Phản hồi loạt bài “Chìm trong cơn sốt đất”: Sẽ có thêm công cụ quản lý thị trường bất động sản

Sau khi Báo SGGP có loạt bài phản ánh về tình trạng sốt đất bùng phát tại nhiều địa phương trên cả nước, gây ra nhiều hệ lụy mất trật tự trị an trên địa bàn, người dân mất sinh kế, nhà đầu tư ôm gánh nặng nợ nần, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Xuân Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) xung quanh vấn đề này. 
Người đấu giá ngồi tràn ra hành lang Trung tâm văn hóa huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) khi tham gia đấu 32 lô đất hẻo lánh tại xã Ngư Thủy Bắc. Ảnh: MINH PHONG
Người đấu giá ngồi tràn ra hành lang Trung tâm văn hóa huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) khi tham gia đấu 32 lô đất hẻo lánh tại xã Ngư Thủy Bắc. Ảnh: MINH PHONG
Ông Bùi Xuân Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản

PHÓNG VIÊN: Bộ Xây dựng đã nhiều lần đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổng hợp báo cáo tình hình đấu giá đất, đánh giá tình hình, nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản (BĐS). Từ báo cáo của các địa phương, Bộ Xây dựng đánh giá như thế nào về thị trường BĐS hiện nay?

Ông BÙI XUÂN DŨNG: Hiện tượng tăng giá đất nền nóng cục bộ đã diễn ra từ thời điểm cuối quý 1, đầu quý 2-2021 tại một số địa phương. Tình hình đã hạ nhiệt sau khi Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ TN-MT có văn bản chỉ đạo để chính quyền địa phương kịp thời đưa ra cảnh báo cũng như công khai các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất trên địa bàn. Tuy nhiên, qua khảo sát tại 8 địa phương, trong đó có Hà Nội, TPHCM, Bình Dương, Đà Nẵng, giá giao dịch BĐS trong quý 1-2022 vẫn có xu hướng tăng, tăng cao nhất là loại đất nền. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có thể kể đến việc các địa phương, bộ, ngành bắt đầu chu kỳ mới triển khai xây dựng quy hoạch. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư vẫn chọn BĐS là kênh đầu tư đã nhân cơ hội này mua gom đất, phân lô bán nền, thậm chí vi phạm các quy định pháp luật nhằm thu lợi bất hợp pháp.

Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, tại nhiều địa phương, các đối tượng cò mồi, môi giới đã thực hiện nhiều chiêu trò để “thổi giá”, lừa đảo, nhũng nhiễu thị trường. Hiện các cơ quan quản lý nhà nước đã có đủ hành lang pháp lý để xử lý tình trạng này?

Lĩnh vực BĐS được điều chỉnh bởi nhiều hệ thống pháp luật như pháp luật về nhà ở, đất đai, kinh doanh bất động sản, quy hoạch, thuế… Hệ thống pháp luật hiện hành đã tương đối đầy đủ, đồng bộ để đảm bảo quản lý hoạt động kinh doanh BĐS minh bạch, lành mạnh. Ví dụ, Luật Kinh doanh BĐS đã có các quy định cụ thể về phạm vi, điều kiện tham gia, quyền và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động kinh doanh BĐS, trong đó có hoạt động môi giới BĐS. Tuy nhiên, hiện công tác quản lý nhà nước cũng như thực tế thị trường BĐS trong thời gian qua vẫn còn có những vấn đề tồn tại, bất cập. Do vậy, việc nghiên cứu đưa ra các giải pháp nhằm để quản lý, đảm bảo thị trường BĐS phát triển ổn định lành mạnh là cần thiết. 

Hiện, Bộ Xây dựng đang xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi). Trong đó sẽ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung, ví dụ như quy định liên quan đến phạm vi, điều kiện kinh doanh BĐS; công khai thông tin trong hoạt động kinh doanh BĐS; quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS; chính sách điều tiết để thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh. Trong quá trình nghiên cứu, dự thảo sửa đổi các luật này, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, lấy ý kiến bộ ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, đặc biệt là các đối tượng chịu nhiều tác động, để đảm bảo phù hợp với thực tiễn và yêu cầu về quản lý thị trường BĐS.

Ông có thể cho biết rõ hơn về giải pháp, công cụ cụ thể để tăng cường quản lý thị trường BĐS? Các bộ ngành liên quan và địa phương có trách nhiệm như thế nào trong việc kiểm soát thị trường?

Bộ Xây dựng đã nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng. Trong đó, đã sửa đổi, bổ sung các quy định, chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh, môi giới BĐS. Sắp tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực này. Tuy nhiên, để thị trường BĐS phát triển ổn định lành mạnh cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Theo đó, các bộ ngành cần tiếp tục rà soát, sửa đổi quy định pháp luật liên quan. Đồng thời, các bộ ngành cần tăng cường đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra để đảm bảo địa phương, tổ chức, cá nhân tuân thủ pháp luật nhà ở, kinh doanh BĐS. Đặc biệt, các địa phương cần tập trung tháo gỡ pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án BĐS, dự án nhà ở thương mại để tăng nguồn cung, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật.

Chậm cập nhật thông tin quy hoạch trên trang web của Bộ Xây dựng

Đến thời điểm này, Cổng thông tin quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị Việt Nam của Bộ Xây dựng đã công khai được 1.572 đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. Tuy nhiên, quá trình cập nhật các đồ án quy hoạch đã được phê duyệt còn chậm. Bên cạnh nguyên nhân khách quan là hạn chế về nhân lực, tài chính, còn có nguyên nhân chủ quan do một số địa phương chưa quan tâm đưa đồ án lên cổng thông tin hoặc có số đồ án đưa lên rất ít, như các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Hải Dương, Gia Lai… Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các địa phương trong việc thực hiện cập nhật thông tin quy hoạch lên cổng thông tin quy hoạch của bộ.

Tin cùng chuyên mục