Phấn đấu năm 2020 xuất khẩu nông nghiệp đạt 41 tỷ USD

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho biết, do tác động của dịch Covid-19, xuất khẩu thủy sản trong 5 tháng đạt 2,8 tỷ USD, giảm 11,5%; trong đó xuất khẩu cá tra giảm mạnh nhất với mức 39%.
Trong vài năm gần đây, ngành chăn nuôi bò sữa đạt tiến bộ nên sản phẩm sữa Việt Nam đã xuất khẩu đi nhiều quốc gia
Trong vài năm gần đây, ngành chăn nuôi bò sữa đạt tiến bộ nên sản phẩm sữa Việt Nam đã xuất khẩu đi nhiều quốc gia

Nhằm thúc đẩy tiêu thụ, mở rộng thị trường trong nước, bộ tổ chức hội nghị tiêu thụ cá tra đã được nhiều doanh nghiệp ký kết đưa sản phẩm vào bếp ăn tập thể, khu công nghiệp, trường học… Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, tính đến tháng 6-2020, sản lượng gỗ khai thác ước đạt 7,53 triệu m3, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2019. Cùng với đó, nhiều địa phương đã tích cực, chủ động triển khai trồng rừng gỗ lớn theo hướng thâm canh, chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn, với mục tiêu phấn đấu đạt khoảng 12 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2019. Chỉ tiêu cơ bản năm 2020 của ngành nông nghiệp là tốc độ tăng trưởng GDP ngành đạt 2,8%-3%; tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản khoảng 2,9%-3,05%; tỷ lệ che phủ rừng 42%; thành lập mới 2.000 HTX nông nghiệp. 

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, kế hoạch xuất khẩu nông nghiệp năm 2020 được giao 42 tỷ USD nhưng bộ hết sức cố gắng để đạt khoảng 41 tỷ USD, giảm 2,5%. Do vậy, bộ đã rà soát từ thực tiễn để có giải pháp nhằm bắt đúng mạch đảm bảo nguồn lương thực, thực phẩm. Đặc biệt, phát huy nội lực, tiềm năng hơn 13.000 doanh nghiệp nông nghiệp, 15.400 HTX và 8,6 triệu hộ nông dân để bất cứ trong hoàn cảnh khó khăn nào ngành nông nghiệp vẫn đảm bảo được lương thực. Đối với xuất khẩu lương thực: gạo phấn đấu 7 triệu tấn, rau 4 triệu tấn, quả 13,5 triệu tấn… Về phía thực phẩm sản xuất đạt 14,3 triệu tấn, trong đó có 8,5 triệu tấn thủy sản; 5,8 triệu tấn thịt; 14,6 tỷ quả trứng; 1,2 triệu tấn sữa.

Để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế, thích ứng với biển đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đề nghị các đơn vị tích cực đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, giữ ổn định các thị trường truyền thống, tìm kiếm và mở rộng các thị trường tiềm năng; hạn chế thấp nhất sự phụ thuộc vào một số thị trường nhất định. Triển khai tích cực, khai thác hiệu quả cơ hội của các hiệp định tự do thương mại, tăng cường các hoạt động phát triển thị trường.

Đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; trọng tâm là phát triển doanh nghiệp, phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối hệ thống tiêu thụ toàn cầu. Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học - công nghệ; chủ động hội nhập quốc tế, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện để đẩy mạnh xuất khẩu khi các hiệp định CPTPP và EVFTA có hiệu lực.

Nhờ dự báo sớm mà trong 5 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu đạt hơn 15 tỷ USD. Những mặt hàng giá trị xuất khẩu tăng là: cà phê đạt 1,36 tỷ USD, tăng 2,2%; gạo đạt 1,4 tỷ USD, tăng 18,9%; rau đạt 310 triệu USD, tăng 17,5%; quế đạt 66 triệu USD, tăng 16,6%; mây, tre, cói thảm đạt 197 triệu USD, tăng 4,7%...

Tin cùng chuyên mục