Phải đầu tư đồng bộ kinh tế, xã hội, văn hóa

Công tác kiện toàn nhân sự cấp cao của bộ máy nhà nước sắp hoàn thiện. Nhiều đại biểu Quốc hội kỳ vọng nhiệm kỳ mới sẽ tiếp tục có nhiều thành tựu. Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM), Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, trao đổi với phóng viên Báo SGGP xung quanh vấn đề này.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM), Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM), Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM


PHÓNG VIÊN: Ông mong nhiệm kỳ mới Quốc hội, Chính phủ sẽ khắc phục những hạn chế nào?

Ông TRẦN HOÀNG NGÂN: Chúng ta đã đi từ một quốc gia xếp hạng 175/190 các nước nghèo trên thế giới, từ những năm 1990 chỉ đạt 100 USD/người nhưng hiện nay là 3.500 USD/người và đứng hạng 121. Quy mô kinh tế đến nay đã đạt 343 tỷ USD, đứng hạng 37 thế giới. Chúng ta cũng có quá nhiều bài học kinh nghiệm, từ lạm phát 23% năm 2008 đến 18% năm 2011 và kiểm soát lạm phát 5 năm qua dưới 4%. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nói, đó là thành quả kết tinh của 35 năm đổi mới. Nhiệm kỳ tới, tôi cho rằng, nếu chúng ta cứ giữ con đường thành công đó để phát huy, tiếp nối sẽ đạt thành công. Điều đó cần sự điều hành quyết liệt của những người đứng đầu, cần hành động hơn nữa, khát vọng hơn nữa.

Tôi mong nhiệm kỳ tới chúng ta sẽ đầu tư hơn cho nhiệm vụ lập pháp. Một luật mà chồng chéo, đan xen, không đồng bộ với nhau sẽ tốn rất nhiều chi phí, thời gian, tài chính. Một dự án đang triển khai bị vướng có thể đội vốn lên hàng trăm ngàn tỷ đồng. Chi phí làm luật hiện nay ít, do đó phải đầu tư tương thích để huy động được lực lượng chuyên gia, các nhà khoa học, lắng nghe ý kiến của thực tiễn để đưa vào luật, để luật khi ra đời đi vào thực tiễn cuộc sống một cách đồng bộ.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nhìn ra 8 tồn tại; báo cáo của Chính phủ cũng nhìn ra 5 lĩnh vực tồn tại, nhất là tồn tại về tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn dở dang; chậm xử lý 12 siêu dự án thua lỗ; chuyển đổi số, hiệu quả quản lý nhà nước “đâu đó vẫn còn tình trạng chậm”, chưa hiệu quả…

Chúng ta đặt mục tiêu trong giai đoạn tới rất cụ thể. Đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển sẽ phấn đấu vượt qua mức thu nhập trung bình; đến năm 2030 nằm trong các nước có thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 là nước phát triển có thu nhập cao, khoảng 12.500 USD/người. Tuy nhiên, 25 năm tới thế giới mức thu nhập cao sẽ khác. Do đó, đòi hỏi chúng ta phải tăng tốc, sớm khắc phục các khuyết tật, tồn tại của mình.

Theo ông, nhiệm kỳ tới cần phải ưu tiên ngay những lĩnh vực nào?

Tôi cho rằng, cái gì mà chúng ta tập trung làm ngay được thì cần làm ngay, cụ thể như vấn đề đang rất vướng hiện nay ở các tỉnh thành là quy hoạch. Trước đây, chúng ta xây dựng quy hoạch với nhiều khát vọng, mong muốn nhưng do suy thoái kinh tế, do dịch Covid-19 nên mong muốn khác với khả năng thực hiện, từ đó dẫn đến độ vênh giữa mong muốn và thực tiễn, dẫn đến quy hoạch treo. Chưa kể, chúng ta giao dự án quá nhiều cho các chủ đầu tư mà nhiều chủ đầu tư không có năng lực, dẫn đến nhiều dự án treo 20-25 năm. Khi dự án treo đất đai lãng phí, để hoang hóa, ô nhiễm môi trường còn dân thì bức xúc. Khiếu kiện nhiều nhất hiện nay chính là chỗ đó nên chúng ta rất cần thành lập một đội tác chiến để “dẹp loạn” vụ này. Chúng ta cần tiến hành thu hồi nhanh các dự án treo, thực hiện đấu thầu giao lại dự án cho các nhà đầu tư khác, Nhà nước sẽ  thu được một khoản rất lớn, tạo điều kiện để đền bù, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ nhân dân. Hay những quy hoạch trước đây là đất nông nghiệp nay đã đô thị hóa, đất nông nghiệp nhưng không thể trồng trọt, không có nước, thủy lợi, làm ô nhiễm môi trường phải cho dân chuyển mục đích sử dụng. Lúc đó, Nhà nước sẽ thu được tiền thuế. Hiện nay nguồn tài sản này rất lớn nên chúng ta phải làm ngay.

