Phải xem TNGT là thảm họa quốc gia

Vừa xảy ra vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng tại tỉnh Long An, xe đầu kéo tông hàng chục xe máy đang chờ đèn đỏ, khiến nhiều người thương vong. Nhiều bạn đọc Báo SGGP bày tỏ lo ngại, nêu ý kiến về việc cần tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông.

Xử nghiêm những kẻ gián tiếp gây ra tai nạn

TNGT đã cướp đi gần chục ngàn sinh mạng mỗi năm, đem đến nỗi đau thương cho nhiều gia đình và làm thiệt hại kinh tế, tạo gánh nặng cho xã hội. Ủy ban An toàn giao thông từ trung ương đến địa phương đã được thành lập với mục đích tổ chức phòng ngừa TNGT. Nhiều biện pháp xây dựng pháp luật, giảm thiểu hiểm họa TNGT và nâng ý thức của người tham gia giao thông đã được triển khai. Tuy nhiên, trong khi lực lượng tăng, chế tài nặng nhưng số vụ TNGT vẫn còn rất cao.

Vì không đánh giá đúng mức độ tác động, sự ảnh hưởng của TNGT, nên không có giải pháp đúng. Những chủ trương, biện pháp đưa ra mới dừng lại ở ngăn ngừa chứ chưa quyết liệt ngăn chặn TNGT. Điều dễ nhận thấy, lực lượng cảnh sát giao thông là đội quân chủ công để tuyên truyền, giám sát người dân chấp hành luật vẫn chưa làm hết trách nhiệm của mình.

Thay vì hướng dẫn giao thông, giữ trật tự, an toàn giao thông, vẫn còn tình trạng nhiều cảnh sát giao thông chỉ lo việc núp lùm để canh phạt người đi đường. Không ít trường dạy lái xe chạy theo doanh thu, lợi nhuận cắt giảm giờ dạy, thiếu quan tâm đến đạo đức lái xe. Một số tài xế vì áp lực của chủ doanh nghiệp, đã tăng tốc, tăng ca, dùng chất khích thích khi lái xe nên biến thành hung thần xa lộ, gây TNGT. Để ngăn chặn hiểm họa TNGT, thì các biện pháp chế tài, phạt nặng lái xe là chưa đủ, mà cần xử lý nghiêm những đối tượng có liên quan, gián tiếp gây ra tai nạn.

Cần phải xem TNGT là thảm họa quốc gia, có nhận định, đánh giá đúng vấn đề mới đưa ra giải pháp xử lý thích hợp, đúng liều lượng.

                                                                        NGUYỄN HIỀN (quận Thủ Đức, TPHCM)

Tuân thủ nghiêm quy định về thời gian cầm lái trong ngày

Đã xảy ra những vụ TNGT khủng khiếp do tài xế điều khiển xe khi thiếu ngủ hay đã uống rượu bia, dùng ma túy, nên không làm chủ được tay lái và đã tông thẳng vào những người tham gia giao thông. Một người quen của tôi từng là lái xe chở hành khách đường dài tuyến Quảng Ngãi - TPHCM cho biết, tài xế làm công ăn lương, chạy xe chở khách cho chủ, có khi trong một tháng phải liên tục chạy hàng chục chuyến, nên tài xế thiếu ngủ và rất dễ rơi vào trạng thái buồn ngủ, một khi cơn buồn ngủ ập đến thì tài xế khó cưỡng lại được.

Phải xem TNGT là thảm họa quốc gia ảnh 1 Hiểm họa tai nạn giao thông vẫn rình rập trên đường. Ảnh: VÕ MINH HUY
Nhiều tài xế lái xe đường dài thường chống chọi với cơn buồn ngủ ập đến bằng cách uống cà phê thật đậm đặc, sử dụng các loại thuốc chống buồn ngủ, hoặc uống những loại nước tăng lực để tỉnh táo khi cầm vô lăng. Ban đêm, bên cạnh tài xế cũng có một hai lái phụ thường ngồi phía trước cạnh tài xế để lái thay hoặc giúp tài xế giải tỏa áp lực căng thẳng khi cầm vô lăng cũng như giải thoát cơn buồn ngủ. Thế nhưng thực tế cũng đã xảy ra những vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng do tài xế không đủ tỉnh táo, chạy xe quá sức trong ngày.

