Phân biệt rõ thẩm quyền huy động hay trưng dụng của cảnh sát cơ động

Cảnh sát cơ động (CSCĐ) chỉ huy động phương tiện dân sự; còn đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam, việc huy động thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Sáng nay, 15-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tiến hành phiên họp thứ 8. Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tại phiên họp này, UBTVQH cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý 2 dự án luật sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 3 tới là dự án Luật Cảnh sát cơ động và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Phân biệt rõ thẩm quyền huy động hay trưng dụng của cảnh sát cơ động ảnh 1 Toàn cảnh phiên họp 

Đối với dự án Luật Cảnh sát cơ động, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các Ủy viên UBTVQH tập trung cho thêm ý kiến về việc tiếp thu, giải trình liên quan đến vị trí, chức năng của cảnh sát cơ động; nhiệm vụ của cảnh sát cơ động, quyền hạn của cảnh sát cơ động; về việc phối hợp giữa cảnh sát cơ động với các cơ quan, tổ chức và lực lượng chức năng có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ của cảnh sát cơ động.

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị UBTVQH tập trung cho ý kiến về một số vấn đề lớn có liên quan đến các điều khoản về giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp; thiết kế bố trí; thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ; các nội dung lớn trong từng nhóm vấn đề như quyền tác giả và quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng được bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; việc sửa đổi, bổ sung một số điều có liên quan đến Luật Hải quan, Luật Khoa học, công nghệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Giá... để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, UBTVQH nghe báo cáo và cho ý kiến về dự án Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ).

Trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới cho biết, một số ý kiến cho rằng, quyền hạn của CSCĐ quy định như trong dự thảo Chính phủ trình là quá rộng, đề nghị quy định cụ thể hơn để tránh chồng chéo với các lực lượng khác; quy định về trình tự, thủ tục thực hiện các quyền này để đảm bảo chặt chẽ, tránh lạm quyền.

“Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi nhiệm vụ, dự thảo Luật chỉ quy định các quyền hạn cần thiết nhằm bảo đảm cho CSCĐ hoàn thành tốt nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất được giao. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh đã rà soát, chỉnh lý điều này như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý để tránh chồng chéo, mâu thuẫn với nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng khác và thuận lợi trong tổ chức thực hiện”, ông Lê Tấn Tới giải thích.

Đáng lưu ý, liên quan ý kiến đề nghị phân biệt rõ việc huy động hay trưng dụng; quy định rõ việc huy động đối với cơ quan, tổ chức thuộc Bộ Quốc phòng quản lý và cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam, cơ quan thẩm tra cho rằng, dự thảo Luật Chính phủ trình quy định mang tính nguyên tắc chung CSCĐ được quyền huy động người, phương tiện trong trường hợp cấp bách. Việc huy động này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản. Trên cơ sở ý kiến ĐBQH, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh đã sửa đổi theo hướng chỉ huy động phương tiện dân sự; còn đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam, việc huy động thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Một số ý kiến đề nghị tại khoản 6 quy định chặt chẽ, cụ thể hơn yêu cầu cung cấp sơ đồ, thiết kế công trình và vào chỗ ở của cơ quan, cá nhân vì liên quan đến quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở đã được hiến định; đồng thời loại trừ trường hợp vào các trụ sở, công trình do Bộ Quốc phòng quản lý.

Phân biệt rõ thẩm quyền huy động hay trưng dụng của cảnh sát cơ động ảnh 2 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp

Tiếp thu ý kiến các vị ĐBQH, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh đã chỉnh lý lại khoản này; đồng thời, để bảo đảm cụ thể, chặt chẽ, rõ ràng, đề nghị UBTVQH cho bổ sung Điều 13 quy định vào trụ sở, nơi ở của cơ quan, tổ chức cá nhân như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.

Tại phiên họp, một số ĐBQH băn khoăn về vai trò chủ trì, phối hợp giữa CSCĐ với các lực lượng khác trong các nhiệm vụ như đảm bảo an ninh, trật tự khu vực biên giới, chủ trì việc cứu hộ, cứu nạn trên biển… và đề nghị rà soát đối chiếu với các quy định của hệ thống pháp luật hiện hành bảo đảm tính thống nhất. Theo cơ quan thẩm tra, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội có nhiều lực lượng cùng tham gia (ở biên giới có lực lượng BĐBP; trên biển có lực lượng CSBVN...) và đã được quy định trong các luật chuyên ngành liên quan (Luật Biên phòng Việt Nam, Luật Cảnh sát biển Việt Nam ...). Dự thảo Luật Chính phủ trình đã quy định những nội dung cơ bản như: phạm vi nhiệm vụ, vai trò của các chủ thể khi phối hợp với CSCĐ; nguyên tắc phối hợp phải trên cơ sở nhiệm vụ, quyền hạn của các chủ thể; quy định cụ thể cơ chế chỉ huy của CSCĐ và giao Chính phủ quy định cụ thể việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ của CSCĐ với các chủ thể liên quan.

Cho ý kiến về dự luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý các cơ quan soạn thảo, thẩm tra cần tiếp tục bám sát NQ 40/2004 của Bộ Chính trị để hoàn thiện dự thảo luật theo hướng tập trung cho nhiệm vụ chống bạo loạn, chống khủng bố. “Nhiệm vụ đã được quy định khá đầy đủ, nhưng cần làm rõ hơn các chức năng chống bạo loạn, chống khủng bố vì đó chính là lý do cần thiết phải ra luật này”, đồng chí Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Người đứng đầu Quốc hội cũng yêu cầu rà soát tính hợp hiến, hợp pháp, đồng bộ của dự thảo luật với pháp luật liên quan, nhất là trong thực hiện các nhiệm vụ vũ trang. Về ngân sách, Chủ tịch Quốc hội giải tỏa băn khoăn của một số ĐBQH khi cho biết, việc sử dụng ngân sách địa phương hỗ trợ cho các lực lượng quân đội, công an trên địa bàn khi có đóng góp vào kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách, khắc phục thiên tai… là không trái với Luật Ngân sách.

Dự thảo Luật CSCĐ dự kiến được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội (tháng 5-2022).

Tin cùng chuyên mục