Phản hồi bài “Hãy trả em về đúng lớp“: Nâng cao chất lượng dạy học từ lớp 1

Sau khi Báo SGGP đăng bài viết “Hãy trả em về đúng lớp” (số báo ra ngày 16-12), PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM, xung quanh vấn đề rà soát chất lượng dạy học ở bậc tiểu học, qua đó khắc phục tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp”.

PHÓNG VIÊN: Thưa ông, sau khi Báo SGGP có bài viết ghi nhận về một số trường hợp học sinh khối 3, 4 ở các trường tiểu học thuộc các quận, huyện ngoại thành không thể đọc trôi chảy một văn bản tiếng Việt nhưng vẫn được lên lớp, ý kiến của Sở GD-ĐT TPHCM như thế nào?

Ông NGUYỄN QUANG VINH: Sau khi bài báo đăng, Sở GD-ĐT TPHCM đã yêu cầu phòng GD-ĐT ở 3 quận, huyện gồm quận 6, 8 và huyện Hóc Môn rà soát chất lượng dạy học ở các trường tiểu học, đồng thời rút kinh nghiệm chung cho 24 quận, huyện tại cuộc họp giao ban trưởng phòng GD-ĐT vào cuối tuần trước. Tới đây, Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục có văn bản chỉ đạo về tăng cường quản lý chất lượng dạy học ở bậc tiểu học. Qua kiểm tra, rà soát, các phòng GD-ĐT xác nhận có trường hợp học sinh học yếu, không chỉ ở các huyện ngoại thành mà cả quận nội thành, trường điểm, rơi vào các trường hợp học sinh khuyết tật, học sinh học hòa nhập, học sinh học khó, học sinh gia đình khó khăn, phụ huynh không quan tâm đến việc học và một phần nguyên nhân từ thực tế sĩ số học sinh/lớp hiện nay khá cao ở thành phố do áp lực gia tăng dân số.

Hiện nay, toàn TPHCM có hơn 20.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên ở bậc tiểu học, trong đó khoảng 16.000 giáo viên trực tiếp đứng lớp. Sở GD-ĐT không tán thành nếu có trường hợp giáo viên chạy theo thành tích, cho học sinh lên lớp không đúng năng lực thực tế của các em. Trong công tác chỉ đạo chuyên môn hàng năm, sở luôn yêu cầu các quận, huyện tổ chức “dạy thật, học thật và chất lượng thật”. Thực tế trong nhiều năm qua, công tác tổ chức đánh giá thi đua đối với các đơn vị không dựa vào tỷ lệ học sinh nghỉ học hoặc ở lại lớp mà xem xét tình hình thực tế đối tượng học sinh, nhất là những địa bàn có đặc thù kinh tế khó khăn. Riêng đối với giáo viên, mỗi đầu năm học đều có trách nhiệm khảo sát trình độ đầu vào của học sinh, theo dõi quá trình tiến bộ, qua đó làm căn cứ để nhà trường đánh giá kết quả dạy học của giáo viên. Kết quả thống kê cuối năm học 2019-2020, toàn thành phố có hơn 647.000 học sinh tiểu học, trong đó 99,2% học sinh đủ tiêu chuẩn lên lớp, tỷ lệ học sinh ở lại lớp chưa đến 1%.

Hiện nay theo quy định của ngành giáo dục, trường hợp nào học sinh được lên lớp, trường hợp nào phải ở lại lớp và trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, cơ sở giáo dục như thế nào, thưa ông?

Hiệu trưởng là người quyết định học sinh có lên lớp hay không, căn cứ vào kết quả đánh giá học tập của giáo viên. Hiện nay, theo quy định của Thông tư 22 về đánh giá học sinh tiểu học, nếu kết quả đánh giá các môn học của học sinh đều ở mức hoàn thành, học sinh đáp ứng các yêu cầu về phẩm chất, năng lực theo quy định của chương trình giáo dục sẽ được xét lên lớp. Một số trường hợp đặc biệt như Báo SGGP đã nêu, học sinh yếu kỹ năng đọc thành tiếng nhưng các kỹ năng còn lại (như đọc hiểu, viết chính tả, tập làm văn…) các em đều đạt thì giáo viên sẽ có kế hoạch phụ đạo riêng cho từng học sinh. Như vậy, việc đánh giá một học sinh đủ khả năng lên lớp hay không không phụ thuộc vào đánh giá chủ quan của phụ huynh. Trường hợp đánh giá của giáo viên và phụ huynh chưa trùng khớp, nhà trường sẽ tổ chức buổi làm việc giữa phụ huynh và giáo viên, có sự tham dự của ban giám hiệu. Đối với những trường hợp cá biệt, hiệu trưởng có thể báo cáo, xin ý kiến phòng GD-ĐT quận, huyện.

Như vậy, tới đây để khắc phục tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp”, Sở GD-ĐT sẽ hướng dẫn các trường thực hiện những biện pháp gì?

Trước tiên, chúng tôi chỉ đạo các trường tăng cường công tác phân loại học sinh ngay từ đầu năm học (đây là công tác tổ chức thường xuyên ở các trường phổ thông vào mỗi đầu năm học - PV), đánh giá kịp thời trình độ học sinh để từ đó tìm ra nguyên nhân học sinh gặp khó khăn trong học tập, xây dựng kế hoạch giáo dục cho từng em. Với những học sinh học yếu, giáo viên có trách nhiệm tổ chức phụ đạo đối với từng trường hợp, thường xuyên theo dõi kết quả học tập của các em qua từng tiết học, ngày học và định kỳ theo từng giai đoạn học tập để có điều chỉnh kế hoạch giáo dục phù hợp với học sinh. Ngoài ra, giáo viên được yêu cầu thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với phụ huynh để có giải pháp hỗ trợ học sinh học tập theo từng giai đoạn.

Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT cũng chỉ đạo các trường tiểu học tăng cường nâng cao chất lượng dạy học ngay từ lớp 1, trong đó bao gồm một số kỹ năng cơ bản như: đọc thành tiếng, viết chữ đúng quy định. Những học sinh có biểu hiện học khó, giáo viên phải có giải pháp hỗ trợ kịp thời giúp học sinh tiến bộ. Trong năm học 2020-2021, Sở GD-ĐT yêu cầu các trường học tập trung đánh giá đúng chất lượng học sinh theo Thông tư 22 (đối với học sinh các khối 2, 3, 4, 5) và Thông tư 27 (đối với học sinh khối 1). Đặc biệt, với đối tượng học sinh học hòa nhập không đánh giá theo chuẩn chung (điểm số trong học bạ) mà có kế hoạch giáo dục cá nhân đối với từng em, học sinh sẽ được lên lớp nếu hoàn thành kế hoạch giáo dục cá nhân của bản thân học sinh đó.

Một chỉ đạo khác trong năm học này đối với các trường tiểu học là tăng cường kiểm tra hoạt động chuyên môn của giáo viên (như dự giờ, sinh hoạt chuyên môn…), giám sát việc tổ chức kiểm tra định kỳ và phụ đạo học sinh để quản lý chất lượng dạy học, chú trọng nâng cao đạo đức, trách nhiệm giáo viên.

Tin cùng chuyên mục