Phát hiện nhiều vụ gian lận xuất xứ từ nước ngoài

Ngày 20-12, Cục Hải quan TPHCM tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho cán bộ hải quan, doanh nghiệp… phòng chống các hành vi gian lận xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và chuyển tải bất hợp pháp.

Tại đây, hải quan TP thông tin về việc phát hiện nhiều vụ gian lận xuất xứ được tổ chức bài bản, tinh vi từ nước ngoài. Hàng hóa nhập về gia công, chế biến đơn giản sau đó gắn mác “Made in Viet Nam”. Hoặc doanh nghiệp vi phạm còn có những chiêu trò lẩn tránh phức tạp phòng vệ thương mại bằng nhiều cách. Chẳng hạn như, trung chuyển hàng hóa, quá cảnh, gửi kho ngoại quan ở nước thứ 3, “núp bóng” dưới hình thức kinh doanh tạm nhập – tái xuất, xuất khẩu…

Phát hiện nhiều vụ gian lận xuất xứ từ nước ngoài ảnh 1 Đại diện một doanh nghiệp thắc mắc với lãnh đạo Cục Hải quan TP ngày 20-12
Theo ông Đặng Thái Thiện, Phó Trưởng phòng Giám sát Quản lý về Hải quan (Cục Hải quan TPHCM), các hình thức lẩn tránh từ giản đơn đến phức tạp, về phòng vệ thương mại, đều gây hậu quả đáng kể. Cụ thể, gây thiệt hại cho người tiêu dùng; tạo áp lực cạnh tranh không lành mạnh lên các doanh nghiệp làm ăn chân chính; làm thất thu ngân sách nhà nước; ảnh hưởng đến uy tín hàng hóa quốc gia…

Trao đổi tại buổi tập huấn, ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM cho hay, mặc dù là hải quan địa phương, nhưng hải quan TPHCM phải giải quyết 45% công việc cho toàn ngành. Hải quan TP được phép dừng thông quan hàng hóa của các địa phương khác làm thủ tục hải quan tại TPHCM nếu thấy có dấu hiệu vi phạm. Ví dụ, cách đây ít ngày, hải quan TP phát hiện Công ty TNHH Thương mại Sài Gòn Á Châu ( doanh nghiệp xuất khẩu 25 container gỗ gian lận thuế) mở 14 tờ khai và làm thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan Chơn Thành – Cục Hải quan Bình Phước.

Phát hiện nhiều vụ gian lận xuất xứ từ nước ngoài ảnh 2 Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM Đinh Ngọc Thắng trao đổi với doanh nghiệp tại buổi tập huấn
Theo khai báo hàng hóa xuất khẩu là “Ván lạng sản xuất từ gỗ cao su”, có mức thuế suất thuế xuất khẩu 10%. Lô hàng được hệ thống phân luồng vàng (kiểm tra chi tiết hồ sơ và lô hàng đã được thông quan).
Kết quả kiểm tra thực tế ban đầu cho thấy toàn bộ hàng hóa chứa trong 25 container là gỗ xẻ, có mức thuế suất thuế xuất khẩu là 25%. Theo ước tính trị giá lô hàng trên 11 tỷ đồng, số tiền doanh nghiệp trốn thuế gần 3 tỷ đồng.  

Một vụ vi phạm khác cũng tương tự vụ trên. Các đơn vị chuyên trách đang kiểm đếm số container còn lại trong số 111 container có dấu hiệu vi phạm kê khai “viên nén mùn cưa” xuất khẩu (thuế suất thuế xuất khẩu 0%) trị giá lớn. Bởi thông qua kiểm đếm thực tế, hải quan phát hiện 66/111 container hàng hóa là gỗ xẻ có thuế suất thuế xuất khẩu 25%.

“Chúng tôi đã có kế hoạch, thông tin rất rõ trong việc phối hợp cùng các sở ngành, doanh nghiệp phòng chống gian lận xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp… Mục tiêu hướng đến việc tạo thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào TP nói riêng, Việt Nam nói chung; đồng thời nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp cũng như cán bộ, công chức hải quan”, ông Đinh Ngọc Thắng nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục