Phân cấp, phân quyền để TPHCM phát huy vai trò


Từ đầu thập niên 90 của thế kỷ 20 đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã xác lập 4 vùng kinh tế trọng điểm. Đây là chủ trương đúng đắn và có tầm chiến lược. 
Một góc TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Một góc TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Vấn đề tiếp theo là cần nhận diện và xác định rõ những vấn đề mà các địa phương trong vùng cùng quan tâm ở những giai đoạn nhất định, theo nhu cầu của mỗi vùng. Từ đó, Nhà nước kiến tạo các giải pháp để các địa phương trong vùng phát triển.

Vùng kinh tế trọng điểm và những vấn đề đặt ra trong phát triển bền vững luôn được quan tâm bởi các nhà hoạch định chính sách, giới khoa học và lãnh đạo các địa phương. Tầm giải quyết các vấn đề của vùng vượt quá các quy định của địa phương cũng như các khuôn khổ của luật pháp hiện hành. Trên thực tế, nhu cầu phát triển của các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm có sự khác nhau về mức độ ưu tiên, vô hình trung làm cho các quy định mang tính tổng quát chung trở nên thiếu linh hoạt. Đây cũng là đòi hỏi cần có cơ chế mới hay còn gọi là cơ chế đặc thù với những điểm khác biệt so các quy định hiện hành. 

Nhà nước với vai trò kiến tạo đòi hỏi phải nhận diện được yêu cầu từ thực tiễn và điều chỉnh chính sách thích ứng với nhu cầu của các địa phương, thông qua cơ chế phân cấp, phân quyền và nhất là cơ chế tự chủ tài chính.

Sự phân cấp, phân quyền (cho các địa phương trong vùng) là để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, du lịch, quy hoạch hạ tầng giao thông lớn, sân bay, hỗ trợ doanh nghiệp, bảo vệ nguồn nước, môi trường sinh thái, phát triển nguồn nhân lực...

Mặt khác, các địa phương trong vùng có điều kiện tự chủ về tài chính thì Nhà nước hỗ trợ ít nhưng phân quyền nhiều. Ngược lại, vùng nào khó khăn thì Nhà nước hỗ trợ nhiều hơn nhưng phân quyền ít hơn. Các loại thuế trực thu, thuế gián thu và cơ cấu phân chia tỷ lệ phần trăm đối với trung ương, địa phương và vùng cần xác định theo quy định. Cơ chế tài chính có vai trò quan trọng trong cơ chế phân cấp và phân quyền. Sự đòi hỏi cơ chế đặc thù thực chất là phân quyền với tài chính tự chủ hơn cho địa phương. Xem nhẹ yếu tố tự chủ tài chính thì sự phân cấp và phân quyền sẽ bị giới hạn.

Việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương có đủ tiềm lực về tài chính không đe dọa đến sự tập trung quyền lực của Nhà nước mà là cơ hội để phát triển đất nước. Do đó, Nhà nước cần trao nhiều hơn cho các địa phương của vùng kinh tế trọng điểm dưới dạng phân cấp, phân quyền, nhất là về mặt tài chính để các địa phương có đủ nguồn lực và cơ chế giải quyết các nhu cầu cấp bách của địa phương. Ở giai đoạn đầu thì thực hiện phân cấp, phân quyền dưới dạng cơ chế đặc thù để giải quyết các vấn đề cấp thiết ở địa phương. Về dài hạn thì cần hoàn thiện thể chế cả 3 phương diện lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Tin cùng chuyên mục