Phát hiện đột phá trong điều trị bệnh bạch cầu

Theo nhóm nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Australia (ANU) và Trung tâm Ung thư Peter MacCallum, bệnh bạch cầu cấp tính dòng tế bào tủy xương (AML), một loại ung thư máu nguy hiểm, có thể làm tê liệt hệ miễn dịch. 
 Công nghệ chỉnh sửa gene CRISPR tiên tiến mở ra hy vọng điều trị bệnh bạch cầu
Công nghệ chỉnh sửa gene CRISPR tiên tiến mở ra hy vọng điều trị bệnh bạch cầu

Theo đó, bằng cách ức chế protein MHC lớp II, các tế bào ung thư có thể tránh bị phát hiện và ngăn hệ miễn dịch chống lại chúng. 

Một trong những tác giả nghiên cứu, bà Marian Burr, cho biết với công nghệ chỉnh sửa gene CRISPR tiên tiến, nhóm nghiên cứu có thể xác định một nhóm protein cụ thể, được gọi là phức hợp CtBP, giữ nhiệm vụ vô hiệu hóa protein MHC lớp II gây bệnh AML và các căn bệnh ung thư khác. Việc ức chế phức hợp CtBP bằng cách sử dụng các loại thuốc cụ thể sẽ khôi phục nồng độ MHC lớp II và tăng cường khả năng tiêu diệt tế bào khối u của hệ miễn dịch. Nhóm nghiên cứu lạc quan về triển vọng phát triển các loại thuốc có khả năng kích hoạt lại protein, cho phép hệ miễn dịch nhận diện và ngăn chặn AML.

AML gây ra sự sản sinh quá mức của các nguyên bào tủy bất thường (một loại tế bào bạch cầu), làm tắc nghẽn tủy xương và ngăn chặn sản xuất các tế bào máu bình thường. AML có thể gây tử vong ở hơn 70% số bệnh nhân trưởng thành trong vòng 5 năm kể từ khi được chẩn đoán. Ở Australia, mỗi năm có khoảng 900 người được chẩn đoán mắc bệnh này. Hiện tại, lựa chọn hiệu quả nhất để điều trị AML là cấy ghép tủy xương. Tuy nhiên, có đến 50% số bệnh nhân có thể tái phát sau phẫu thuật.

Tin cùng chuyên mục