Phát huy truyền thống năng động sáng tạo để phát triển TPHCM: Hành động vì môi trường không rác

Ở TPHCM có không ít công viên được “mọc lên” từ những bãi rác quanh năm ô nhiễm. Và tại một số chợ, bà con tiểu thương đã có những cách làm rất hay, rất sáng tạo để giúp giảm thiểu tình trạng rác thải, túi ni lông vốn đang là gánh nặng cho môi trường. 

Biến bãi rác thành công viên

Rảo một vòng quanh các công viên mọc lên từ những bãi rác do Trung tâm Công tác xã hội Thanh niên TPHCM cải tạo, tầm 16 giờ, khi trời dịu nắng, có hàng chục em nhỏ tới nô đùa. Những món đồ chơi được làm từ vật dụng tưởng chừng là đồ bỏ đi ấy lại trở nên sinh động, bắt mắt đến lạ.

“Hồi đó bãi rác lớn lắm, hôi rình, chẳng ai dám đứng gần, chứ không được sáng sủa và đẹp như bây giờ đâu. Bữa trước, mấy cô cậu thanh niên xuống dọn rác đi rồi đem đồ tới dựng lên cái công viên này, tụi nhỏ trong khu tái định cư có chỗ nô đùa, ai cũng ưng”, chị Nguyễn Hải Anh (ngụ tại chung cư 1050, quận Bình Thạnh) phấn khởi chia sẻ.

Năm 2014, chung cư 1050 bắt đầu hoạt động, cư dân sinh sống tại đây chủ yếu là các hộ tái định cư ở khu Thanh Đa chuyển về. Kể từ đó, bãi đất trống ngay lối vào chung cư rộng hơn 300m2 trở thành nơi người dân tận dụng để quăng rác. Lâu dần, rác chất thành đống, tràn cả xuống con kênh gần đó.

Phát huy truyền thống năng động sáng tạo để phát triển TPHCM: Hành động vì môi trường không rác ảnh 1  Bãi rác ngày nào tại chung cư 1050 (quận Bình Thạnh) nay đã thành khu công viên vui chơi cho các em nhỏ
Dịp Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”, Trung tâm Công tác xã hội Thanh niên TPHCM (thuộc Thành đoàn TNCS TPHCM) đã triển khai kế hoạch biến bãi rác này thành công viên để phục vụ các em nhỏ vui chơi và lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường.

Sau 20 ngày ra quân dọn dẹp và bắt tay dựng công viên, 300m2 đất vốn là bãi rác đã biến mất. Thay vào đó là khuôn viên công viên với cầu bập bênh, xích đu, con đường vui chơi…được trang trí bằng những mô hình ngộ nghĩnh. Trong khuôn viên còn có cả những khóm cây, giỏ hoa góp phần khoe sắc.

Phát huy truyền thống năng động sáng tạo để phát triển TPHCM: Hành động vì môi trường không rác ảnh 2 Bãi rác ngày nào tại chung cư 1050 (quận Bình Thạnh) nay đã thành khu công viên vui chơi cho các em nhỏ
Đều đặn mỗi chiều đi làm về, anh Phan Văn Mỹ (cư dân chung cư 1050) lại đưa con trai xuống công viên vui chơi. Thi thoảng anh mang theo kềm, tua vít để siết lại đinh, ốc vít hay chỉnh trang lại những tấm biển, dây đu trong công viên để đảm bảo tụi nhỏ chơi an toàn. “Mọi người bỏ công sức để biến một nơi không ai muốn tới thành nơi con em mình vui đùa nên chúng tôi cũng bảo nhau trân trọng, giữ gìn”, anh Mỹ tâm sự.

Công viên trên đường Số 16 phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức) rộng 130m2; công viên tại Nhà Thiếu nhi huyện Bình Chánh rộng 200m2; công viên tại phường An Phú Đông (quận 12) rộng 100m2… cũng được hình thành từ những sáng tạo của tuổi trẻ TPHCM: Biến bãi rác thành công viên. Tại khu dân cư Khang An (phường Phú Hữu, quận 9), có nhiều điểm được quy hoạch làm công viên nhỏ nhưng ngoài trồng một ít cây xanh thì gần 10 năm nay bị bỏ không, cỏ mọc cao quá đầu người, kèm theo đó là phát sinh rác thải gây ô nhiễm môi trường.

Gần đây, khi mô hình biến bãi rác thành công viên lan tỏa, người dân trong khu Khang An cùng nhau dọn dẹp, làm sân bóng chuyền, tự thiết kế xích đu, trang bị cầu tuột, lắp thêm bóng đèn chiếu sáng… Nhờ đó, trẻ em có nơi vui chơi, học võ ngay trong công viên, đồng thời ngăn được tình trạng rác thải tồn đọng.

