Phải có quy định rõ về y tế đối với việc cho học sinh trở lại trường học trực tiếp

Các ý kiến đều thống nhất với đề xuất của Bộ GD-ĐT, trong đó có việc đề nghị Bộ Y tế xem xét, điều chỉnh quy định về thời gian cách ly y tế và số lần xét nghiệm cho trường hợp F1, việc test sàng lọc học sinh khi tới lớp, hướng dẫn các địa phương trong điều trị cho trẻ em là F0, hướng dẫn chăm sóc trẻ em F0 tại nhà, hướng dẫn bảo đảm an toàn khi tổ chức ăn bán trú…
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn báo cáo tại cuộc họp
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn báo cáo tại cuộc họp

 Ngày 17-2, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp trực tuyến về tình hình mở cửa trường học của các địa phương.

Tại cuộc họp, sau khi nghe báo cáo của Bộ GD-ĐT, đại diện các địa phương, các bộ ngành đều khẳng định tầm quan trọng của việc học trực tiếp và thống nhất cao sự cần thiết, phù hợp của chủ trương đưa trẻ đến trường trong thời điểm hiện nay. Đại diện địa phương đều cho biết đã quan tâm chỉ đạo quyết liệt các giải pháp thúc đẩy mở cửa trường học một cách an toàn. Xác định đây không chỉ là việc của nhà trường, của ngành giáo dục và y tế, mà là của cả hệ thống chính trị.

Các ý kiến đều thống nhất với đề xuất của Bộ GD-ĐT, trong đó có việc đề nghị Bộ Y tế xem xét, điều chỉnh quy định về thời gian cách ly y tế và số lần xét nghiệm cho trường hợp F1, việc test sàng lọc học sinh khi tới lớp, hướng dẫn các địa phương trong điều trị cho trẻ em là F0, hướng dẫn chăm sóc trẻ em F0 tại nhà, hướng dẫn bảo đảm an toàn khi tổ chức ăn bán trú…

Phải có quy định rõ về y tế đối với việc cho học sinh trở lại trường học trực tiếp ảnh 1 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Y tế phải có các quy định rõ về y tế đối với việc cho học sinh trở lại trường học trực tiếp

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thống nhất và đánh giá cao nỗ lực của ngành giáo dục trong việc chỉ đạo, tổ chức cho học sinh đi học trở lại. Liên quan đến các kiến nghị, đề xuất của Bộ GD-ĐT, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, về thời gian cách ly với F1, Bộ Y tế đã có hướng dẫn số 11042, quy định thời gian cách ly với F1 là 14 ngày. Tuy nhiên, ngày 16-1-2022, quy định này đã được điều chỉnh, thời gian cách ly với F1 giảm còn 7 ngày với những người đã tiêm vaccine. Với trẻ từ 5 - 11 tuổi chưa được tiêm vaccine, ông Nguyễn Trường Sơn cũng cho biết Bộ Y tế cơ bản đồng ý trên nguyên tắc giảm thời gian cách ly với F1 còn 7 ngày theo đúng thông lệ quốc tế.

Liên quan đến việc test sàng lọc trước khi đến lớp, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn khẳng định, không nên có quy định mọi học sinh phải test trước khi đến trường gây lãng phí. “Trong hội thảo ngày 16-2, Bộ Y tế đã đề nghị lãnh đạo các địa phương, sở y tế, sở GD-ĐT không quy định học sinh phải sàng lọc toàn bộ trước khi đến trường; chỉ thực hiện việc này với ca nghi mắc, tiếp xúc với F0, F1”,- Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay.

