Phân luồng để cải thiện giao thông

Trong bối cảnh mở rộng đường sá là chuyện không dễ, việc điều chỉnh phân luồng giao thông trở thành công cụ cải thiện tình hình đi lại trên địa bàn TPHCM.

Khó khăn đến từ nhiều phía

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông tại các điểm nóng trên địa bàn TPHCM trong giờ cao điểm, nhưng chủ yếu là do: mật độ phương tiện dồn về nút giao thông vào cùng thời điểm quá lớn; có nhiều giao cắt đan xen nhau một cách phức tạp tại giao lộ; do là tuyến giao thông trục hoặc tuyến huyết mạch; bị thắt cổ chai tại điểm nóng; mặt đường hẹp; vỉa hè, lòng đường bị lấn chiếm làm nơi buôn bán…

Trong số những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn ứ giao thông nêu trên, khách quan mà nói có lắm khi nguyên nhân đến từ những phía khác mà không thuộc phạm vi chức năng của ngành giao thông vận tải thành phố.

Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi họp chợ, buôn bán (vốn phổ biến) tràn lan khắp thành phố suốt bao lâu nay là một ví dụ. Giải quyết vấn nạn này là trách nhiệm và thẩm quyền của chính quyền địa phương.

Trong khi đó, cũng lắm lý do dẫn đến điểm nóng ùn ứ tại các giao lộ, điểm giao cắt, là từ không ít tài xế ô tô không chấp hành đèn tín hiệu đèn giao thông khi không thấy có cảnh sát giao thông điều tiết tại đó. Chính sự không tuân thủ đèn tín hiệu giao thông của một số bác tài, dẫn tới xung đột với dòng xe khác, từ đó gây ra ùn ứ cho cả nút giao thông.

Đây là vấn đề thuộc về ý thức chấp hành pháp luật (Luật Giao thông đường bộ) của một bộ phận không nhỏ người điều khiển phương tiện. Đôi khi điểm nóng ùn ứ xuất hiện, nghe thật mâu thuẫn, là do ảnh hưởng đến từ sự phát triển hạ tầng giao thông ở gần đó. Có thể minh họa điều này tại nút giao An Phú, quận 2.

Phân luồng để cải thiện giao thông ảnh 1 Điều chỉnh phân luồng, giúp cải thiện tình hình giao thông trên địa bàn quận 2 
Theo ghi nhận của ngành chức năng, nút giao này dễ xảy ra tình trạng quá tải vào các giờ cao điểm trong ngày và nguyên nhân được xác định do có tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây được đưa vào sử dụng, khiến lưu lượng phương tiện tăng vọt tại khu vực này, tạo ra áp lực cho nút giao.

Cải thiện hiện trạng

Thời gian qua, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM đã tổ chức lại giao thông ở hàng loạt tuyến đường, khu vực bức xúc về giao thông và đã có chuyển biến khả quan.

Có thể nhắc đến tuyến đường Phan Đình Phùng kéo dài từ cầu Kiệu đến ngã tư Phú Nhuận thuộc địa bàn quận Phú Nhuận. Trước đây, để triển khai thi công hệ thống thoát nước trên đường Phan Đình Phùng với phạm vi chiếm dụng 1/3 mặt đường, tuyến đường này được tổ chức lưu thông hai chiều xe 2 - 3 bánh và một chiều ô tô theo hướng từ cầu Kiệu đến ngã tư Phú Nhuận.

Với cách tổ chức giao thông này, các phương tiện ô tô từ ngã tư Phú Nhuận muốn đến đường Hai Bà Trưng sẽ phải lưu thông theo lộ trình thay thế, theo đường Hoàng Văn Thụ - Trần Huy Liệu - Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lý Chính Thắng - Hai Bà Trưng. Nhận thấy điều này vô tình gây áp lực giao thông trên các tuyến đường trên, đặc biệt với trục đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, nên Sở GTVT đã tổ chức lại giao thông, điều chỉnh từ “cấm ô tô” sang “cấm ô tô trong khoảng thời gian từ 15 - 20 giờ”.

Với sự uyển chuyển này, chỉ trừ vài giờ cấm xe, còn lại ô tô được lưu thông trên đường Phan Đình Phùng, hướng từ ngã tư Phú Nhuận đến cầu Kiệu, để ra đường Hai Bà Trưng, giúp giảm bớt áp lực giao trên trục đường “ngoại giao” Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, cũng như giảm ùn ứ phương tiện trên các tuyến đường khác.

Một điểm nóng giao thông nữa là tại khu vục đường Quang Trung, đoạn qua chợ Hóc Môn, thuộc huyện Hóc Môn. Vào các giờ cao điểm, đoạn đường này thường xảy ra ùn tắc giao thông do mặt đường hẹp, lượng phương tiện đông, trong đó có nhiều ô tô tải.

Để giải quyết điểm nóng này, Sở GTVT tiến hành điều chỉnh giao thông trên đường Quang Trung và các tuyến đường xung quanh khu vực chợ Hóc Môn. Theo đó, trên đường Quang Trung, đoạn từ đường Lê Lợi đến đường Lê Thị Hà, ô tô chỉ được lưu thông một chiều theo hướng từ đường Lê Lợi đến đường Lê Thị Hà trong khoảng thời gian từ 6 - 20 giờ. Cấm ô tô rẽ trái vào đường Bà Triệu trong thời gian từ 6 - 9 giờ và từ 16 -19 giờ, không áp dụng với xe buýt. Cấm ô tô rẽ trái vào đường Trần Hưng Đạo trong khung thời gian từ 6 - 20 giờ.

Còn trên đường Bà Triệu, đoạn từ đường Quang Trung đến đường Song Hành quốc lộ 22, chỉ cho phép ô tô tải lưu thông một chiều theo hướng từ đường Quang Trung đến đường Song Hành từ 6 - 20 giờ.

Trên địa bàn quận 2 có điểm nóng giao thông ở khu vực giao lộ xa lộ Hà Nội - Thảo Điền. Nơi đây thường xảy ra ùn tắc giao thông trên phần đường hỗn hợp xa lộ Hà Nội vào giờ cao điểm sáng do lượng ô tô rẽ phải từ xa lộ Hà Nội vào đường Thảo Điền.

Động thái xử lý được Khu Quản lý Giao thông Đô thị số 2 thực hiện, đó là điều chỉnh dải phân cách trên xa lộ Hà Nội, tăng số làn xe trên phần đường hỗn hợp và đóng khoảng mở dải phân cách tại nút giao xa lộ Hà Nội - Thảo Điền.

Cũng có thể nhắc tới điểm nóng khác tại đường dẫn cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, đoạn từ nút giao An Phú đến nút giao Vành đai 2. Đặc điểm tại điểm nóng này là xe 2 bánh phải tập trung lưu thông qua đường Nguyễn Thị Định và đường Nguyễn Duy Trinh để ra đường Vành đai 2 hoặc đường Đỗ Xuân Hợp; từ đó dẫn đến tình trạng ùn ứ giao thông trên tuyến đường Nguyễn Thị Định và Nguyễn Duy Trinh.

Để giải quyết, Sở GTVT triển khai phương án cho phép xe 2 bánh lưu thông trên đường dẫn đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, đoạn từ nút giao An Phú đến nút giao Vành đai 2.

Với những điều chỉnh trên, tình trạng ùn tắc giao thông tại các điểm nóng đã bắt đầu thuyên giảm. Thời gian tới, Sở GTVT cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu tổ chức lại giao thông ở những tuyến đường, giao lộ, khu vực khác trên địa bàn TPHCM.

Tin cùng chuyên mục