Phân công hợp lý giúp khai thác thế mạnh địa phương

Năm 2050, vùng TPHCM sẽ là động lực phát triển hàng đầu của cả nước, đồng thời là đầu mối giao thương quốc tế, có khả năng thích ứng cao hướng tới phát triển cân bằng và bền vững, đóng vai trò trung tâm kinh tế quan trọng của Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương
Đây là một trong những mục tiêu hàng đầu của đồ án điều chỉnh Quy hoạch Xây dựng vùng TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Đồ án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Bộ Xây dựng chính thức công bố vào ngày 23-1.
Đến tham dự cuộc họp công bố đồ án có đồng chí Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cùng nhiều lãnh đạo Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan.
Nguyên tắc thu gọn và nén
Vùng TPHCM rộng 30.404km2, tổng thể 7 tỉnh: Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu và TPHCM. Dân số hiện tại hơn 18,7 triệu người, đến năm 2030 khoảng 24 - 25 triệu người, ước tính đến năm 2050 con số này có thể tăng lên 29- 30 triệu người.
Quy hoạch định hướng phát triển vùng TPHCM trở thành vùng kinh tế hiện đại, trung tâm kinh tế lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, tập trung vào các lĩnh vực tài chính - thương mại, khoa học - dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp chuyên sâu với trình độ chuyên môn hóa cao, văn hóa - giáo dục - đào tạo - y tế chất lượng cao trong khu vực Đông Nam Á.
Phân công hợp lý giúp khai thác thế mạnh địa phương ảnh 1 Một góc trung tâm TPHCM Ảnh: VIỆT DŨNG
Trong đó, TPHCM sẽ là đô thị hạt nhân vùng, động lực phát triển kinh tế vùng và quốc gia, có vai trò quan trọng trong khu vực với các kết nối quốc tế mạnh mẽ. 
Để vươn đến tầm cao trong khu vực và quốc tế, vùng TPHCM phải đối mặt và giải quyết rất nhiều rào cản, nhất là vấn đề biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Chính vì vậy, đại diện Bộ Xây dựng cho hay, tuy vẫn giữ nguyên tắc cấu trúc đa trung tâm nhưng so với quy hoạch vùng đã được phê duyệt năm 2008, quy hoạch điều chỉnh lần này có một số điều chỉnh quan trọng về chiến lược phát triển.
Cụ thể, các cực tăng trưởng trọng điểm và các hành lang phát triển sẽ được điều chỉnh thu gọn và nén hơn nhằm đảm bảo cho việc phát triển kinh tế, thích ứng biến đổi khí hậu. Phát triển nén ở các vùng đô thị, không khuyến khích mở rộng tràn lan, hạn chế phát triển đô thị về hướng Tây, Tây Nam là vùng đất thấp, dễ bị ngập lụt.
Các cực tăng trưởng năng động phải được xây dựng trên vùng nền đất cao hơn các khu vực nằm xa trong vùng, khuyến khích phát triển về phía Bắc và phía Đông. Mạng lưới đường sắt sẽ được tăng cường mở rộng dọc các hành lang phát triển nhằm khuyến khích tăng trưởng theo cụm.  
Hoàn chỉnh quy hoạch ngành
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh đề nghị các tỉnh thành sớm công bố rộng rãi nội dung điều chỉnh Quy hoạch Xây dựng vùng TPHCM để đảm bảo việc thực hiện quy hoạch của tất cả các bên liên quan, đồng thời khẩn trương rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng của từng địa phương để có các định hướng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chương trình phát triển đô thị… phù hợp với quy hoạch vùng.
Riêng TPHCM, bà Linh lưu ý, không chỉ có vai trò hạt nhân của vùng mà còn có mối quan hệ và ảnh hưởng đến sự phát triển của vùng ĐBSCL, do đó đề nghị rà soát lại một số các quy hoạch chuyên ngành chưa được phê duyệt như thoát nước, rác thải, giao thông… vì các quy hoạch này tác động lớn đến khung phát triển hạ tầng của TPHCM.
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến, trong quá trình phát triển TPHCM và các tỉnh lân cận còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, về kết nối với các địa phương…
Vì thế, quy hoạch vùng với sự phân công hợp lý thông qua một kế hoạch tổng thể sẽ xác định được thế mạnh của mỗi địa phương, khu vực, đăc biệt là vai trò trung tâm của TPHCM, để từng địa phương có thể phát triển nhanh, bền vững, đồng thời cũng gắn bó, gắn kết với nhau trong việc phân bổ các nguồn lực, nhất là các ngành đang được nhiều địa phương quan tâm như du lịch, văn hóa - giáo dục, công nghệ cao…
Quan trọng nhất là vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu, không thể riêng TPHCM mà phải có giải pháp căn cơ trong toàn vùng. Riêng đối với TPHCM, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến cho biết, quy hoạch vùng sẽ là cơ sở pháp lý để TP triển khai một số quy hoạch ngành được phù hợp hơn.
Do đó, thành phố sẽ triển khai thông tin về đồ án điều chỉnh quy hoạch vùng để người dân được biết, qua đó sẽ có những ý kiến đóng góp tích cực cũng như tham gia giám sát thực hiện để đồ án quy hoạch không chỉ nằm trên giấy.
Tiếp tục mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất

Theo quy hoạch được phê duyệt, cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất tiếp tục được đầu tư xây dựng, mở rộng và nâng cấp điều chỉnh nâng công suất đạt 40-50 triệu hành khách/năm và 1-2 triệu tấn hàng hóa/năm đến năm 2030. Về xây dựng mới cảng hàng không quốc tế Long Thành, triển khai thực hiện theo các giai đoạn đầu tư phát triển cảng theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tin cùng chuyên mục