Phát huy sức mạnh cộng hưởng trong kiểm soát quyền lực

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, cần hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa Quốc hội với các tổ chức đảng, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong hoạt động giám sát để phát huy sức mạnh cộng hưởng, thúc đẩy, nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm soát quyền lực.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu

Kết luận hội nghị triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu tóm tắt 7 vấn đề lớn, quan trọng hoặc bức xúc của cuộc sống, bao quát hầu hết các lĩnh vực đã được Quốc hội, UBTVQH đã và đang tiến hành giám sát.

Để triển khai có hiệu quả Chương trình giám sát của Quốc hội, UBTVQH năm 2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu tiếp tục xác định rõ hơn phạm vi, đối tượng, phương pháp, hình thức giám sát của Quốc hội, UBTVQH; nâng cao chất lượng các chương trình giám sát; tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong triển khai hoạt động giám sát.

Quang cảnh hội nghị

Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: "Tăng cường giám sát của Quốc hội trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí theo hướng: triển khai các hoạt động giám sát như chất vấn, giám sát chuyên đề, giải trình, giám sát văn bản quy phạm pháp luật, giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, kiến nghị của cử tri. Quốc hội, UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội phải chú trọng nội dung phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng; tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, dư luận quan tâm về tham nhũng, tiêu cực, về suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống".

Người đứng đầu Quốc hội lưu ý, căn cứ tình hình thực tế, cần nghiên cứu lồng ghép nội dung về phòng, chống tiêu cực trong các báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa Quốc hội với các tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong hoạt động giám sát để phát huy sức mạnh cộng hưởng, thúc đẩy, nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm soát quyền lực.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Quốc hội luôn tự đổi mới, do vậy, mỗi cơ quan của Quốc hội phải thực hiện tốt tự giám sát, mỗi đại biểu Quốc hội phải tự mình kiểm soát hoạt động của chính mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm trước cử tri.

Giám sát “đúng” và “trúng” vấn đề                  

 Đây là nhận xét về hoạt động giám sát năm 2022, đồng thời cũng là phương châm hành động cho năm 2023, được nhiều đại biểu nhấn mạnh tại hội nghị. Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh cho biết, năm 2022, Thanh tra Chính phủ đã tích cực tham gia 2 đoàn giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh trình bày tham luận 

“Nội dung giám sát được lựa chọn đúng và trúng những vấn đề được dư luận xã hội và cử tri, nhân dân cả nước quan tâm. Đoàn giám sát đã truy tới cùng việc làm lãng phí trong đầu tư công, sử dụng ngân sách…”, ông Trần Văn Minh phát biểu.

Bày tỏ quan tâm đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh đề nghị, để nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát, Quốc hội, UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội xem xét có kế hoạch giám sát trung hạn (2-3 năm) hoặc định hướng sớm hơn về các chuyên đề dự kiến giám sát hàng năm (tối thiểu trước 1 năm). Việc này sẽ tạo điều kiện cho Kiểm toán Nhà nước xây dựng kế hoạch kiểm toán trung hạn và kế hoạch kiểm toán hàng năm, phục vụ tích cực cho các hoạt động của Quốc hội.

Tin cùng chuyên mục