Phải giải ngân hết 700.000 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư công

Thủ tướng cũng lưu ý Bộ Tài chính cần tính toán cụ thể và có phương án xử lý nguồn bảo đảm cân đối ngân sách; đảm bảo kinh phí cho việc chữa trị bệnh Covid-19; nguồn cho an sinh xã hội, trong đó cũng cần nói rõ mức tiết kiệm chi tiêu.
Thủ tướng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Chiều 8-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ chuẩn bị hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội; đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19, dự kiến diễn ra vào ngày 10-4.

Theo Thủ tướng, chưa bao giờ các quốc gia trên thế giới đồng loạt thực hiện các biện pháp để kích thích kinh tế, nỗ lực vượt qua suy thoái như hiện nay. Trong nước, dù đà phát triển của năm 2019 rất tốt, nhưng suy thoái toàn cầu như vừa qua khiến kinh tế nước ta chỉ tăng trưởng 3,82% - thấp nhất trong 10 năm qua. Nhiều doanh nghiệp phá sản, nhiều ngành hoạt động cầm chừng và nguy hiểm hơn nếu dịch bệnh kéo dài. Vì thế, các báo cáo sẽ phải nêu lên được các giải pháp khả thi, phải thổi luồng gió mới trong cuộc sống, để khởi động thời kỳ khắc phục vươn lên mạnh mẽ, Việt Nam là điểm đến an toàn về du lịch và đầu tư.

Thủ tướng cũng lưu ý Bộ Tài chính cần tính toán cụ thể và có phương án xử lý nguồn bảo đảm cân đối ngân sách; đảm bảo kinh phí cho việc chữa trị bệnh Covid-19; nguồn cho an sinh xã hội, trong đó cũng cần nói rõ mức tiết kiệm chi tiêu.

Đối với lĩnh vực đầu tư công, Thủ tướng nêu rõ, phải có chế tài mạnh để giải ngân cho hết gần 700.000 tỷ đồng (tương đương 30 tỷ USD). Toàn quốc, các cấp, ngành phải giải ngân hết số vốn còn lại của vốn kế hoạch năm 2019 và năm 2020; phải nhận thức vấn đề này với trách nhiệm rất lớn, là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặt ra đối với chính quyền các cấp, các bộ ngành, các cơ quan Trung ương; phải có chế tài đặt ra là cơ quan nào, bộ ngành nào, địa phương nào làm chậm thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, phải trực tiếp kiểm điểm. Nếu không hoàn thành, hoặc đến tháng 9 không giải ngân được thì sẽ điều chuyển vốn sang đơn vị khác.

Đối với Ngân hàng Nhà nước, Thủ tướng chỉ đạo, không để doanh nghiệp thiếu vốn tín dụng, không bắt doanh nghiệp trả nợ trong lúc khó khăn, tạo mọi thuận lợi để doanh nghiệp tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh bằng dễ tiếp cận vốn với lãi suất. Ngân hàng Nhà nước cần tính toán giảm lãi suất cho vay đối với cả khoản vay cũ và mới; cân nhắc mức lợi nhuận trong năm nay ở mức hợp lý để thực hiện tinh thần ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp để doanh nghiệp sống được và ngân hàng cũng sống được. Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước cam kết điều hành linh hoạt tỷ giá, kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô.

Thủ tướng nhắc tới việc giá thịt heo còn tăng cao so với giá thành sản xuất là điều khó chấp nhận. Giá cao là do tư thương, giết mổ, trung gian mua bán chứ không phải do người nông dân, vì vậy phải đẩy mạnh sản xuất, quản lý tốt thị trường.

Nhấn mạnh vấn đề cấp bách đặt ra hiện nay là tăng trưởng, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải nỗ lực, có cơ chế, giải pháp thúc đẩy ngành, lĩnh vực phục hồi sau dịch; cần thường xuyên kiểm điểm việc triển khai các nhiệm vụ đề ra. Trong đó, các địa phương phải nỗ lực thực hiện các mục tiêu đề ra, nhất là các trung tâm kinh tế lớn là Hà Nội, TPHCM... Cùng với đó là thúc đẩy các thành phần kinh tế năng động, sáng tạo, vượt qua khó khăn; tạo mọi thuận lợi cho các thành phần kinh tế, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, trong đó có việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến.

Tin cùng chuyên mục