Phát hành phim trực tuyến: Nhiều tranh cãi

Việc phát hành phim song song tại rạp và các nền tảng trực tuyến đang gây ra nhiều tranh cãi tại Hollywood. Riêng với các nhà làm phim Việt, đa phần vẫn quyết định đi theo con đường truyền thống.  

Không phải định hướng lâu dài

Từ ngày 25-12, bom tấn Wonder Woman 1984 chính thức ra rạp tại thị trường Bắc Mỹ. Đáng nói hơn, nhà phát hành Warner Bros. Pictures quyết định phát hành song song bộ phim tại các rạp chiếu và trên nền tảng trực tuyến HBO Max (thời gian 1 tháng), cùng một ngày. Lần đầu tiên trong lịch sử điện ảnh, Warner Bros. Pictures quyết định phát hành 17 phim công chiếu trong năm 2021 theo cách tương tự, trong đó có nhiều phim lớn: The Conjuring: The Devil Made Me Do It, Dune, Godzilla vs. Kong, The Suicide Squad, The Matrix… Các phim sẽ được chiếu trên HBO Max trong vòng 31 ngày trước khi chuyển sang các nền tảng cho thuê phim truyền thống như Amazon, iTunes hay Fandango.

Phát hành phim trực tuyến: Nhiều tranh cãi ảnh 1 Đạo diễn Charlie Nguyễn quan niệm, phim phải được chiếu ngoài phòng vé đầu tiên.
Ảnh: ĐPCC
Giám đốc Warner Bros. Ann Sarnoff gọi chiến lược mới này là “nhằm ứng phó đại dịch Covid-19, chứ không phải định hướng lâu dài của hãng”. “Chúng tôi rất mong muốn khán giả ra rạp xem phim, nhưng thời điểm này, sức khỏe toàn cầu đang bị đe dọa. Ở giai đoạn khắc nghiệt chưa từng thấy trong lịch sử, chúng tôi phải có nước đi sáng tạo”, bà chia sẻ thêm. Quyết định của Warner Bros. gây tranh cãi đặc biệt đối với các đạo diễn, nhà sản xuất phim. Nhiều người gọi đó là “sai lầm nghiêm trọng”. Theo đạo diễn Denis Villeneuve: “Tôi có niềm tin mạnh mẽ tương lai của điện ảnh sẽ là trên màn ảnh rộng, bất kể các chuyên gia Phố Wall có nói gì. Nó là hình thái nghệ thuật đưa mọi người đến gần nhau hơn, tôn vinh tính nhân văn và nâng cao sự đồng cảm lẫn nhau”.

Đạo diễn Christopher Nolan là người phản đối rất mạnh mẽ. Theo ông, những nhà làm phim hàng đầu thế giới và những ngôi sao lớn đã làm việc trong nhiều năm với các dự án, bằng cả trái tim mong muốn mang đến những trải nghiệm trên màn ảnh rộng. Họ muốn tác phẩm của mình chiếu ở ngoài rạp cho nhiều khán giả nhất có thể. Tuy nhiên, các bộ phim lại được phát trên một nền tảng trực tuyến non trẻ mà không có sự tư vấn nào. Ông nói: “Một số nhà làm phim vĩ đại nhất, những ngôi sao quan trọng nhất đã đi ngủ và nghĩ là họ đang làm việc cho một hãng phim tuyệt vời. Nhưng khi thức dậy, họ nhận ra mình đang làm việc cho một nền tảng trực tuyến tồi tệ nhất. Warner Bros. là cỗ máy làm việc tuyệt vời, nhưng thậm chí họ không hiểu những gì mình đang mất. Quyết định của họ không mang ý nghĩa về kinh tế”. 

Trung thành với truyền thống

Điện ảnh Việt chưa có tiền lệ như Wonder Woman 1984. Chia sẻ cảm nghĩ về việc phát hành song song dự án điện ảnh trên các nền tảng VOD (xem phim theo yêu cầu) và hệ thống nhà rạp như hãng phim Warner Bros. sắp áp dụng, đạo diễn Charlie Nguyễn thẳng thắn: “Là một đạo diễn kiêm nhà sản xuất, tôi luôn muốn những tác phẩm do mình cầm trịch phải được chiếu ngoài phòng vé đầu tiên. Tôi không tán thành nhưng cũng chẳng phán xét cách làm ở vài hãng phim Hollywood hiện nay, vì đó là nước đi tạm an toàn giữa bối cảnh dịch bệnh đang hoành hành tại một thị trường điện ảnh lớn như nước Mỹ”.

Tại buổi ra mắt dự án Người cần quên phải nhớ, đạo diễn Charlie Nguyễn cho biết, khi TPHCM có các ca tái mắc Covid-19, điều khiến anh và đạo diễn Đức Thịnh lo lắng chính là diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng tới dự án của mình. “Hai anh em từng bàn bạc xem liệu mình có nên đợi tới hết dịch rồi hãy công bố dự án không?”, Charlie Nguyễn cho biết. Tuy nhiên, anh vẫn quyết định đưa bộ phim ra rạp vào dịp Giáng sinh năm nay và không có ý định phải hoãn lịch chiếu chỉ vì sợ phim quốc tế.

Đồng quan điểm, theo biên kịch Trần Khánh Hoàng, người sắp có 2 bộ phim ra mắt vào đầu năm 2021 là Võ sinh đại chiến và Em là của em: “Hiện nay việc phát hành song song đang vấp phải sự phản đối của nhiều đạo diễn như Nolan hay Villeneuve. Tôi cũng không tán thành cách làm này vì điện ảnh và trải nghiệm ở rạp là hai thứ không thể tách rời”.

Trường hợp đặc biệt nhất là bộ phim Cha và con và… Sau khi chiếu thương mại tại Pháp, phim chỉ công chiếu nhỏ giọt ở Việt Nam trong các chương trình trình chiếu phim liên quan đến quảng bá văn hóa, mà chưa thực sự ra rạp để tiếp cận khán giả đại chúng. Tuy nhiên, vào cuối tháng 5, bộ phim đến với khán giả thông qua hình thức thuê phim trên hệ thống xem phim theo yêu cầu có bản quyền DANET. Đạo diễn Phan Đăng Di chia sẻ: “Sau khi phim chiếu ở các liên hoan phim và được công chiếu rộng rãi ở Pháp, tôi cảm thấy vui và an tâm vì khán giả sẽ được xem phim với chất lượng tốt nhất, chứ không phải xem các bản chiếu không chính thức, không bản quyền”. Theo nhà sản xuất kiêm diễn viên Đỗ Hải Yến, việc phát hành online để khán giả tiếp cận dễ dàng hơn sau khi có sự bàn bạc kỹ lưỡng. Cách làm của Cha và con và… rõ ràng có mục tiêu riêng và dễ hiểu. 

Biên kịch Khánh Hoàng phân tích thêm, phim Việt rất khó làm theo cách của Wonder Woman 1984 do giá thuê phim, hay các gói xem phim trực tuyến thấp, chưa kể tình trạng vi phạm bản quyền không thể kiểm soát.

Tin cùng chuyên mục