Phải mạnh dạn thay đổi

Thời gian gần đây, số lượng công trình xây dựng bằng nguồn vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường đã phổ biến dần ở TPHCM. 

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong việc sử dụng vật liệu xây dựng “xanh” tại TPHCM là do thói quen sử dụng sắt, bê tông cốt thép của người dân theo kiểu “ăn chắc, mặc bền”. Vì vậy, nhiều người vẫn e dè khi sử dụng các sản phẩm mới. Còn các doanh nghiệp thì hạn chế về công nghệ, vốn và kinh nghiệm sản xuất nên những sản phẩm mới, thân thiện với môi trường chiếm tỷ lệ thấp.

Để hỗ trợ người có thu nhập thấp có thể mua nhà ở xã hội (NƠXH), trong năm nay, Sở Xây dựng TPHCM cho biết sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư đối với 4 dự án được đầu tư bằng vốn ngoài ngân sách, quy mô 3.347 căn hộ; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng 6 dự án NƠXH thuộc quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại đã hoàn tất bồi thường và đã có hạ tầng kỹ thuật, quy mô 5.946 căn hộ. Đây là các dự án sử dụng vốn của doanh nghiệp để bồi thường và đầu tư xây dựng. 

Theo Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nếu áp dụng đồng bộ từ gạch không nung - gạch siêu nhẹ cho đến sơn vào chương trình xây dựng NƠXH, cộng với những ưu đãi của Nhà nước về tiền sử dụng đất, lãi vay…, giá thành sẽ giảm 50% so với giá nhà ở thương mại. Thế nhưng, để làm được việc này đòi hỏi phải có sự nỗ lực từ nhiều phía. Trước hết, Nhà nước phải có cơ chế khuyến khích sử dụng vật liệu xây dựng mới thân thiện với môi trường, áp dụng cho cả nhà đầu tư và người mua nhà. Đồng thời phải có cơ chế khuyến khích nghiên cứu, sản xuất vật liệu xây dựng mới. Và cuối cùng, doanh nghiệp và người dân phải mạnh dạn thay đổi để có các công trình xây dựng phù hợp hơn.

Tin cùng chuyên mục