Thực hiện nghị quyết 01/2019 của Chính phủ:

Phải có cơ chế ràng buộc trách nhiệm chặt chẽ trong sử dụng ngân sách

Mặc dù đã được Chính phủ chấn chỉnh nhưng việc sử dụng ngân sách ở nhiều nơi vẫn chưa hiệu quả. 

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Huỳnh Thế Du, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, cho biết, để khắc phục bất cập này, cần có cơ chế ràng buộc trách nhiệm rõ ràng hơn nữa đối với cán bộ trong việc sử dụng vốn ngân sách. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng nên có nhiều giải pháp tăng thu cho ngân sách theo hướng khai thác tốt hơn các nguồn tài nguyên từ đất và nguồn lợi từ phát triển đô thị. 

Trong việc phân bổ ngân sách vẫn tồn tại cơ chế xin - cho nên tạo ra nhiều hệ lụy không hay. Thứ nhất, xuất hiện tâm lý địa phương trông chờ có thể “vòi vĩnh” Trung ương “rót” ngân sách. Thứ hai, tâm lý “chạy” để xin ngân sách. Trong những trường hợp đi “xin” vốn như vậy, cán bộ sẽ có xu hướng chọn việc dễ làm trước - để có kết quả báo cáo mà chưa chắc đã chọn việc hiệu quả.

Do vậy, nên thay cơ chế xin - cho bằng cơ chế địa phương chủ động, phân cấp mạnh cho các địa phương. Trung ương quản lý vốn để đầu tư các dự án tầm quốc gia. Còn các địa phương, bên cạnh nguồn vốn ngân sách được Trung ương “rót” một cách cố định, thì phải nỗ lực tổ chức sản xuất kinh doanh để có kinh phí cho mình. Cần giảm thiểu tối đa phần “xin - cho”.

* PV: Phân cấp mạnh cho các địa phương, liệu có thể “rơi” vào “bi kịch GDP địa phương” như nhiều năm trước? Mạnh địa phương nào địa phương đó làm. Tỉnh nào cũng có cảng biển, sân bay, khu công nghiệp… nhưng khai thác không hết rồi cạnh tranh với nhau, hạ giá dịch vụ, dẫn đến “yếu” đều?

* Ông HUỲNH THẾ DU: Phải có cơ chế ràng buộc rõ ràng giữa việc sử dụng vốn ngân sách với trách nhiệm của cán bộ. Nên coi hiệu quả công trình là một trong những cơ sở để đánh giá việc sử dụng ngân sách như thế nào cũng như năng lực, trình độ của cán bộ ra sao. Song song đó, phải xây dựng cơ chế người dân thực sự giám sát được việc sử dụng ngân sách. Bị ràng buộc bởi nhiều điều kiện như vậy, tôi cho rằng, hiệu quả sử dụng vốn ngân sách sẽ được cải thiện.

Hiện nay, tiềm lực ở nhiều địa phương rất lớn, nếu có cơ chế thích hợp sẽ buộc các địa phương phải có giải pháp “đánh thức” các tiềm lực ấy. Ví dụ, TPHCM còn khá nhiều khu đất trống, chưa được đưa vào sử dụng kể cả đất đã được quy hoạch, đã có chủ và được làm hạ tầng khá đầy đủ. Không nên để tình trạng này tiếp diễn, bởi đó không chỉ là lãng phí nguồn tài nguyên đất, nguồn vốn Nhà nước đã bỏ ra để đầu tư hạ tầng kỹ thuật mà còn tạo ra sự “lệch pha” trong phát triển đô thị. TPHCM nên nghiên cứu, sử dụng các biện pháp kinh tế để giải quyết vấn đề này.

* Đất được quy hoạch làm khu dân cư, đã có chủ và đã được Nhà nước bỏ tiền ra đầu tư hạ tầng kỹ thuật, có nghĩa chủ đầu tư các dự án này đã thực hiện các nghĩa vụ về thuế theo luật định. Bây giờ lấy lý do gì “khai thác” thêm?

* Ở nhiều nước trên thế giới, để không lãng phí tài nguyên đất và vốn đầu tư phát triển hạ tầng của Nhà nước, chính phủ đã đánh thuế các trường hợp “bỏ” trống đất như vậy. Việt Nam “đất chật, người đông”, đặc biệt ở các thành phố lớn như TPHCM nên càng phải quyết tâm sử dụng hiệu quả hơn nguồn tài nguyên đất.

Phải có cơ chế ràng buộc trách nhiệm chặt chẽ trong sử dụng ngân sách ảnh 1 Một góc đô thị tại quận 7, TPHCM. Ảnh: THÀNH TRÍ
Đó là chưa kể ở góc độ xã hội, trong khi nhiều dự án phát triển bất động sản được đầu tư bài bản nhưng không có người sử dụng mà lại tiếp tục cho nhà đầu tư giải tỏa thêm để làm dự án, sẽ làm cho dư luận không đồng tình. Việt Nam nên tham khảo thêm những kinh nghiệm này.

