Phát huy sức mạnh lòng dân từ đại thắng mùa xuân 1975

11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, lá cờ chiến thắng của Quân Giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, báo hiệu sự toàn thắng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta, đem lại hòa bình, thống nhất Tổ quốc. 

Chiến công đó phản ánh nghị lực phi thường của nhân dân ta, đồng thời khẳng định ý chí, quyết tâm thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. 

1. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước khẳng định vấn đề có ý nghĩa chân lý: một dân tộc đất không rộng lắm, người không đông lắm, tiềm lực vật chất rất có hạn, nhưng đoàn kết chặt chẽ, kiên quyết đấu tranh với một ý chí và quyết tâm cao độ, lòng quả cảm phi thường, sức sáng tạo vô tận, dưới sự lãnh đạo của một Đảng Mác - Lê nin, được sự ủng hộ to lớn của các lực lượng cách mạng và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới thì hoàn toàn có thể đánh thắng mọi kẻ thù. 

Đại thắng mùa xuân 1975 ghi đậm bước phát triển lên đỉnh cao của nghệ thuật chiến tranh nhân dân, đặc biệt là nghệ thuật tạo thời cơ và nắm thời cơ. Vấn đề thời cơ trong chiến tranh chủ yếu do chúng ta tạo ra. Trong Đại thắng mùa xuân 1975, thực hiện kế hoạch giải phóng miền Nam trong hai năm, chúng ta chọn chiến trường trọng điểm và mở đầu là Tây Nguyên, Buôn Ma Thuột được chọn làm trận then chốt chiến dịch. Đòn điểm huyệt Buôn Ma Thuột thật sự đã tạo ra đột biến về chiến dịch, dẫn đến đột biến về chiến lược, mở ra thời cơ lớn hơn để thực hiện các chiến dịch tiếp theo, giành thắng lợi cuối cùng. Ngày 25-3-1975, Huế được giải phóng. Đà Nẵng cũng thất thủ sau đó vài ngày. Việc chính quyền Sài Gòn sụp đổ chỉ còn tính bằng ngày và giờ - như chính báo chí phương Tây đã nhận định. 

Cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam không những đã bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt, mà thời cơ để mở đợt Tổng tiến công và nổi dậy tại Sài Gòn - Gia Định đã chín muồi. Nắm bắt thời cơ đó, bộ chỉ huy chiến dịch được thành lập. Thể theo đề nghị của Bộ Chỉ huy Chiến dịch Giải phóng Sài Gòn, Bộ Chính trị gửi đến mặt trận bức điện số 37/TK, đồng ý Chiến dịch Sài Gòn lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh. 17 giờ ngày 26-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Với sức tiến công áp đảo của các binh đoàn chủ lực, với sự hiệp đồng tác chiến của lực lượng vũ trang thành phố và đồng bào nổi dậy làm chủ, trưa 30-4, chiến dịch toàn thắng.

Trong chiến dịch này, quân và dân Sài Gòn - Gia Định đã góp phần hết sức quan trọng đem lại thắng lợi vẻ vang. Do được chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước, khi các binh đoàn chủ lực đồng loạt tiến vào, các cơ sở cách mạng và quần chúng nội thành tranh thủ thời cơ chiếm giữ các mục tiêu, bảo vệ an toàn các công sở, nhà máy, xí nghiệp, công trình công cộng. Công nhân các nhà máy điện, nước tổ chức làm việc liên tục bảo đảm cung cấp điện nước ổn định. Với hàng trăm cuộc nổi dậy kiên quyết, liên tục, rộng khắp trong hai ngày 29 và 30-4-1975, nhân dân Sài Gòn - Gia Định góp phần rất quan trọng trong việc làm sụp đổ nhanh chóng hệ thống chính quyền Sài Gòn, bảo vệ cơ sở hạ tầng kinh tế, văn hóa… Do đó, sau khi thành phố được giải phóng, mọi sinh hoạt đã nhanh chóng trở lại bình thường. 

Doanh nghiệp đóng góp cho địa phương tại hội nghị xúc tiến đầu tư  vào huyện Hóc Môn, Củ Chi ngày 12-4-2022.  Ảnh: VIỆT DŨNG

2. Có thể nói, Chiến dịch Hồ Chí Minh là một chiến dịch tổng hợp, phát huy được đến mức cao nhất sức mạnh của các lực lượng vũ trang, đặc biệt là khối chủ lực - những quả đấm thép được tung ra vào thời cơ có lợi nhất; phát huy tối đa sức mạnh của lực lượng vũ trang địa phương, nhất là lực lượng đặc công, biệt động; phát huy đến đỉnh cao sức mạnh của quần chúng nhân dân trong việc tạo địa bàn, tạo thế chiến dịch và đặc biệt là chủ động nổi dậy giành chính quyền, làm chủ đồng loạt trên địa bàn toàn thành phố. Toàn thành phố đã chủ động chuẩn bị tinh thần và lực lượng, vũ khí và phương tiện, tạo nên khí thế làm tăng sức tiến công vũ bão của lực lượng vũ trang chủ lực. Không ở đâu trong chiến tranh mà bộ đội giải phóng đi đến đâu cũng có cả biển người rực rỡ cờ hoa với tư thế người làm chủ địa bàn đón tiếp và phối hợp tác chiến với bộ đội như trong chiến dịch này. 

Nhìn lại thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử sau 47 năm, có thể thấy bài học lớn nhất từ chiến dịch này là bài học phát huy sức mạnh lòng dân. Đảng lãnh đạo với đường lối đúng, lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, linh hoạt, kịp thời, xây dựng lực lượng chính trị hùng hậu, lực lượng vũ trang vững chắc, tạo thời cơ và nắm chắc thời cơ phát động tiến công và nổi dậy mạnh mẽ, nhịp nhàng, phối hợp chặt chẽ cả ba mũi giáp công (chính trị, quân sự, binh vận) tạo nên sức mạnh cộng hưởng giữa ý Đảng với lòng dân làm nên chiến thắng. 

Bài học này trong công cuộc dựng xây và phát triển đất nước càng nên được thấm nhuần và coi như kim chỉ nam trong hành động. Hai năm dịch bệnh vừa qua đã càng làm sâu sắc thêm bài học này. Chính nhờ phát huy sức mạnh lòng dân mà chúng ta có thể vượt qua được những thời khắc khó khăn đến mức tưởng chừng không thể vượt qua. Giờ đây, khi dịch bệnh đã tạm yên, TPHCM đang cùng cả nước phục hồi mạnh mẽ. Đầu tàu cả nước đang chuyển bánh hối hả đầy nội lực. Đây là lúc mà sức mạnh lòng dân cần được phát huy tối đa, để đưa thành phố và đất nước tiến về phía trước.

Thiếu tướng - Phó Giáo sư - Tiến sĩ VŨ QUANG ĐẠO, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam

Tin cùng chuyên mục