Phản ứng nhanh với sức mua trên thị trường

Đó là những gì hệ thống siêu thị, hệ thống phân phối bán lẻ trên cả nước đã thực hiện nhằm chấm dứt tâm lý hoang mang, lo sợ thiếu hàng hóa thiết yếu của người dân. Trên thực tế, trước đó các cơ quan chức năng đã có nhiều cuộc họp với hệ thống phân phối, bán lẻ có sức ảnh hưởng lớn đến thị trường để bàn kế hoạch chủ động cho những kịch bản nhu cầu tiêu dùng tăng cao. 
Phản ứng nhanh với sức mua trên thị trường

Đơn cử như tại TPHCM, Sở Công thương đã làm việc với hệ thống siêu thị lớn trên cả nước, bao gồm Saigon Co.op, Lotte, Aeonmall, Satra… để nắm bắt nguồn cung hàng hóa. Theo đó, đơn vị này đã đề nghị các doanh nghiệp (DN) báo cáo hiện trạng lượng hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân. Đồng thời yêu cầu các đơn vị phân phối tăng tỷ lệ hàng dự trữ phòng trường hợp nhu cầu tiêu dùng tăng đột biến.

Cũng tại cuộc họp trên, về phía các đơn vị phân phối cho biết, lượng hàng dự trữ tại các kho sẽ luôn đảm bảo ở mức 400-500 tỷ đồng, đủ cung ứng cho thị trường liên tục, không gián đoạn trong thời gian 3 tháng. Tuy nhiên, để chủ động hơn trong tình hình dịch Covid-19 vẫn được dự báo phức tạp, các đơn vị đã chủ động cam kết tăng lượng hàng dự trữ thêm 15%-20%.

Cùng chung tay với những đơn vị phân phối, nhiều DN sản xuất hàng hóa thiết yếu cũng cam kết gia tăng năng lực sản xuất nhằm đảm bảo tỷ lệ nguồn hàng cung ứng, cũng như dự trữ dồi dào cho các hệ thống phân phối (dù sức mua trên thị trường còn yếu và hàng tồn kho của các DN khá nhiều). 

Nhờ sự chuẩn bị chủ động, nên ngày 7-3, khi sức mua trên thị trường tăng khoảng 20 lần so với ngày thường trước đó, ngay lập tức các hệ thống phân phối đã phản ứng rất nhanh trong việc chủ động điều phối tăng nguồn hàng cung ứng tại các tỉnh, thành có sức mua tăng mạnh. Nhân viên phụ trách quầy kệ cũng tăng ca, lượng hàng hóa được châm liên tục, không để quầy kệ bị trống cục bộ tại những thời điểm nhất định, gây ảnh hưởng đến tâm lý người dân. 

Nhìn ở góc độ khác, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam là nước nông nghiệp, có đến 90% nguồn nguyên liệu sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm là từ trong nước. Do đó, dù diễn biến dịch bệnh phức tạp hơn nữa thì các mặt hàng thiết yếu không thể thiếu. Ngoài ra, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, việc gia tăng thị phần tiêu dùng nội địa sẽ giúp DN trong nước giữ được đà tăng trưởng ổn định.

Về phía người tiêu dùng, việc ưu tiên tiêu dùng hàng nội địa sẽ góp phần hỗ trợ DN trong nước duy trì đà phát triển sản xuất, ổn định lượng hàng hóa cung ứng. Một vấn đề quan trọng hơn: việc phát triển mạnh hệ thống phân phối, nhất là hệ thống phân phối nội, sẽ giúp hàng Việt thâm nhập sâu rộng ở thị trường; từ đó giảm nguy cơ khan hiếm hàng cục bộ, gây bất ổn xã hội, ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng và chất lượng sống của người dân.

Tin cùng chuyên mục