Hay công viên 26A đường Nguyễn Văn Cừ (phường Cầu Kho, quận 1) cũng từng là “điểm hẹn” rác thải của người dân xung quanh và kim tiêm của các đối tượng hút chích suốt nhiều năm qua. Nay diện mạo đã khác, khu đất trống ngày nào được nâng nền, trồng cây xanh, tỉa bồn hoa và gắn thiết bị tập thể dục.

Để thực hiện xây dựng công viên trên những bãi rác, các tình nguyện viên đã cùng nhau huy động vỏ lốp xe hơi, lượm chai nhựa, thu gom các mảnh gỗ… rồi chung tay, chung sức “xóa sổ” những bãi rác xấu xí ấy. Mỗi người một việc, nhóm sinh viên ĐH Kiến trúc TPHCM thì thiết kế công viên, nhóm sinh viên ĐH Mỹ thuật trổ tài sơn, vẽ để trang trí, những bạn khác dọn dẹp rác thải, san đất, trồng hoa.

Đồ phế thải thành vật hữu ích

Hơn 3 năm nay, các tiểu thương tại chợ Hiệp Tân (quận Tân Phú) đã cùng nhau thực hiện và lan tỏa mô hình “Biến rác thành tiền”, nay đổi tên là “Phụ nữ vì môi trường xanh”.

“Ban đầu mới thực hiện cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng mình cứ làm, bà con thấy hữu ích thì tham gia. Dần dần hình thành thói quen bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng túi ni lông cho mọi người”, bà Huỳnh Hồng Trước, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ chợ Hiệp Tân, cho biết.

Cách làm ban đầu của bà Trước là vận động tiểu thương cuối buổi chợ ngày thứ ba hàng tuần thì mang các phế liệu, đồ tái chế đến điểm tập kết để người mua cân ký. Số tiền thu được sẽ gây quỹ chăm lo cho các tiểu thương gặp khó khăn, trao phương tiện sinh kế, học bổng cho con em tiểu thương.

Để giúp các tiểu thương có ý thức bảo vệ môi trường, bà Trước tổ chức các ngày hội để mọi người mang phế liệu đến đổi túi thân thiện môi trường, giỏ đi chợ… và tranh thủ khi mọi người đến, cán bộ phụ nữ tuyên truyền cách hạn chế sử dụng túi ni lông, dùng giỏ đi chợ, túi thân thiện để góp phần bảo vệ môi trường sống. Đến nay, ngoài gom góp phế liệu để gây quỹ, các tiểu thương chợ Hiệp Tân còn nâng cao ý thức hạn chế túi ni lông không chỉ cho mình mà còn tuyên truyền cho bà con đi chợ.

“Nay nhiều người đã quen mang theo giỏ nhựa hay túi thân thiện để đi chợ. Tiểu thương còn hướng dẫn bà con cách phân loại rác tại nguồn theo chủ trương của thành phố. Nhưng đây là việc làm mới mẻ, cần có thời gian mới thành công”, bà Hồng Trước vui mừng bày tỏ.

Nói về hiệu quả của việc tái chế rác thải, Đoàn TNCS Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cũng đang triển khai chương trình thí điểm thu gom, phân loại và tái chế vỏ hộp sữa bằng giấy tại các trường học trên địa bàn các quận 4, Tân Bình, Phú Nhuận và Bình Thạnh.

Chương trình này vừa giúp giảm lượng rác thải ra môi trường, vừa tận dụng được nguồn phế thải từ hộp sữa để tái chế thành các sản phẩm thân thiện với môi trường như tấm lợp sinh thái, bàn, ghế…

Theo anh Dương Ngọc Tuấn, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội Thanh niên TPHCM, biến bãi rác thành công viên không phải mới thực hiện gần đây, trước đó cũng đã có mô hình biến bãi rác thành vườn hoa nhưng vì chưa có kinh nghiệm nên hiệu quả chưa như mong đợi, nhất là khâu duy trì.

Rút kinh nghiệm từ đó, lần này, trung tâm đã chuyển kế hoạch từ cải tạo thành vườn hoa sang cải tạo thành công viên, vừa sử dụng được đồ tái chế, vừa là nơi cho trẻ vui chơi, góp phần tăng tính tương tác và truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường đến mọi người.

“Chúng tôi hy vọng những công viên này không chỉ góp phần xóa những bãi rác hiện hữu trong các khu dân cư mà còn truyền tải thông điệp đến người dân: Hãy bảo vệ môi trường vì con em mình, hãy sử dụng đồ phế thải vào việc hữu ích thay vì quăng bỏ ra nơi công cộng”, anh Tuấn chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục