Phấn đấu đến năm 2025, chất lượng GD-ĐT có chuyển biến rõ nét

Ngày 23-9, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT tổ chức Đại hội thi đua yêu nước ngành giáo dục lần thứ VII năm 2020, tổng kết công tác thi đua khen thưởng giai đoạn 2016 – 2020. 
Văn nghệ chào mừng Đại hội thi đua yêu nước ngành giáo dục

Dự Đại hội có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cùng hơn 300 đại biểu ưu tú, điển hình tiên tiến xuất sắc gồm các tập thể và cá nhân đang được đề nghị danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; các chiến sĩ thi đua toàn quốc giai đoạn 2016 – 2020; các nhà giáo nhân dân được phong tặng năm 2017; đại diện tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến; học sinh đoạt huy chương Vàng trong các kỳ thi Olympic quốc tế các môn văn hóa năm 2020; sinh viên nghiên cứu khoa học đoạt giải nhất năm 2019.

Bộ GD-ĐT nhấn mạnh, sau hơn 30 năm thực hiện đổi mới, nền giáo dục nước ta đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần quan trọng vào thắng lợi của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay, ngành giáo dục đã và đang  triển khai mạnh mẽ yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo Nghị quyết số 29-NQ/TW của Đảng.

Để triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW, những năm qua, ngành giáo dục tiếp tục tuyên truyền, quán triệt Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, “Cùng nhau đẩy mạnh thi đua yêu nước thì khó khăn gì cũng khắc phục được, nhiệm vụ gì cũng hoàn thành tốt”; Ngành đã phát động phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” cùng với việc triển khai phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”…

 Phấn đấu đến năm 2025, chất lượng GD-ĐT có chuyển biến rõ nét ảnh 2 Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh (trái) cùng các đại biểu dự hội nghị

Kết quả thi đua trong 5 năm qua của ngành giáo dục thể hiện rõ trên nhiều mặt. Cụ thể: Cấp ủy, người đứng đầu các cơ sở GD-ĐT đã khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trong giảng dạy, giáo dục, quản lý và nghiên cứu khoa học; Phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh, sinh viên trong học tập, rèn luyện, nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp; Hệ thống giáo dục quốc dân từng bước được củng cố và sắp xếp lại, bước đầu xây dựng xã hội học tập và tạo điều kiện cho mọi người học tập suốt đời.

Bên cạnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã thể chế hóa quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT của Đảng và Nhà nước, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn để phát triển và hội nhập quốc tế. Nổi bật nhất là chất lượng giáo dục phổ thông được nâng lên. Qua kết quả đánh giá của một số tổ chức quốc tế cho thấy chất lượng giáo dục phổ thông ở nước ta vượt mức trung bình của các nước khối OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) và luôn thuộc nhóm dẫn đầu về thành tích thi Olympic quốc tế.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, cùng với cả nước, toàn ngành giáo dục đã tham gia tích cực vào công tác phòng, chống dịch bệnh; chủ động để ứng phó với dịch bệnh; triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch với mục tiêu “bảo đảm sức khỏe, an toàn của học sinh, sinh viên, giáo viên lên trên hết”; đồng thời thực hiện phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”.

Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các nhà trường dạy học qua internet, trên truyền hình; tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn cho các học sinh, giáo viên trong quá trình dạy học qua internet; ban hành kịp thời hướng dẫn tinh giản chương trình giáo dục phổ thông học kỳ II năm học 2019 - 2020 để các địa phương kịp thời thực hiện. Qua việc giảng dạy trực tuyến, cho thấy năng lực sử dụng công nghệ thông tin của các thầy cô giáo đã được nâng lên rõ rệt. Đến nay, việc dạy học online đã trở thành một hoạt động thiết yếu, duy trì sự tương tác giữa thầy và trò.

Từ sau Đại hội thi đua yêu nước ngành giáo dục năm 2015 đến nay, toàn ngành đã có 3 tập thể, 7 cá nhân được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động; 61 nhà giáo được công nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quốc; Chủ tịch nước tặng thưởng 18 Huân chương Độc lập cho các tập thể, 3 Huân chương Độc lập cho các cá nhân. Bộ GD-ĐT cũng đã tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” cho 88 cá nhân là người nước ngoài đã có công lao đóng góp cho sự nghiệp GD-ĐT Việt Nam.

 Phấn đấu đến năm 2025, chất lượng GD-ĐT có chuyển biến rõ nét ảnh 3 Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại đại hội

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, cùng với phong trào thi đua “Dạy tốt, Học tốt”, giai đoạn 2016 - 2020, ngành giáo dục phát động và triển khai phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”.

Trong 5 năm qua, các nhà trường đã chủ động đổi mới phương pháp giáo dục, có nhiều hoạt động cụ thể nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hoạt động của đội ngũ cán bộ, giáo viên, giảng viên và học sinh, sinh viên; Nhiều mô hình, sáng kiến trong dạy và học đã được các cơ sở giáo dục thực hiện hiệu quả, chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên; Giai đoạn 2020 - 2025, ngành giáo dục tiếp tục triển khai phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”; khắc phục cơ bản những hạn chế, tồn tại trong giáo dục, phấn đấu đến năm 2025 chất lượng GD-ĐT có chuyển biến rõ nét.

Tin cùng chuyên mục