Phát huy năng lực sáng tạo trong mỗi lao động

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân từng nhấn mạnh: Tài nguyên lớn nhất của TPHCM chính là 10 triệu dân. Sức sáng tạo của người dân quyết định sự phát triển của TPHCM.

Do vậy, việc khơi gợi, phát huy nguồn lực con người gắn với năng lực sáng tạo có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Thực tế thời gian qua, việc tạo môi trường để người lao động nâng cao tính sáng tạo được lãnh đạo các đơn vị, doanh nghiệp phát huy mạnh mẽ. Tại nhiều nơi, chính nhờ sức sáng tạo của người lao động, doanh thu, thương hiệu của đơn vị đã được nâng lên.

Phát huy năng lực sáng tạo trong mỗi lao động ảnh 1 Sự cởi mở của lãnh đạo Công ty CP In số 7 đã giúp công nhân Lê Hoàng Liêu (phải) có nhiều sáng kiến cải tiến 
 Tạo môi trường thuận lợi

Tại Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam (huyện Củ Chi, TPHCM), hàng tháng, người lao động luôn được tạo cơ hội trình bày những sáng kiến cải tiến của mình tại cuộc thi sáng tạo do công ty tổ chức. Không chỉ những sáng kiến lớn, có trọng tâm, mang lại hiệu quả cao mà cả những cải tiến nhỏ nhưng mang lại hiệu quả tốt, thiết thực cho công việc ở mỗi bộ phận cũng đều được ghi nhận. Đây là cách lãnh đạo công ty tạo “sân chơi” để các kỹ sư, công nhân phát huy tính sáng tạo của mình. Cũng qua các cuộc thi này, những ý tưởng hay, có giá trị làm lợi cao sẽ được xem xét đầu tư, nhân rộng và tất nhiên chủ nhân của sáng kiến sẽ nhận được phần thưởng khích lệ xứng đáng. 

Người lao động tại Công ty CP In số 7 (Khu công nghiệp Tân Tạo) luôn thấy thoải mái khi được lãnh đạo công ty tạo môi trường thuận lợi để mỗi cá nhân đều có thể phát huy tính sáng tạo. Nếu nhiều đơn vị chỉ dừng lại ở hô hào, khởi động phong trào, thì Công ty CP In số 7 xây dựng hẳn bộ tiêu chí để thực hiện phong trào sáng tạo, cải tiến một cách thực chất; đồng thời, đưa ra các chương trình hành động cụ thể để nuôi dưỡng, ươm mầm các sáng kiến một cách lâu bền. Theo ông Nguyễn Minh Trung, Giám đốc Công ty CP In số 7, bên cạnh các quy định về công nhận sáng kiến, khen thưởng, đưa sáng kiến áp dụng rộng rãi vào thực tế sản xuất, công ty còn tổ chức các lớp đào tạo ngay tại nơi làm việc, mời giảng viên về dạy để người lao động có thể vừa ôn lý thuyết vừa luyện tay nghề.

“Thậm chí, chúng tôi giao nhiệm vụ “học” cho mỗi người lao động. Tất nhiên, nghĩa vụ sẽ luôn đi kèm với quyền lợi. Công ty tạo điều kiện về thời gian, hỗ trợ chi phí học thì người lao động phải mang về kết quả là kiến thức, tay nghề; là sáng tạo để nâng cao năng suất lao động”, ông Nguyễn Minh Trung chia sẻ.

Bên cạnh đó, hơn 20 năm qua, người lao động tại công ty cũng được giao nhiệm vụ tự đào tạo; đó là mỗi người dù ở vị trí nào cũng sẽ phải hướng dẫn, đào tạo người cấp dưới và phải học người cấp trên. Chính nhờ cách làm này, công ty luôn có nguồn nhân lực tay nghề cao để thay thế, tiếp nối. Cũng từ môi trường luôn được học tập, rèn luyện nâng cao tay nghề nên những cải tiến, sáng tạo cũng được công nhân, kỹ sư cho ra đời thông qua thực tế công việc hàng ngày. Ông Nguyễn Minh Trung cho rằng, người lãnh đạo phải biết cởi mở, tạo điều kiện môi trường thuận lợi cho nhân viên, công nhân phát huy năng lực sáng tạo. 

