Phát hiện nhiều vi phạm trong kinh doanh dược phẩm

Qua công tác kiểm tra, giám sát cơ sở kinh doanh dược phẩm trên địa bàn, Thanh tra Sở Y tế TPHCM đã phát hiện nhiều đơn vị vi phạm các quy định trong kinh doanh dược phẩm. 
TPHCM sẽ tăng cường hậu kiểm các cơ sở kinh doanh dược phẩm
TPHCM sẽ tăng cường hậu kiểm các cơ sở kinh doanh dược phẩm

Trong đó, có thể kể đến những vi phạm như kho bảo quản thuốc không đảm bảo, mua - bán thuốc không có hóa đơn chứng từ, không niêm yết giá thuốc, trộn lẫn thuốc thật - giả… Đáng chú ý là thực trạng cho thuê tư cách pháp nhân, dược sĩ chuyên môn không trực tiếp quản lý, bán thuốc; hoặc bán không cần đơn thuốc của bác sĩ vẫn diễn ra phổ biến.

Đơn cử, tại Trung tâm Thương mại dược phẩm và trang thiết bị y tế (quận 10, TPHCM) hiện có 158 doanh nghiệp, với 280 gian hàng kinh doanh dược phẩm. Đây được đánh giá là một trong những địa điểm tập trung kinh doanh, buôn bán dược phẩm sỉ - lẻ lớn trong nước. Trung tâm này, trong thời gian qua, đã gây khó khăn nhất định cho công tác quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh dược phẩm của cơ quan quản lý thành phố. Dẫn chứng cụ thể, bà Trần Thanh Loan, Quyền Chánh thanh tra Sở Y tế TPHCM, cho hay ngoài những thương nhân, đơn vị kinh doanh tuân thủ quy định pháp luật, vẫn tồn tại nhiều điểm bán buôn và đối tượng mua - bán, giao dịch hàng hóa dược phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được phép lưu hành… Đồng thời, để né tránh sự kiểm tra, giam sát của cơ quan quản lý, các đối tượng ngày sử dụng những thủ đoạn tinh vi như thông qua trung gian là người giao hàng thuê, xe ôm để vận chuyển dược phẩm. Mặt khác, các đối tượng không thực hiện giao dịch tại cửa hàng, điểm bán mà thường chia nhỏ dược phẩm để tập kết tại nhiều điểm, sau đó mới phân phối đến người mua.

Trong thời gian tới, Sở Y tế TPHCM sẽ không chỉ giám sát nghiêm ngặt quy trình cấp phép mà còn đẩy mạnh công tác kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh dược phẩm trên địa bàn thành phố. Song song đó, Sở Y tế cũng tăng cường triển khai phổ biến các quy định về kinh doanh dược phẩm, thực hiện quy chế chuyên môn dược và triển khai kế hoạch kiểm tra định kỳ sau cấp phép. Theo đó, cơ quan chức năng sẽ thực hiện hậu kiểm thường xuyên sau khi cấp phép đối với các cơ sở kinh doanh, bán buôn đạt tiêu chuẩn thực hành tốt phân phối thuốc (GDP); phối hợp với các đơn vị liên quan như lực lượng quản lý thị trường, công an… đẩy mạnh giám sát, thanh tra và xử lý các trường hợp vi phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh dược phẩm. Trong đó, các vụ việc vi phạm kinh doanh, vận chuyển, phân phối, tiêu thụ hàng hóa dược phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc giả… sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Tin cùng chuyên mục