Về phòng chống dịch với trẻ chưa tiêm vaccine và tổ chức bán trú, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn ghi nhận và thể hiện quan điểm ủng hộ việc tổ chức bán trú cho học sinh và cho biết sẽ có hướng dẫn về điều kiện bảo đảm an toàn khi nhà trường tổ chức ăn bán trú. Cùng với đó, Bộ Y tế cũng sẽ sớm cập nhật và phổ biến hướng dẫn chăm sóc trẻ là F0 tại nhà.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh quan điểm: việc đi học của trẻ là rất quan trọng, không phải chỉ khi có dịch mà cả khi không có dịch. Trẻ ở nhà trong thời gian dài có thể dẫn đến hệ lụy khôn lường; không chỉ về văn hóa, kiến thức, mà tác động lâu dài đến sự phát triển của trẻ. Không những thế, việc này còn ảnh hưởng đến các nhân lực lao động (ông bà, cha mẹ chăm nuôi), từ đó ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. “Tinh thần chung là cố gắng cho trẻ đến trường sớm và an toàn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Xác định phòng chống dịch bệnh Covid-19 là lâu dài, Phó Thủ tướng nhắc lại tinh thần phải khôi phục lại các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội trong điều kiện bình thường mới, với phương châm thích nghi an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Bên cạnh đó, cần có sự chỉ đạo thống nhất trên toàn quốc nhưng không phải cứng nhắc. Phó Thủ tướng hoan nghênh Bộ GD-ĐT trong quyết tâm mở cửa trường học an toàn, đồng thời lưu ý kế hoạch đưa học sinh quay lại trường cần rất chi tiết, phải liên tục cập nhật, tập huấn, hướng dẫn, truyền thông một cách xuyên suốt và phải làm rất nghiêm túc.

 Về các vấn đề cụ thể, Phó Thủ tướng lưu ý việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 - 11 tuổi. Cùng với đó, chấp nhận thực tế trẻ đi học đồng loạt thì ca nhiễm tăng, quan trọng là kiểm soát được tốc độ lây lan; có phương án xử lý ca nhiễm F0, F1 hợp lý; đặc biệt là hướng dẫn điều trị cần liên tục cập nhật. Riêng trẻ em chưa sử dụng được thuốc kháng virus, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể các loại thuốc có thể sử dụng trên tinh thần công khai, minh bạch.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Y tế cần sớm có văn bản về việc xét nghiệm trong trường học, nói rõ việc này có bắt buộc không, xét nghiệm trong trường hợp nào, tần suất bao nhiêu? Với trẻ em bị bệnh nền, có vấn đề sức khỏe thì cụ thể thế nào? Tất cả phải rất chi tiết, không chung chung. Đặc biệt, Bộ Y tế cần có ý kiến chính thức về vấn đề tổ chức học bán trú.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý Bộ GD-ĐT khi cho trẻ đến trường vẫn cần duy trì hình thức học trực tuyến, học trên truyền hình kết hợp, đây là việc lâu dài cho giáo dục, không phải chỉ trong phòng chống dịch bệnh. Công tác truyền thông về mở của trường học cần thường xuyên, liên tục, tạo đồng thuận trong xã hội.

* Ngày 17-2, ông Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế, Bộ Y tế cho biết, đã có hướng dẫn về các biện pháp đảm bảo an toàn phòng dịch Covid-19 tại các cơ sở giáo dục và cách xử trí khi tổ chức dạy học trực tiếp.
Theo đó, trường hợp phát hiện học sinh mắc Covid-19 ngay trong trường, thầy cô cần chuyển học sinh này xuống phòng cách ly và thông báo ngay cho trạm y tế hoặc cơ sở y tế đã được giao nhiệm vụ phân công hỗ trợ trường học trong công tác phòng chống dịch Covid-19 để lập tức cùng xử lý. Đối với lớp học có học sinh mắc Covid-19, cho học sinh ngồi yên tại chỗ, tổ chức điều tra xác định các trường hợp F1 theo hướng dẫn của ngành y tế. Tổ chức test kháng nguyên nhanh mẫu gộp cho toàn bộ học sinh của lớp đó. Cho học sinh di chuyển sang lớp học dự phòng và khử khuẩn toàn bộ lớp học. Những học sinh không phải là F1 khi có kết quả xét nghiệm âm tính sẽ được đi học bình thường. 

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, đến nay, tỷ lệ học sinh TPHCM đến lớp, từ lớp 6 trở lên, đạt trên 93%; 72% phụ huynh đồng thuận cho học sinh mầm non đến trường. Việc đưa trẻ trở lại trường ở TPHCM dựa nguyên tắc linh hoạt, tổ chức dạy học trực tiếp phải diễn ra liên tục, ổn định, có sự yên tâm, xử lý ca nhiễm phát sinh hiệu quả, khoanh gọn nhất, tác động ít nhất. Đến nay, trong số học sinh nhiễm Covid-19 của TPHCM, chưa có trường hợp nào chuyển nặng.

Tin cùng chuyên mục