Phản hồi loạt bài “Trục lợi từ quà tặng hiến máu nhân đạo”: Quà tặng người hiến máu “cõng” đủ loại phí

Chiều 10-11, ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Công ty cổ phần Sự kiện Cường An, đã đến làm việc với Báo SGGP. Tại đây, ông Cường đã đề nghị Báo SGGP thông tin đầy đủ, chính xác hơn về loạt bài “Trục lợi từ quà tặng hiến máu nhân đạo”.

Theo ông Cường, trong bài báo đề cập đến giá trị các phần quà và suất ăn nhẹ cho người hiến máu nhưng lại đưa ra giá không đúng với bản chất của sự việc, thậm chí còn nêu thiếu các thành phần của suất ăn, thiếu rất nhiều các chi phí dịch vụ liên quan.

Cụ thể, giá của mỗi sản phẩm quà tặng, suất ăn gửi đến người hiến máu bao gồm các chi phí dịch vụ như: Bốc vác quà tặng từ kho lên ô tô, từ ô tô xuống điểm hiến máu và khi kết thúc buổi hiến máu lại bốc vác ngược lại, thuê kho bến bãi, vận chuyển, công người phục vụ cấp phát quà tặng, túi đựng quà, vệ sinh khu vực ăn nhẹ, thuế giá trị gia tăng, trả lương nhân viên, thuê văn phòng…. được công ty tính vào gói dịch vụ cung cấp cho người hiến máu.

Nếu thực tế như vậy, theo Thông tư 17/2020/TT-BYT ban hành ngày 12-11-2020 về quy định giá tối đa và chi phí phục vụ cho việc xác định giá một đơn vị máu toàn phần, chế phẩm máu đạt tiêu chuẩn thì người hiến máu thể tích 250ml sẽ được 100.000 đồng, 350ml sẽ được 150.000 đồng, 450ml được 180.000 đồng, đem trừ hết toàn bộ chi phí mà Công ty Cường An đưa ra thì chắc chắn người đi hiến máu chỉ nhận về được… tờ giấy chứng nhận hiến máu, thậm chí bỏ tiền thêm chi trả cho việc đi lại, vận chuyển của công ty, chứ đừng nói đến nhận được quà!

Theo nhiều đơn vị từng tham gia đấu thầu, khi công ty chấp nhận đấu thầu, phải đảm bảo hết các giá trị gia tăng, hao hụt, phải vận chuyển hàng hóa, dịch vụ khi có yêu cầu và không được tính vào giá trị sản phẩm quà tặng. Nếu chi phí này được hợp thức hóa trong hồ sơ đấu thầu, thì đó là điều bất hợp lý khi thẩm định hồ sơ đấu thầu. 

Công ty Cường An không đề cập đến vấn đề mà Báo SGGP đã nêu trong loạt bài trên, đó là giá trị chênh lệch cụ thể từng mặt hàng, sau khảo sát của PV Báo SGGP, khi phần quà được nhận có giá trị ít hơn vài chục ngàn đồng/phần so với giá thực tế. Rõ ràng, giá trị chênh lệch phần quà như Báo SGGP đã nêu, so với con số gần 120.000 người hiến máu trong giai đoạn từ tháng 6-2021 đến tháng 7-2022, có đủ bù cho số chi phí tổ chức phát quà tặng hay không, bạn đọc Báo SGGP có thể thẩm định được qua những gì đã đăng tải.   

Đại diện Công ty Cường An cũng cho rằng, phần ăn nhẹ của người hiến máu được tính đúng, tính đủ có giá 30.000 đồng - gồm phần ăn và ly trà đường (ly giấy dùng 1 lần), công vận chuyển, cấp phát đồ ăn, vệ sinh khu vực ăn. Tuy nhiên, như đã khẳng định từ số báo trước, hình ảnh thực tế chúng tôi ghi nhận được không đủ danh mục như công ty cung cấp. 

Đại diện Công ty Cường An cũng cho biết, Báo SGGP đăng những thông tin quá vội, không liên lạc với nhà thầu, doanh nghiệp để trao đổi cụ thể, làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp và đề xuất Báo SGGP không vì phản hồi bài báo của đơn vị mà cố tình làm phiền nhiễu đến doanh nghiệp đối tác của Công ty Cường An tại các địa phương khác.

Tin cùng chuyên mục