của ta cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới. Chính vì thế tất cả những người làm báo (người viết, người sửa bài, người in, người phát hành…) đều phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng. “Báo chí là mặt trận. Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén”. Vì thế phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu.

Trong 2 cuộc kháng chiến đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước; cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, báo chí thực sự là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, tuyên truyền, cổ động, tổ chức… góp phần quan trọng vào thắng lợi cuối cùng, đầy vẻ vang, đáng tự hào của toàn thể dân tộc, đất nước Việt Nam. Đã có hơn 400 nhà báo anh dũng hy sinh trên các chiến trường. Từ ngày đất nước tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện năm 1986 đến nay, tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng ngày càng thấm đẫm trong sự nghiệp của chúng ta. Công tác báo chí gắn bó chặt chẽ với công tác tư tưởng của Đảng. Như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa X (tháng 8-2007) chỉ rõ: “Công tác tư tưởng, lý luận (bao gồm cả báo chí) là một bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng; là lĩnh vực trọng yếu để xây dựng, bồi đắp nền tảng chính trị và tinh thần của chế độ, tuyên truyền, giáo dục, động viên và tổ chức nhân dân thực hiện các nhiệm vụ cách mạng; khẳng định và nêu cao vai trò tiên phong của Đảng về chính trị, lý luận, trí tuệ, văn hóa và đạo đức, thể hiện vai trò đi trước, mở đường cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Cũng trên tinh thần đó, chúng ta không ngừng phấn đấu xây dựng một nền báo chí cách mạng vừa là tiếng nói của Đảng, của Nhà nước, của các tổ chức chính trị, xã hội vừa là diễn đàn của nhân dân.

Qua 70 năm xây dựng và trưởng thành, từ năm 1950 đến nay, Hội Nhà báo Việt Nam từ 300 hội viên ban đầu, nay đã phát triển với trên 25.000 hội viên, gấp hơn 80 lần ngày thành lập. Các thế hệ nhà báo nối tiếp nhau, phấn đấu làm tròn vai trò của báo chí trong sự nghiệp cách mạng nói chung, để góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam ngày càng giàu mạnh, vững chắc. Để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới, báo chí Việt Nam cần có quyết tâm tiếp tục đổi mới, đổi mới mạnh mẽ và toàn diện hơn nữa. Đổi mới theo tinh thần gắn chặt đổi mới với sáng tạo và phát triển, gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp của nền báo chí cách mạng với tiếp nhận cái hay, cái tiến bộ của báo chí hiện đại, báo chí trong thời cách mạng công nghệ 4.0. Phải xây dựng đào tạo được một đội ngũ cán bộ báo chí vừa có đức vừa có tài, đức là gốc, tài là quan trọng. Người làm báo, cùng với việc trau dồi kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn, cần phải xem trọng, đặt đạo đức nghề nghiệp lên trên. Bởi trong bối cảnh phức tạp của kinh tế thị trường và sự hội nhập sâu rộng với quốc tế, nếu không có bản lĩnh chính trị vững vàng, không xem trọng đạo đức nghề nghiệp thì các nhà báo, các tờ báo sẽ dễ bị “lung lạc”, hoạt động sai với tôn chỉ mục đích, sai với định hướng, bản chất nền báo chí cách mạng Việt Nam.

95 năm qua, cùng với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, cùng với sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện của đất nước, cùng với sự “bay lên” trên trường quốc tế của dân tộc Việt Nam, nền báo chí cách mạng Việt Nam thực sự anh hùng, thực sự vinh quang.

Tin cùng chuyên mục