Bên cạnh đó, rất nhiều tài sản công đang để lãng phí. Nếu xử lý những vấn đề này chúng ta có nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Tôi lấy ví dụ vấn đề giá đất đang sốt hiện nay. Chúng ta để sốt đất là điều nguy hiểm. Nếu để giá đất tiếp tục sốt sẽ phá vỡ hết quy hoạch. Chúng ta đã quy hoạch giao thông, cầu đường, nếu sốt đất thì giá đền bù bị đội lên, tăng tổng mức đầu tư và phải làm lại quy trình sẽ rất lãng phí, mất thời gian.

Rất nhiều đại biểu cho rằng, chúng ta đã quá tập trung vào phát triển kinh tế mà chưa chú trọng đúng mức đến giáo dục đạo đức, đặc biệt là cho thế hệ trẻ?

Trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã thể hiện rõ mong muốn Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao. Cách đây 25 năm, quy mô GDP Việt Nam chỉ có 26 tỷ USD, 25 năm sau tăng 13 lần. Nếu 25 năm nữa chúng ta cũng tăng 13 lần hoặc chỉ cần tăng được một nửa thì mọi việc cũng rất khác. Đất nước đã có sự thay đổi lớn, với rất nhiều thành tựu nổi bật, thế giới ca ngợi như một điểm sáng. Do đó, vấn đề còn lại là chúng ta chuyển điều đó thành năng lượng, thành động lực để Việt Nam sớm đạt mục tiêu, đòi hỏi quá trình triển khai các đột phá chiến lược phải mạnh mẽ.

Tôi cho rằng, yếu tố quan trọng nhất hiện nay là giáo dục, văn hóa, y tế. Đây là 3 yếu tố rất quan trọng. Chúng ta muốn giải quyết vấn đề chống tham nhũng phải giáo dục nhân cách, mà như thế phải giáo dục từ nhỏ. Chúng ta muốn có một đội ngũ dấn thân vì đất nước, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc thì phải giáo dục trong suy nghĩ từ bé cho các cháu. Muốn đấu tranh với các tệ nạn xã hội, vấn nạn văn hóa, những mặt trái của kinh tế thị trường phải đầu tư cho văn hóa. Nếu không có những tác phẩm văn học nghệ thuật tầm vóc, thiếu những thước phim lịch sử đúng tầm thì không thể truyền lửa khát vọng phát triển cho thế hệ trẻ. Do đó, chúng ta cần đặc biệt quan tâm đến giáo dục thế hệ trẻ, coi giáo dục con người, đạo đức là rất quan trọng. Chúng ta phải giáo dục thế hệ trẻ biết yêu thương con người, đất nước, vì sự phát triển của xã hội. 

Để đến năm 2045 có một thế hệ lãnh đạo ở lứa tuổi 40 thì từ bây giờ, chúng ta phải giáo dục nhân cách, lối sống, đạo đức, tư duy dám nghĩ dám làm cho lớp trẻ 5 tuổi. Thế hệ này phải được giáo dục tổng thể các kỹ năng để đến năm 2045 chúng ta có một thế hệ con người Việt Nam chín muồi về đạo đức, kiến thức. Do đó, từ nhiệm kỳ này, chúng ta nhất định phải đầu tư đồng bộ kinh tế, xã hội, văn hóa. 
Xin cảm ơn ông! 

Tin cùng chuyên mục