Theo quy định hiện hành, có giới hạn thời gian chạy xe trong ngày đối với tài xế chạy xe đường dài. Thế nhưng trong thực tế cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông đang làm nhiệm vụ cũng rất khó xử phạt vi phạm hành chính hoặc rất khó để kiểm soát mỗi ngày người tài xế đó đã chạy bao nhiêu giờ hoặc bao nhiêu cây số để đảm bảo những quy định pháp luật được thực thi trên thực tế. Không thể ngụy biện cho hành vi vi phạm pháp luật, càng không thể ngụy biện cho hành vi gây ra những vụ TNGT kinh hoàng, cướp đi sinh mạng của hàng chục người do tài xế đã lái xe trong tình trạng thiếu tỉnh táo là do áp lực mưu sinh. Bản thân mỗi người tài xế cần tâm niệm và tuân thủ nghiêm những quy định của luật pháp về thời gian cầm lái trong ngày. Một khi đã chạy xe liên tục trong ngày thì cần phải có thời gian nghỉ ngơi hợp lý để tái tạo năng lượng cũng như lấy lại sức khỏe, sự minh mẫn để tiếp tục hành trình an toàn.

                                                                               NGUYỄN ĐƯỚC (quận 5, TPHCM)

Đừng liều mạng với tử thần

TNGT vẫn là hiểm họa rình rập trên đường hàng ngày, do vậy chúng ta đừng đợi đến lúc xảy ra TNGT rồi mới hối tiếc vì sự chủ quan của mình. Khi tham gia điều khiển các phương tiện giao thông, chúng ta vô tình và đôi khi cố tình phớt lờ những quy định.

Trên đường có những cái chết, thương tật bất thình lình có không ít nguyên nhân từ các vụ TNGT khi xe máy cố ý đi vào làn đường ô tô. Trên nhiều tuyến đường, không khó để thấy hình ảnh giữa thời điểm xe cộ lưu thông đông đúc, một người điển khiển xe máy chạy luồn lách vào giữa làn ô tô. Chỉ vì muốn chạy cho nhanh mà họ chấp nhận liều mạng với tử thần. Rất nhiều vụ TNGT do xe máy đi sai đường, lấn làn ô tô.

Lâu nay, nhiều người trong số chúng ta vẫn giữ tư duy “xe bé ăn vạ xe lớn”. Tư duy ấy đã quá cũ kỹ. Cách đây không lâu, tôi từng chứng kiến một vụ va chạm trên đường Điện Biên Phủ (quận 3, TPHCM). Người thanh niên chạy xe máy, chở theo hàng hóa cồng kềnh phía sau. Không biết lô hàng ấy có giá trị bao nhiêu nhưng anh sẵn sàng bất chấp tính mạng của mình khi chạy lấn sang làn đường ô tô. Chiếc xe của anh ngã đổ xuống đường, va quẹt vào chiếc ô tô phía trước. Chiếc ô tô phía sau kịp thắng lại trước khi va vào người thanh niên. Ở đoạn đường một chiều, vụ va chạm dẫn đến ùn tắc, làm nhiều người hốt hoảng. Vài tiếng chửi thề lại phát ra từ chính anh - người đã phạm luật một cách rõ ràng nhất. Rất may là vụ tai nạn ấy không có thiệt hại về người.

Vào giờ cao điểm, hình ảnh xe máy chạy lấn sang làn đường dành cho ô tô nhiều vô kể. Nhiều người trong số chúng ta dễ dàng bao dung, bỏ qua cho lý do vi phạm giao thông vì kẹt xe, gấp gáp vì trễ hẹn, vội vã đón con..., mà quên đi hiểm họa TNGT có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đáng nói hơn là có trường hợp các xe máy đi hiên ngang trên làn dành cho ô tô, trong khi đường dành cho xe máy rất ít phương tiện đang lưu thông.

Những năm gần đây, tại TPHCM, nhiều tuyến đường không phân làn xe, như vậy không đảm bảo an toàn. Sẽ dễ xảy ra các vụ xe máy bị ô tô tông khi lưu thông chung làn đường với ô tô. Luật Giao thông đường bộ 2008 và Nghị định 46/2016/NĐ-CP đều có quy định xử phạt đối với hành vi đi không đúng làn đường.

                                                                THỤC QUYÊN (tranthucquyen33@gmail.com)

Tin cùng chuyên mục