Phát hiện tiền thân của các lỗ đen siêu lớn

Kết quả một cuộc nghiên cứu vừa được công bố trên Tạp chí Nature cho biết, bằng kính viễn vọng không gian Hubble, các nhà vật lý thiên văn quốc tế tại Đại học Copenhagen đã phát hiện tổ tiên của các lỗ đen siêu lớn - gọi là GNz7q - được sinh ra 750 triệu năm sau Vụ nổ lớn (Big Bang).
Kính viễn vọng không gian Hubble cho thấy GNz7q là chấm đỏ. Ảnh : NASA
Kính viễn vọng không gian Hubble cho thấy GNz7q là chấm đỏ. Ảnh : NASA

Trong nhiều năm, các nhà thiên văn học đã nỗ lực tìm kiếm mối liên kết làm cầu nối các chuẩn tinh - một thuật ngữ chỉ các thiên thể khổng lồ cực xa  và cực sáng - và các thiên hà hình thành sao mạnh mẽ, được gọi là “thiên hà starburst”. 

Ông Seiji Fujimoto, nhà nghiên cứu thiên hà và lỗ đen tại Đại học Copenhagen (Đan Mạch), đồng thời là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết, nhóm đã quan sát được “thiên hà chủ” của GNz7q và khám phá “một nhà máy sản xuất sao” có cường độ sản xuất cực kỳ hỗn loạn.

Thiên hà được nhìn thấy đang bơm ra những ngôi sao mới nhanh hơn 1.600 lần so với Milky Way (là một thiên hà chứa Hệ Mặt trời của chúng ta). Những điều kiện như vậy là tối ưu cho việc nghiên cứu nguồn gốc của chuẩn tinh.

Các nhà khoa học tin rằng GNz7q có thể là mắt xích còn thiếu giúp xác nhận lý thuyết rằng các lỗ đen siêu lớn có thể được hình thành từ các thiên hà hình thành nên các vì sao. Việc phát hiện ra GNz7q cung cấp cho các nhà nghiên cứu cái nhìn sâu sắc hơn về sự hình thành của vũ trụ và mở ra một con đường mới để tìm hiểu sự phát triển nhanh chóng của các lỗ đen siêu lớn trong vũ trụ sơ khai.

Tin cùng chuyên mục