Phát hành trái phiếu hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy đầu tư công

Trước thực tiễn tăng trưởng kinh tế suy giảm mạnh do tác động của dịch Covid-19, các chuyên gia cho rằng, TPHCM cần lên kế hoạch nhanh để phát hành trái phiếu chính quyền địa phương (CQĐP) với hai gói: một gói kỳ hạn ngắn để có thêm nguồn lực triển khai hỗ trợ tài chính trực tiếp cho người lao động và doanh nghiệp (DN) ngay trong năm 2020; một gói kỳ hạn trung và dài hạn để triển khai thêm các dự án đầu tư công mới mà hiện chưa cân đối được nguồn vốn nên không triển khai theo quy hoạch trong năm 2021.
TPHCM đã nỗ lực đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu, doanh thu bán lẻ tăng trưởng ổn định trong 4 tháng đầu năm 2020. Ảnh: cao thăng
TPHCM đã nỗ lực đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu, doanh thu bán lẻ tăng trưởng ổn định trong 4 tháng đầu năm 2020. Ảnh: cao thăng

Hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp

Tăng trưởng kinh tế TPHCM trong 4 tháng đầu năm đã sụt giảm mạnh và mức sụt giảm còn lớn hơn so với cả nước. GRDP của TP trong quý 1-2020 chỉ tăng 0,42%, theo số liệu của Cục Thống kê TPHCM (Tổng cục Thống kê sau đó tính lại với con số khoảng 1%), so với cùng kỳ, trong khi GDP cả nước tăng 3,82%. Sản xuất công nghiệp chế biến - chế tạo 4 tháng đầu năm cũng có tốc độ tăng trưởng thấp hơn so với cả nước (trừ hai ngành là hóa chất và điện tử).

Trong các ngành kinh tế, hoạt động dịch vụ còn chịu tác động tiêu cực từ Covid-19 lớn nhất. Kinh tế TPHCM có tỷ trọng dịch vụ cao nên tác động cũng sâu rộng hơn. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ trên địa bàn TP giảm 11,2% trong 4 tháng đầu năm so với cùng kỳ (trong khi cả nước chỉ giảm 4,3%). Doanh thu du lịch - lữ hành trong 4 tháng đầu năm của TP giảm 58,3% (cả nước giảm 45,2%, Hà Nội giảm 51,2%, Đà Nẵng giảm 41,4%, Khánh Hòa giảm 59,5%, Quảng Ninh giảm 58,5%, Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 62,5%).

Một điểm tích cực là doanh thu bán lẻ của TP vẫn có tăng trưởng, mặc dù thấp nhưng cao hơn cả nước và nhiều địa phương khác. Doanh thu bán lẻ trên địa bàn TP trong 4 tháng đầu năm tăng 2,9% (cả nước chỉ tăng 0,4%). Nguyên nhân thứ nhất là nhu cầu mua sắm các sản phẩm thiết yếu và sức mua của bộ phận người dân trung lưu của TP vẫn là đáng kể. Thứ hai, TPHCM đã nỗ lực đảm bảo đầy đủ nguồn cung. Thứ ba, bán lẻ qua kênh trực tuyến được đẩy mạnh, thay thế cho sự suy giảm bán lẻ theo kênh truyền thống.

Như vậy, có thể thấy, với thông điệp từ Chính phủ và TP về việc khôi phục thị trường nội địa, đẩy lại thị trường bán lẻ, tạo tâm lý tiêu dùng thoải mái nhưng an toàn cho người dân trong điều kiện “bình thường mới”, thì sức mua của người tiêu dùng sẽ dần quay lại thị trường. Vấn đề cấp bách hiện nay là các biện pháp hỗ trợ từ phía cung đối với hoạt động sản xuất kinh doanh (với cả hai đối tượng là người lao động và DN) phải mạnh và đến đúng tay người nhận một cách nhanh chóng. Có thể nói, các biện pháp hỗ trợ trực tiếp (trong gói 62.000 tỷ đồng của trung ương và thêm các gói từ địa phương) là không đủ mạnh.

