Phải giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ sức khỏe người dân

Thời gian vừa qua, TPHCM thường xuất hiện lượng sương mù dày đặc bao phủ từ sáng sớm đến tận trưa. Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, do không khí bị ô nhiễm nên xảy ra hiện tượng mù khô. Các chuyên gia đã cảnh báo, nếu tình trạng này tiếp tục tiếp diễn sẽ gây ra những tác động nhất định đến sức khỏe của người dân thành phố. 
Giảm phương tiện cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ giảm ô nhiễm không khí. Ảnh: THÀNH TRÍ
Giảm phương tiện cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ giảm ô nhiễm không khí. Ảnh: THÀNH TRÍ
Dễ phát sinh nhiều bệnh
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường TPHCM, ô nhiễm chất lượng không khí trên địa bàn thành phố chủ yếu do bụi lơ lửng và mức ồn do hoạt động giao thông gây ra. Với số lượng xe gắn máy trên 8 triệu chiếc và hơn 800.000 ô tô các loại ở TPHCM, hiện mỗi ngày thải ra lượng khói, bụi rất lớn. Những khu vực có mức độ ô nhiễm cao thường đi kèm với mật độ giao thông đông đúc như ngã tư An Sương, khu vực ra vào cảng Cát Lái, đường Cộng Hòa, đường Trường Chinh, đường Nguyễn Hữu Thọ, ngã sáu Gò Vấp, Hàng Xanh, vòng xoay Phú Lâm…
PGS-TS Hồ Quốc Bằng, Trưởng phòng Quản lý ô nhiễm và biến đổi khí hậu (Viện Môi trường và Tài nguyên - Đại học Quốc gia TPHCM) cho biết thêm, nguồn gây ô nhiễm không khí ở TPHCM bao gồm các hoạt động giao thông (chiếm 45%), hoạt động sản xuất công nghiệp (khoảng 20%) và các nguồn thải khác. Trong đó, hoạt động giao thông phát thải gần 85% lượng khí carbon monocid (CO) có khả năng gây nhiễm độc cấp và nhiều chất độc hại khác. Tại các công trình xây dựng, mức độ ô nhiễm không khí cao gấp 5 - 6 lần quy chuẩn. Không chỉ gây khói, bụi độc hại, các hoạt động này còn phát sinh tiếng ồn làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm không khí. Hàng ngày, con người luôn phải hít phải các loại khí độc như hạt bụi thô (PM10), hạt bụi mịn (PM2.5), CO2, CO, SO2, NOx. 
Trên thực tế, nhiều nghiên cứu của các tổ chức môi trường trong và ngoài nước cho thấy, ô nhiễm không khí có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người, đặc biệt đối với đường hô hấp. Khi môi trường không khí bị ô nhiễm, sức khỏe con người bị suy giảm, quá trình lão hóa trong cơ thể bị thúc đẩy, chức năng phổi bị suy giảm, viêm mũi, viêm họng, viêm phế quản, tim mạch và giảm tuổi thọ con người. Các nhóm cộng đồng nhạy cảm nhất với ô nhiễm không khí là người cao tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 5 tuổi, người đang mang bệnh phổi và tim mạch, người thường xuyên làm việc ngoài trời. Nghiên cứu của Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TPHCM) tại khu vực quận 5 cho thấy, số người bị ảnh hưởng sức khỏe do hạt bụi PM10 là 5 người/năm (trên tổng số dân 194.228 người), chiếm tỷ lệ 0,0025%/tổng số dân của quận 5. 
Tập trung giảm thiểu ô nhiễm không khí
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí và cải thiện chất lượng không khí ở TPHCM, theo các chuyên gia môi trường, cần phải xác định tất cả nguồn ô nhiễm gây ra bởi con người như sản xuất công nghiệp, đốt rác thải, hoạt động xây dựng, nhà ở, giao thông và cần lên kế hoạch hành động giúp nhanh chóng giảm bớt các nguồn ô nhiễm này. Trước hết, cộng đồng cần được thông tin một cách có hệ thống, toàn diện về chất lượng không khí ở khu vực mình sinh sống.
Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cho biết đã có kế hoạch công khai thông tin quan trắc chất lượng không khí cho người dân trên 48 biển giao thông. Hành động này nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về múc độ ô nhiễm không khí; đồng thời, giám sát tính hiệu quả của công tác quản lý chất lượng không khí ở TPHCM.
Điều đáng ghi nhận là người dân rất hưởng ứng và đồng thuận với giải pháp này. Trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn thành phố triển khai nhiều biện pháp để giảm thiểu ô nhiễm không khí từ lĩnh vực giao thông.
Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc lập dự án thu phí ô tô lưu thông vào trung tâm thành phố với mức phí đủ tác động để giảm số lượng phương tiện lưu thông vào khu vực trung tâm thành phố. Song song đó, tăng cường rà soát, kiểm tra chặt chẽ việc sử dụng xe công theo quy định; kiên quyết xử lý, thu hồi các xe sử dụng không đúng quy định. Đặc biệt, thành phố sẽ sớm hoàn thành tuyến buýt nhanh BRT số 1 chạy bằng nhiên liệu sạch. 
PGS-TS Hồ Quốc Bằng nhấn mạnh thêm, thành phố cũng đặt ra mục tiêu tới năm 2020, có 90% doanh nghiệp công nghiệp gây ô nhiễm phải lắp đặt hệ thống xử lý khí thải và đảm bảo lượng khí thải phải được xử lý đạt tiêu chuẩn quy định trước khi thải ra môi trường. Kế hoạch này cũng đặt ra mục tiêu giảm 70% ô nhiễm không khí vào cùng thời điểm.
Và để thực hiện được mục tiêu này, thành phố cần phải đẩy mạnh việc kiểm tra khí thải các loại của phương tiện giao thông, loại bỏ xe gây ô nhiễm, kiểm tra nguồn khí thải từ các nhà máy phát sinh khí thải với lưu lượng lớn, giảm kẹt xe...
Còn về lâu dài, thành phố cần quy hoạch và phân vùng xả khí thải phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. TPHCM là nơi tập trung mật độ công nghiệp rất cao, vì vậy cần sớm triển khai áp dụng định mức xả khí thải của từng nhà máy lớn. Đồng thời, giảm xe cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch và cần có thêm những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng không khí và nâng cao tiêu chuẩn về chất lượng không khí.

Tin cùng chuyên mục