Phải học và có tư duy tạo đột phá

Không chỉ bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, các địa phương, đơn vị còn chủ động xác định, thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức để thích ứng được và có năng lực giải quyết các vấn đề thực tiễn của địa phương, của TPHCM. 

Chuẩn hóa cán bộ, công chức

Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ TPHCM xác định nhiệm vụ nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện của Đảng bộ ngang tầm với nhiệm vụ và đòi hỏi của Đảng, nhân dân TPHCM là một nhiệm vụ quan trọng, tiếp tục được quan tâm thực hiện trong giai đoạn 2020-2025.

Trên thực tế, nâng chất lượng nguồn nhân lực đã được TPHCM và các địa phương, đơn vị quan tâm thực hiện trong thời gian qua, nhưng kết quả đạt được còn hạn chế. Chẳng hạn, qua chương trình nâng chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2015-2020, quận 7 có 99,5% cán bộ chủ chốt diện Ban Thường vụ Quận ủy quản lý có trình độ đại học trở lên; 73,3% có trình độ cao cấp, cử nhân chính trị… Dù vậy, một số trường hợp vẫn chưa đạt chuẩn theo chức danh và đề án vị trí việc làm (về chuyên môn, tin học, ngoại ngữ…).

Thế nên, quận 7 tiếp tục xây dựng chương trình để chuẩn hóa trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị; đồng thời đặt ra yêu cầu đội ngũ cán bộ, công chức phải có năng lực tổ chức thực hiện và giải quyết tốt các vấn đề thực tiễn đặt ra đối với sự phát triển của quận và TPHCM.

“Chuẩn hóa” cũng là nội dung được nhiều địa phương tập trung thực hiện để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đảm bảo tiêu chuẩn, tâm huyết và có năng lực. Ngay sau đại hội Đảng các cấp, các địa phương, đơn vị đã rà soát tiêu chuẩn chức danh của cán bộ chủ chốt các cấp của địa phương, đơn vị. Các trường hợp thiếu bằng cấp, chứng chỉ hoặc bằng cấp, chứng chỉ chưa phù hợp được lên kế hoạch tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển để cán bộ đạt chuẩn hoặc tiệm cận với chuẩn quy hoạch.

Phải học và có tư duy tạo đột phá ảnh 1 Học viện Cán bộ TPHCM tổ chức thi nâng ngạch công chức, viên chức của TPHCM trên địa bàn. Ảnh: NGỌC THẢO

Bí thư Quận ủy quận Bình Tân Lê Văn Thinh nhìn nhận, về tổng thể, số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của quận hiện chưa ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Theo đó, ý thức trách nhiệm với công việc, nhất là ý thức phục vụ nhân dân, doanh nghiệp chưa cao. Một số cán bộ có trình độ chuyên môn, năng lực còn yếu, đặc biệt trong lĩnh vực quy hoạch, quản lý đô thị, môi trường, kinh tế, tài chính, máy tính, công nghệ thông tin… Vì vậy, quận xây dựng đề án nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ giai đoạn 2020-2025.

Trong đó, đến năm 2022, 100% cán bộ chủ chốt của quận, phường và 100% cán bộ quy hoạch các chức danh chủ chốt đều đạt trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và trình độ lý luận chính trị… 

“Mục tiêu đặt ra nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu luôn đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và thực sự tiên phong, gương mẫu. Điều này sẽ góp phần quan trọng để đáp ứng yêu cầu xây dựng quận trở thành đô thị thông minh, phát triển nhanh, bền vững, hiện đại và nghĩa tình”, đồng chí Lê Văn Thinh chia sẻ.

Trang bị ngoại ngữ, thay đổi tư duy

Bên cạnh việc rà soát, đào tạo để “chuẩn hóa”, các địa phương xây dựng chương trình, thực hiện giải pháp cụ thể nhằm nâng “chất” đội ngũ cán bộ, đảng viên để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống. Chẳng hạn dù là vùng ngoại thành với nhiều hạn chế, khó khăn, nhưng Đảng bộ huyện Cần Giờ vẫn xác định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hệ thống chính trị huyện là một chương trình trọng điểm. Lãnh đạo huyện Cần Giờ đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu đến năm 2025, 100% cán bộ lãnh đạo cấp phòng và tương đương phải giao tiếp được bằng tiếng Anh.

Trong khi đó, UBND quận 3 đã phê duyệt và thực hiện đề án nâng cao trình độ ngoại ngữ cho cán bộ, công chức quận giai đoạn 2020-2025, nhằm cụ thể hóa nghị quyết Đảng bộ quận.

Theo đó, cán bộ các cơ quan nhà nước của quận; công chức trong các cơ quan Đảng, nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội của quận; công chức trong bộ máy lãnh đạo quản lý đơn vị sự nghiệp công lập... dưới 40 tuổi sẽ được ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ. Quận đặt mục tiêu đến năm 2025 có 35% cán bộ, công chức cấp quận, công chức diện quy hoạch chức danh lãnh đạo, quản lý cấp quận đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4 (B2).

Cùng với đó, 25% cán bộ, công chức phường và 20% cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý cấp phường, công chức diện quy hoạch chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phường đạt trình độ ngoại ngữ bậc 3 (B1) trở lên. Ước tính, tổng kinh phí thực hiện đề án từ nay đến năm 2025 là gần 2,8 tỷ đồng.

Nâng cao trình độ ngoại ngữ cho cán bộ, công chức là nhiệm vụ phù hợp với thời đại, xu hướng phát triển, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển. Đặc biệt, không ít địa phương chủ động triển khai các giải pháp, chương trình cụ thể để tạo điều kiện thúc đẩy đổi mới, phát huy năng lực công tác và kỹ năng sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức.

Chẳng hạn, bên cạnh các chương trình “cứng”, quận 12 tổ chức nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ bằng việc tổ chức các lớp tập huấn, chương trình đào tạo gắn với nhu cầu thực tiễn của quận. Nổi bật là lớp tập huấn (căn bản và chuyên sâu) cho cán bộ lãnh đạo của quận về tư duy đột phá.

Chủ tịch UBND quận 12 Lê Trương Hải Hiếu chia sẻ thêm, quận cũng chú trọng xây dựng ý thức, tác phong làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả của đội ngũ cán bộ, công chức ở quận, như thực hiện chương trình quản lý chất lượng theo mô hình 5S (sàng lọc - sắp xếp - sạch sẽ - săn sóc - sẵn sàng). Những giải pháp nêu trên nhằm hướng đến đảm bảo giải quyết tốt hơn yêu cầu của tổ chức, cá nhân trên địa bàn; cũng như khuyến khích có giải pháp, đề xuất tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của quận.

Tin cùng chuyên mục