Đối với những chính sách hỗ trợ hiện nay, các DN vẫn có ý kiến chung là rất khó khăn chứng minh điều kiện chịu tác động tiêu cực của Covid-19 để được hưởng ưu đãi. Tuy nhiên, việc nới lỏng các điều kiện về chứng minh bị tác động tiêu cực, triển khai chính sách nhưng chuyển sang hậu kiểm, sẽ mở rộng mạnh phạm vi đối tượng được hưởng, song đòi hỏi có thêm nguồn lực. TP có thể phát trái phiếu CQĐP kỳ hạn ngắn. Nguồn thu từ trái phiếu CQĐP được dùng để bổ sung thêm nguồn lực triển khai mạnh và rộng hơn các hỗ trợ tài chính trực tiếp cho người lao động mất việc; trực tiếp cho DN để duy trì lực lượng lao động, đảm bảo thanh khoản, chống nguy cơ phá sản và hỗ trợ lãi suất vào bảo lãnh tín dụng cho các DN thuộc các lĩnh vực ưu tiên.

Thúc đẩy đầu tư công

Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn TPHCM trong 4 tháng đầu năm 2020 ước tính giảm 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là một mức giảm rất mạnh, đặc biệt là khu vực tư nhân và FDI. Việc chỉ đạo quyết liệt triển khai các dự án đầu tư công và tăng tốc độ giải ngân là đúng đắn, nhưng cũng không đủ mạnh. Việc tổng đầu tư từ nguồn ngân sách địa phương thực hiện trong 4 tháng đầu năm 2020 chỉ tăng 5,4% so với cùng kỳ là thấp (mặc dù tỷ lệ giải ngân đã cải thiện 11% so với cùng kỳ năm ngoái 5,5%), hoàn toàn không đủ bù đắp cho suy giảm đầu tư của khu vực tư nhân và dân cư.

Để tăng mạnh hơn nữa đầu tư công, TP nên phát hành trái phiếu CQĐP kỳ hạn trung và dài hạn để có nguồn lực tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm của TP, mà hiện nay chưa cân đối được nguồn vốn. Việc phát hành trái phiếu để sẵn sàng nguồn vốn triển khai các dự án trong năm 2021 là rất cần thiết để đối mặt với mọi kịch bản kinh tế, tùy theo diễn biến của Covid-19.

Nếu Covid-19 trên toàn cầu vẫn diễn biến phức tạp, thì năm 2021 sẽ cần kích cầu mạnh, đặc biệt là từ đầu tư nhà nước. Ngay cả khi Covid-19 trên toàn cầu được kiểm soát, thì sức cầu ở các thị trường xuất khẩu lớn như Hoa Kỳ và EU sẽ vẫn yếu. Cơ hội tăng trưởng mạnh trở lại trong năm 2021 vẫn phụ thuộc vào khả năng kích cầu nội địa, trong đó đầu tư công là rất quan trọng.

Tính khả thi

Về pháp lý và thủ tục, việc phát hành trái phiếu CQĐP cần được sự đồng ý về mặt chủ trương của lãnh đạo Chính phủ, từ đó có chỉ đạo đến Bộ Tài chính để có thể phê duyệt nhanh chóng kế hoạch phát hành trái phiếu cụ thể. Hiện Trung ương vẫn muốn TP phải cố gắng duy trì một tốc độ tăng trưởng GRDP trên địa bàn ở mức tương đối cao (6,7% như Thủ tướng Chính phủ có nêu tại phiên họp Chính phủ ngày 5-5). Để đảm bảo vẫn tăng trưởng khá thì Trung ương cần cho phép TP được huy động thêm các nguồn lực, trong đó có phát hành trái phiếu CQĐP, để hỗ trợ tăng trưởng.

Về thị trường, sức cầu của các ngân hàng thương mại và quỹ đầu tư đối với trái phiếu CQĐP của TPHCM là cao. Trong bối cảnh GDP tăng trưởng chậm hơn, tín dụng nội địa cũng không thể đạt mục tiêu tăng trưởng 14% trong năm 2020. Tín dụng cho nền kinh tế có thể chỉ tăng 11% trong năm 2020, trong khi tiền gửi của người dân sẽ tăng cao hơn. Vì vậy, các ngân hàng thương mại hoàn toàn có thể đầu tư vào trái phiếu CQĐP do TP phát hành ở các kỳ hạn khác nhau.

Với những điều chỉnh chính sách ở Trung ương, thủ tục thực hiện các dự án đầu tư công sẽ được làm thông thoáng hơn. Đây là cơ hội để đẩy nhanh các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ở TPHCM cần phải làm, nhưng trong thời gian qua, không thể triển khai do vừa vướng thủ tục, vừa vướng nguồn vốn.

Tin cùng chuyên mục