* Kinh nghiệm của nhiều thành phố trên thế giới là khai thác thêm quỹ đất hai bên đường khi làm dự án xây dựng cầu, đường vừa chỉnh trang đô thị vừa bù đắp phần nào chi phí làm dự án, đã được ông cũng như nhiều chuyên gia đề nghị Nhà nước nghiên cứu nhưng vẫn chưa thực hiện được. Tại TPHCM mới chỉ có đường Nguyễn Hữu Thọ được xây dựng theo hình thức ấy. Rõ ràng, việc học tập kinh nghiệm của các nước, không đơn giản?

Nếu các vấn đề này được thực hiện công khai, minh bạch, tôi tin rằng người dân sẽ ủng hộ. Việc khai thác quỹ đất hai bên đường để vừa chỉnh trang đô thị vừa tạo nguồn vốn cho đầu tư, theo tôi nếu được thực hiện với tinh thần: người phải di dời là người bị chịu thiệt thòi nên ngoài việc đền bù nhà, đất thỏa đáng còn có thêm chi phí đền bù cho việc phải chịu thiệt thòi ấy thì người dân sẽ ủng hộ.

Đảng và Nhà nước cũng đã có chủ trương, phải tạo điều kiện cho người bị di dời, giải tỏa có cuộc sống tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ. Mà muốn làm được như vậy, người dân phải được đền bù thỏa đáng. Còn trong trường hợp không thể giải tỏa rộng ra để khai thác quỹ đất hai bên đường thì những người được trực tiếp hưởng lợi từ việc Nhà nước làm đường, ví dụ như những người ở trong hẻm, nay được ra mặt tiền phải có nghĩa vụ đóng một khoản phí từ việc hưởng lợi.

Phí này Nhà nước có thể dùng để bù đắp một phần thiệt thòi cho người bị giải tỏa. Những giải pháp điều tiết như vậy không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là thực thi công bằng, để ai cũng có thể hưởng lợi từ quá trình phát triển của đất nước. Thêm vào đó, thuế bất động sản cũng là một công cụ tốt, nhưng Việt Nam vẫn chưa có cách thức triển khai hợp lý.

* Nói đến khơi gợi nguồn lực không thể không nói đến các hình thức kêu gọi xã hội hóa. Trên cả nước nói chung và TPHCM nói riêng đã áp dụng nhiều hình thức để thực hiện xã hội hóa trong đầu tư như BOT, BT, BOO… nhưng tất cả đang bộc lộ nhiều bất cập. Theo ông, nên khắc phục những tồn tại này như thế nào để khai thông được nguồn lực xã hội để đưa vào đầu tư?

Khai thác các giá trị từ đất để đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị là một cách thức quan trọng ở rất nhiều thành phố trên thế giới. Đối tác công tư (PPP) là một mô hình phổ biến. Tuy nhiên, cách làm trực tiếp giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp đã bộc lộ nhiều bất cập. Mô hình phù hợp là Nhà nước lập công ty phát triển đô thị.

Tôi lấy ví dụ, Công ty Phát triển Tân Thuận (IPC) của TPHCM là một dạng như vậy. Một khu đô thị làm hình mẫu cho Việt Nam là Phú Mỹ Hưng đã được hình thành, nhiều hạ tầng đã được xây dựng và nhà nước đã thu được rất nhiều ngân sách. Becamex của Bình Dương cũng thuộc dạng này. Cần phải có cơ chế vừa tạo nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng, vừa tạo cơ chế động lực cho cán bộ công chức làm việc.

Hiện IPC đang gặp phải những rắc rối do cách hiểu sai về vai trò của nó cộng với một số vấn đề khác. Giải pháp giờ đây của TPHCM là phát huy vai trò của mô hình công ty phát triển đô thị mà bắt tay ngay vào việc khôi phục vị trí đúng nghĩa của IPC. Thêm vào đó, Quỹ phát triển các dự án PPP (nằm trong HFIC) cũng là một mô hình cần xem xét.

Mô hình này vẫn gặp phải một số trục trặc cần hoàn thiện nhưng đây là cơ chế phù hợp thể giảm thiểu tình trạng trục lợi và lợi ích nhóm thông qua cách thức một số ít bắt tay với các doanh nghiệp thân hữu hay có quan hệ và tạo được cơ chế khuyến khích (sử dụng một phần bỏ vào túi riêng như hiện nay) cho cán bộ công chức làm việc. Thực tế mô hình này đã thành công ở Việt Nam và ở nhiều nơi trên thế giới.

* Tại sao lại là mô hình công ty phát triển đô thị?

Trước hết, mô hình này đáp ứng tính chuyên nghiệp cần có trong hợp tác công tư. Với một doanh nghiệp chuyên về phát triển đô thị thì đòi hỏi cán bộ phải có chuyên môn, am hiểu sâu trong kinh tế, xây dựng. Thứ hai, với mô hình công ty, sẽ có điều kiện thuận lợi để xây dựng và thực thi các chính sách lương, thưởng hợp lý cho cán bộ. Những cán bộ làm việc, cống hiến nhiều, có hiệu quả sẽ phải được trả lương thỏa đáng. Có như vậy mới kích thích họ làm việc. Công chức làm việc trong các cơ quan Nhà nước sẽ khó có được cơ chế ấy nên sẽ rất khó khuyến khích họ làm việc hết mình.

 * Xin cảm ơn ông! 

Tin cùng chuyên mục