Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ:

Phải khắc phục hai khuynh hướng: bảo thủ và đổ thừa cho cơ chế

Ngày 13-7, trong khuôn khổ phiên họp thứ 58, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm 2021-2025, kế hoạch vay, trả nợ công 2021-2025; kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025. Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV cũng được UBTVQH xem xét, cho ý kiến.

Chấm dứt tình trạng sai không sửa

Cơ bản đồng tình với các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, song các Ủy viên UBTVQH đề nghị cần đánh giá sát và nổi bật hơn nữa kết quả, thành tựu 5 năm qua.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định: “Cần đánh giá đúng, làm nổi bật thành tựu của 4 năm nhiệm kỳ khóa XIV cũng như sự “vượt khó” của năm 2020. Báo cáo cũng cần làm rõ thêm những vướng mắc, khó khăn khi vận hành cơ chế mới của đầu tư công. Thực tế cho thấy, 5 năm qua cơ bản khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp. Sau khi sửa Luật Đầu tư công kết hợp sự điều hành, tỷ lệ giải ngân năm 2020 rất cao, đạt gần 98%”.

Tập trung phân tích về kế hoạch tài chính, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, nhìn chung, cơ cấu thu tích cực, thể hiện qua tỷ trọng thu nội địa cao (như Hà Nội đạt 93%). Cơ cấu chi đã giảm mạnh chi thường xuyên nhưng chưa đồng đều ở các địa phương.

Kết quả rà soát luật, nghị định, thông tư hướng dẫn cho thấy còn nhiều vấn đề cũng như cần khắc phục 2 khuynh hướng. Một là bảo thủ, sai không sửa. Hai là đổ thừa cho cơ chế. Chủ tịch Quốc hội nhận định: “Tôi thấy khuynh hướng thứ hai dường như đang nổi lên rất mạnh. Đừng cái gì cũng đổ thừa cho cơ chế. Cơ chế bao gồm luật, nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn. Cấp nào phải có trách nhiệm rà soát để sửa? Vướng chỗ nào, phải chỉ ra, xác định rõ sửa cái gì, sửa như thế nào…, không phải chỉ nêu ra rồi đổ thừa cơ chế. Ví dụ, tại sao đầu tư công năm ngoái giải ngân đạt tỷ lệ 98%, trong khi trước đó đều đạt thấp?”.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị đánh giá lại kết quả thực hiện các nghị quyết về cơ chế đặc thù cho một số địa phương, tránh tình trạng chỉ đề nghị chính sách chi mà không chú ý tới chính sách thu, không tạo nguồn lực để phát triển và hiện thực hóa chính sách. Đồng thời, đề nghị tính toán lại khả năng trả nợ của địa phương. Về tỷ lệ điều tiết, Chủ tịch Quốc hội nhất trí sẽ trình Quốc hội xem xét vào tháng 10 cùng với kế hoạch năm 2022 và giai đoạn 2022-2025, nhưng lưu ý bám sát Luật Ngân sách nhà nước.

Nâng cao hiệu quả phòng chống dịch

Theo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, cử tri và nhân dân cảm nhận sâu sắc thời gian qua Đảng, Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, nỗ lực thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch Covid-19; triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm ổn định đời sống nhân dân. Cử tri và nhân dân mong muốn Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường, nâng cao hiệu quả các biện pháp phòng chống tình trạng lây lan dịch Covid-19 trong cộng đồng. Đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa việc nghiên cứu, phát triển, sản xuất vaccine Covid-19 trong nước; khẩn trương triển khai chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 toàn dân, phấn đấu đạt mục tiêu cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022 có thể đạt miễn dịch cộng đồng, góp phần khôi phục sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống nhân dân. Qua đó mong muốn Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương thực hiện gói 26.000 tỷ đồng hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Góp ý về báo cáo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị đánh giá toàn diện, đúng mức nỗ lực của toàn hệ thống chính trị trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Về tình hình kinh tế - xã hội, báo cáo không nêu dàn trải mà nên tập trung làm rõ những mong muốn, kỳ vọng của người dân vào kế hoạch 5 năm tới, đảm bảo chiến lược phát triển lâu dài, phồn vinh; những đề xuất về hoàn thiện thể chế pháp luật.
Cùng quan điểm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, báo cáo cần tập hợp đầy đủ, chắt lọc thông tin từ nhiều nguồn. Cần phân loại, hệ thống lại với định lượng rõ ràng, đâu là ý kiến của hầu hết cử tri và nhân dân, đâu là quan điểm của đa số, của một bộ phận hay ý kiến riêng lẻ để đảm bảo tính khách quan, chính xác.

Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội 5 năm tới

- Tổng thu ngân sách giai đoạn 2021-2025 khoảng 8,3 triệu tỷ đồng, gấp khoảng 1,2 lần giai đoạn 2016-2020.

- Tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước bình quân khoảng 16%, trong đó từ thuế phí khoảng 13,4%.

- Tổng chi giai đoạn 2021-2025 là 10,26 triệu tỷ đồng, trong đó chi đầu tư phát triển 2,87 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 28%; chi thường xuyên khoảng 6,4 triệu tỷ đồng, phấn đấu chiếm khoảng 60% tổng chi; bội chi bình quân là 3,7% GDP.

- Trần nợ công không quá 60%, nợ Chính phủ không quá 50% GDP, nợ nước ngoài quốc gia khoảng 45%.

Tin cùng chuyên mục