Phân cấp, trao quyền xây dựng, quản lý và phát triển TP Thủ Đức

TPHCM vừa ban hành kế hoạch xây dựng “Đề án trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Thủ Đức”. Theo kế hoạch, đề án phát triển TP Thủ Đức phải đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù chưa được quy định hoặc khác với các quy định hiện hành. 

Thành phố Thủ Đức (TPHCM) đã được Trung ương cho phép thành lập, hoạt động với mô hình “thành phố trong thành phố” đầu tiên của cả nước. Sau gần một năm triển khai mô hình này, cơ chế của TP Thủ Đức vẫn là cơ chế cấp huyện. Để đạt mục tiêu là hạt nhân đột phá, có thể tạo ra giá trị gia tăng bằng 1/3 của TPHCM, khoảng 7% GDP của cả nước như TPHCM và Trung ương kỳ vọng, cần phân cấp, trao quyền đặc biệt để TP Thủ Đức có các giải pháp tập trung, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực.

Đơn vị hành chính cấp huyện “khổng lồ”

Sau khi sáp nhập 3 quận (quận 2, 9 và Thủ Đức) thành TP Thủ Đức với đơn vị hành chính cấp huyện “khổng lồ”, việc quản lý địa giới hành chính đặt ra yêu cầu mới về quản lý đất đai, đô thị, trật tự xây dựng. Trong khi đó, TP Thủ Đức chưa có cơ chế, chính sách đặc thù riêng, về cơ bản vẫn theo cơ chế cấp huyện nên việc giải quyết hồ sơ hành chính gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó là áp lực về thời gian, số lượng lớn hồ sơ phải giải quyết trong điều kiện số lượng cán bộ, công chức và lãnh đạo của TP Thủ Đức giảm, chỉ còn tương đương cấp huyện.

Một trở ngại nữa là việc triển khai chức năng, nhiệm vụ của TP Thủ Đức tại Nghị định số 33/2021/NĐ-CP về thi hành nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM là vấn đề mới, chưa có tiền lệ. Vì vậy, quá trình triển khai phải nghiên cứu kỹ, mất nhiều thời gian, chưa đáp ứng yêu cầu người dân khi có những kỳ vọng phát triển vượt bậc của mô hình “thành phố trong thành phố”.

Nghị định 33 chưa quy định cụ thể cho TP Thủ Đức thẩm quyền trực tiếp về các lĩnh vực như cấp phép đầu tư; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; phê duyệt dự án đầu tư, chế độ chính sách của cán bộ, công chức. Việc quản lý thuế đối với các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn TP Thủ Đức (trừ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài); tiếp nhận quản lý, khai thác hạ tầng TP Thủ Đức và duyệt các dự án theo chương trình vốn vay kích cầu trên địa bàn cũng đang phải trình xin các cấp. Có thể thấy, thẩm quyền hiện nay của TP Thủ Đức vẫn phải thực hiện theo thẩm quyền quận, huyện được quy định trong các văn bản của Trung ương và TPHCM.

Thêm nữa, sau gần 1 năm thành lập, TPHCM vẫn chưa phân cấp, ủy quyền cho TP Thủ Đức quản lý trực tiếp 3 định chế trọng tâm là Khu Đại học Quốc gia TPHCM, Khu Công nghệ cao TPHCM, Trung tâm Tài chính thương mại (khi được thành lập) nên chưa phát huy thế mạnh của “kiềng 3 chân” gồm khoa học - công nghệ, tri thức và tài chính như mục tiêu ban đầu.

Tăng quyền chủ động

TPHCM vừa ban hành kế hoạch xây dựng “Đề án trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Thủ Đức”. Theo kế hoạch, đề án phát triển TP Thủ Đức phải đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù chưa được quy định hoặc khác với các quy định hiện hành. Đề xuất phải đi vào cụ thể các lĩnh vực như chính sách nguồn nhân lực; tài chính, ngân hàng; doanh nghiệp và đầu tư; đất đai, tài nguyên môi trường; xây dựng, quy hoạch và hạ tầng đô thị…

Đây là những vấn đề lớn, dĩ nhiên phải có thời gian để Trung ương xem xét, quyết định. Còn về phía TPHCM, cần sớm điều chỉnh những nghị định có liên quan theo hướng xác định rõ thẩm quyền của TP Thủ Đức, để tránh việc đánh đồng với thẩm quyền cấp huyện. Những vấn đề nào thuộc quyền TPHCM quyết định thì cần sớm trao quyền cho TP Thủ Đức.

Trước mắt, cần cụ thể hóa Nghị định 33 bằng Nghị quyết của HĐND TPHCM về phân cấp, ủy quyền nội bộ thành phố, chú trọng chủ trương phân cấp, ủy quyền cho TP Thủ Đức. Chẳng hạn như nghiên cứu cơ chế thí điểm phân cấp, ủy quyền từ TPHCM cho TP Thủ Đức được quản lý trực tiếp Khu Công nghệ cao TPHCM, Khu Đại học Quốc gia TPHCM, Khu chế xuất Linh Trung, Trung tâm Tài chính thương mại (khi được thành lập) để tăng tính chủ động, tăng thẩm quyền. Đây là cơ sở để TP Thủ Đức phát huy tối ưu mô hình chính quyền đặc biệt - “thành phố trong thành phố”.

Mặt khác, thiết kế mô hình TP Thủ Đức phù hợp về cơ cấu tổ chức, biên chế, cấu trúc quy mô hành chính, các cơ quan chuyên môn phù hợp với tính chất đặc biệt của “thành phố trong thành phố”. Ở đó, TP Thủ Đức được quyền quyết định một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của TPHCM giao và có sự giám sát chặt chẽ trong quá trình thực thi; xây dựng quy chế về tổ chức bộ máy trong phạm vi thẩm quyền được giao trên cơ sở các quy định mở.

Ngoài các quy định về chế độ, chính sách ưu đãi chung cho cả TPHCM theo Nghị quyết số 54, Nghị định 33, Trung ương cũng cần cho phép TPHCM thực hiện chính sách đãi ngộ đặc thù cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của TP Thủ Đức (nhân hệ số lương, phụ cấp ưu đãi…).

Tin cùng chuyên mục