Cùng với suy nghĩ “người lao động là vốn quý của doanh nghiệp” nên từ khi đi vào hoạt động, Công ty TNHH Nidec Việt Nam (Khu công nghệ cao TPHCM) luôn tạo môi trường mở để nhân viên đưa ra những sáng kiến cải tiến. Hàng quý, công ty tổ chức xem xét trao thưởng các sáng kiến có giá trị với mức thưởng 7 - 10 triệu đồng/sáng kiến. Ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam, cho biết nhờ những sáng tạo của người lao động đã giúp công ty tăng năng suất, giảm nguyên vật liệu, giảm nhân công và hiệu quả công việc luôn được nâng cao. 

Khích lệ tính sáng tạo

Thực tế khó khăn lớn nhất của người lao động trong việc phát huy sáng tạo chính là những ý tưởng, sáng kiến của mình không được lãnh đạo đơn vị nhìn nhận, chấp thuận để áp dụng vào thực tiễn. Đồng ý đổi mới sáng tạo chính là nhu cầu của mỗi doanh nghiệp, mỗi cá nhân để nâng cao năng lực bản thân, nhưng theo kỹ sư Đỗ Hữu Thức (Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam), nếu lãnh đạo công ty không cởi mở, mạnh dạn tin tưởng giao việc, có sự đầu tư vào những ý tưởng thì người lao động sẽ khó có cơ hội để vươn xa và biến những sáng kiến thành hiện thực.

“5 năm qua, tôi có hơn 20 sáng kiến lớn nhỏ và hầu hết các sáng tạo của tôi đều được lãnh đạo nhìn nhận, áp dụng vào thực tế sản xuất, giúp tạo ra lợi ích cho đơn vị. Không chỉ tôi, mà tất cả anh em trong công ty đều có cơ hội để thể hiện năng lực bản thân thông qua những ý tưởng sáng tạo”, kỹ sư Đỗ Hữu Thức bày tỏ. 

Theo ông Nguyễn Minh Trung, để mỗi lao động có cơ hội phát huy năng lực sáng tạo, ban lãnh đạo công ty phải mạnh dạn giao quyền tổ chức thực hiện cho cá nhân để người lao động khi đã có sáng kiến sẽ chủ động tự quyết cách làm, có kinh phí hỗ trợ để biến cải tiến ấy thành hiện thực một cách hiệu quả nhất. Chính nhờ vậy, mỗi năm tại Công ty CP In số 7 có hơn 20 sáng kiến cải tiến được áp dụng vào công việc, giúp hoạt động tại các công xưởng ngày càng trở nên thuận lợi. 

Để làm được điều đó, ban lãnh đạo đơn vị phải biết “nhìn xa, trông rộng” để phát huy năng lực tiềm ẩn của nguồn tài sản quý giá này. Ông Kiều Ngọc Vũ, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TPHCM, nhấn mạnh thời gian qua, những sáng tạo của người lao động được áp dụng tại các doanh nghiệp đã làm lợi rất nhiều cho đơn vị. Mỗi sáng kiến của người lao động đã tiết kiệm cho doanh nghiệp ít nhất hàng chục triệu đồng chi phí trong sản xuất, kinh doanh. Không ít sáng kiến đã giúp làm lợi thêm hàng chục tỷ đồng cho doanh nghiệp.

“Thông qua tổ chức công đoàn tại từng đơn vị, các phong trào thi đua sáng tạo, lao động giỏi, lao động sáng tạo; các giải thưởng của tổ chức công đoàn đã được thực hiện thường xuyên, giúp công đoàn viên, công nhân lao động có cơ hội thể hiện năng lực bản thân bằng những mô hình sáng tạo thiết thực gắn với tình hình sản xuất lao động. Đây cũng là cách khích lệ tính sáng tạo trong mỗi lao động”, ông Kiều Ngọc Vũ cho biết.

