“Pháo đài” chống dịch

Những ngày qua, khi TPHCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nhiều tổ dân phố, khu dân cư đã nghiêm túc chấp hành. Tại một số khu dân cư, người dân đã chung sức dựng “pháo đài” để quyết cùng chính quyền đẩy lùi dịch bệnh.
Tổ dân phố dựng rào chắn để hạn chế phương tiện ra vào trên đường Thống Nhất, phường 10, quận Gò Vấp. Ảnh: BÙI ANH TUẤN
Tổ dân phố dựng rào chắn để hạn chế phương tiện ra vào trên đường Thống Nhất, phường 10, quận Gò Vấp. Ảnh: BÙI ANH TUẤN

Đồng thuận phong tỏa

Ngay khi TPHCM áp dụng giãn cách xã hội ngày 9-7, nhiều khu dân cư, tổ dân phố tại quận 12 và Gò Vấp đã nghiêm túc chấp hành. Tại một số tuyến hẻm, khu phố ở quận 12, người dân thực hiện triệt để: nhà cách ly nhà, hẻm cách ly hẻm. 

Nhiều con hẻm được người dân giăng dây, dựng rào chắn để tự phong tỏa, hạn chế đi lại. Điển hình như tại hẻm 409/15 đường Huỳnh Thị Hai, phường Tân Chánh Hiệp, người dân tự dựng chốt chặn, giăng dây ngay đầu hẻm, yêu cầu mọi người trong hẻm hạn chế đi lại, chỉ ra ngoài khi rất cần thiết. Đồng thời, bà con cắt cử người canh gác tại điểm chốt để ngăn người lạ ra vào hẻm.

Tại hẻm 973 đường Nguyễn Ảnh Thủ, phường Tân Chánh Hiệp, người dân cũng đồng tình giăng dây và dán bảng thông báo “Theo Chỉ thị 16, người dân hạn chế ra vào hẻm”. Ông N.T.H. (cư dân trong hẻm 973) chia sẻ: “Hẻm chúng tôi đã thống nhất thực hiện cách ly xã hội bằng việc giăng dây, treo thông báo nhằm hạn chế việc đi lại và không cho người lạ vào hẻm. Từ khi thực hiện, tất cả hộ dân đều nghiêm túc chấp hành, giảm nguy cơ lây nhiễm dịch”. Tương tự, hẻm 423 (đường Vườn Lài, phường An Phú Đông), hẻm ĐTH 27 đường Tô Ký… người dân cũng thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 16, đồng loạt giăng dây, dán thông báo tuyên truyền chấp hành quy định phòng chống dịch. 

Tại quận Tân Bình, hàng loạt đường nhỏ, tuyến hẻm trong khu dân cư đã được người dân, lực lượng chức năng giăng dây cách ly, trở thành những “pháo đài” chống dịch. “Không chỉ ngăn chặn người lạ vào hẻm, nhất là các tài xế giao hàng, thực phẩm, mà bà con trong hẻm đồng lòng tự cách ly, hạn chế tối đa tiếp xúc với bên ngoài để phòng dịch”, một người dân ngụ phường 13, quận Tân Bình, cho biết. Anh Trần Văn Quốc Tài (35 tuổi, nhân viên giao hàng Công ty Now) cho biết: “Khi đi giao hàng mà gặp hẻm nào giăng dây, rào chắn là tôi hiểu khu vực đó đang thực hiện việc hạn chế đi lại, không cho người lạ vào trong. Khi đó tôi phải gọi người nhận ra đầu hẻm lấy hàng. Tuy mất khá nhiều thời gian vì phải chờ đợi, nhưng tôi thấy cách này an toàn, hiệu quả trong công tác phòng chống dịch”. 

Nêu cao tinh thần tự giác

Khác với cảnh nhộn nhịp thường ngày của một hẻm khu vực trung tâm, hẻm 69B Nguyễn Cư Trinh (phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1) hơn một tuần qua treo bảng với nội dung “Hẻm đang nhiễm, hạn chế ra vô và cấm người lạ vào, xin cảm ơn”. Bà Lê Thị Tuyết, cư dân ở hẻm này cho biết, nhận thức thành phố đang trong giai đoạn chống dịch căng thẳng nên người dân trong hẻm thống nhất tự treo bảng thông báo và nhắc nhở mọi người ý thức. “Mình không biết ai mang mầm bệnh, ai không. Nguy cơ lây nhiễm cao nên phải chủ động phòng dịch thôi”, bà Tuyết nói.

Phố đi bộ Bùi Viện, một trong những tuyến đường náo nhiệt nhất thành phố, nay thỉnh thoảng mới thấy nhân viên y tế xét nghiệm Covid-19 cho người dân, còn nhà nhà cửa đóng then cài. Người dân hẻm 261 (phường Cô Giang, quận 1) cũng nghiêm túc tự phong tỏa bằng dây mềm kèm bao ni lông, cử người canh gác cẩn thận. “Từ ngày thành phố giãn cách xã hội, cả hẻm tự cách ly và hạn chế ra ngoài. Nhờ vậy mà giảm nguy cơ lây lan dịch”, một người dân ở hẻm 261 chia sẻ.

Ghi nhận thực tế, nhiều nhà dân, khu trọ cũng tự lập rào chắn, chằng chéo xung quanh nhà một cách thô sơ, với mục đích ngăn không cho người lạ tiếp xúc gần. Một số khu trọ, nhà dân trên đường Bùi Viện (quận 1) còn treo bảng “Đề nghị người lạ, shipper không vào, liên hệ qua điện thoại” hay “Không tiếp khách để chống dịch, gọi chủ nhà”. Còn tại khu trọ trên đường TL15, phường Thạnh Lộc, quận 12, chị Trương Kim Phượng (chủ khu trọ) cho biết, cấm tụ tập đông người, ăn nhậu, phòng nào tách biệt phòng đó, không cho người lạ vào khu trọ. “Ý thức tình hình dịch bệnh nên mỗi gia đình, khu trọ cùng hợp sức chống dịch chứ không đùa được. Đó là vừa bảo vệ mình vừa bảo vệ cộng đồng”, chị Phượng nói.

Dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh mẽ và còn diễn biến phức tạp tại TPHCM. Ngay lúc này, sự tự giác, ý thức trách nhiệm và chủ động phòng dịch từ phía mỗi người dân, mỗi gia đình, từng khu phố, cụm dân cư là cần thiết nhất để chung tay cùng thành phố đẩy lùi dịch bệnh.

Tin cùng chuyên mục