Ngoài ra, ông Vũ cũng thông tin, LĐLĐ TP đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) Công nhân lao động sáng tạo TPHCM để tập hợp những cá nhân ưu tú, có nhiều sáng kiến, sáng tạo trong công việc. Các thành viên trong CLB đều tận tâm chỉ bảo, hướng dẫn và động viên các bạn trẻ, người lao động trong đơn vị tiếp tục phát huy sức sáng tạo, cho ra đời nhiều sản phẩm làm lợi cho đơn vị. Giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí sản xuất, cũng như nâng cao sự phát triển của doanh nghiệp. Ngoài ra, đây cũng là nơi giới thiệu nguồn cán bộ xuất thân từ công nhân cho TP.

Sẵn sàng nhận đơn đặt hàng của lãnh đạo TP

Hiện CLB có hơn 200 anh em là công nhân, kỹ sư đang sinh hoạt. Nguồn nhân lực của chúng tôi đến từ nhiều đơn vị, doanh nghiệp với những ngành nghề khác nhau và hầu hết đều là những cá nhân tiêu biểu từng đoạt giải thưởng Tôn Đức Thắng - giải thưởng cấp TP do Liên đoàn Lao động TPHCM phối hợp Báo SGGP tổ chức thực hiện. Thực tế, giải thưởng Tôn Đức Thắng chính là “bệ phóng” giúp người lao động trưởng thành, tiến xa hơn trong công việc lao động và sáng tạo.

Nhiều người sau khi đoạt giải thưởng đã được thăng tiến trong công việc, nhưng trên hết chính là chúng tôi đã tập hợp được cùng nhau dưới mái nhà chung là CLB Công nhân lao động sáng tạo.

Ngoài các buổi sinh hoạt định kỳ để anh em cùng chia sẻ các ý tưởng sáng tạo, giao lưu, hỗ trợ nhau ở những lĩnh vực mình còn thiếu, yếu; chúng tôi còn có các nhóm nhỏ thường xuyên liên lạc với nhau để cùng thực hiện các ý tưởng lớn, mang lại lợi ích cao. Để từ đó nhân rộng sáng kiến ra các doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, chúng tôi đang gặp khó khăn về kinh phí hoạt động cũng như cán bộ chuyên trách để giúp hoạt động của CLB thuận lợi hơn. CLB đang tập hợp nguồn lao động sáng tạo từ các nơi, bởi anh em trong CLB đa phần là những kỹ sư, công nhân có tay nghề cao. Chúng tôi cũng đã từng đưa ra nhiều ý tưởng về giao thông, cải cách hành chính điện tử… nhưng do một số khó khăn về kinh phí nên chưa thể thực hiện.

Nếu có sự đầu tư thích đáng, CLB sẽ là nơi biến các ý tưởng sáng tạo thành hiện thực. Chúng tôi đã sẵn sàng nhận đơn đặt hàng từ lãnh đạo TP cho những sáng tạo thúc đẩy sự phát triển của TPHCM. 

Ông Lương Quốc Huy (Chủ nhiệm CLB Công nhân lao động sáng tạo TPHCM)

Cần sự ủng hộ của lãnh đạo đơn vị

Những sáng kiến, cải tiến của bản thân tôi đa phần xuất phát từ đòi hỏi thực tế công việc. Thấy trục trặc, hư hao ở khâu nào thì phải mày mò tìm hiểu để khắc phục, giúp công việc không bị ách tắc. Có những sự cố đòi hỏi bản thân phải suy nghĩ, tư duy cách làm tốt nhất, có lợi nhất. Các ý tưởng sáng tạo cũng từ đó ra đời.

Theo tôi, khi bản thân có những sáng kiến giúp ích cho công việc thì nên mạnh dạn trình bày với lãnh đạo để được đóng góp thêm ý tưởng, cũng như sự hỗ trợ của ban lãnh đạo để thực hiện. Thực tế không phải ý tưởng, sáng kiến nào cũng được thực hiện một cách suông sẻ. Có nhiều ý tưởng phải làm đi làm lại rất nhiều lần mới thành công và nếu sáng tạo ấy thật sự thiết thực, mang lại lợi ích cho đơn vị thì bản thân cần phải quyết tâm thực hiện. Do đó rất cần sự kiên trì.

Ngoài ra, nếu nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo đơn vị thì việc biến ý tưởng sáng tạo thành hiện thực sẽ là điều dễ dàng đối với người lao động. 

Anh Võ Dũng (công nhân bậc 5/5 Nhà máy nước Thủ Đức)

Tin cùng chuyên mục