Phải chấn chỉnh, xử lý tình trạng “nhiễu loạn” dự báo thiên tai, thời tiết

Thời gian qua, trên mạng xã hội “nhiễu loạn” thông tin dự báo thiên tai, thời tiết do các cá nhân, tổ chức độc lập đưa ra. Đáng tiếc, trong số đó có rất nhiều trang fanpage, group lợi dụng sự lo lắng của cộng đồng để tung tin giả, câu like, câu view; thậm chí mạo danh Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia để dự báo mưa bão lũ, dễ gây hiểu lầm, hoang mang cho người dân.

Liên quan vấn đề này, PV Báo SGGP có cuộc phỏng vấn TS Đặng Thanh Mai, Vụ trưởng Vụ Quản lý dự báo khí tượng - thủy văn, Tổng cục Khí tượng - Thủy văn để tìm hiểu rõ hơn.

- PV: Trên mạng xã hội đang có rất nhiều thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai mang tính cá nhân hoặc do tổ chức độc lập đưa ra và được cộng đồng chia sẻ mạnh. Tổng cục đánh giá thế nào về chất lượng, độ tin cậy của những thông tin dự báo này?

 * TS ĐẶNG THANH MAI: Theo luật định, Tổng cục Khí tượng - Thủy văn là cơ quan có trách nhiệm cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai kịp thời, đủ tin cậy phục vụ công tác phòng chống thiên tai, góp phần bảo vệ quốc phòng an ninh của đất nước. Và để ban hành những bản tin này, chúng tôi phải tuân thủ đúng các quy trình, phải ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại theo chuẩn quốc tế để dự báo, cảnh báo.

Thế nhưng, hiện nay trên mạng xã hội xuất hiện nhiều trang web, phần mềm thông tin miễn phí về dự báo, cảnh báo khí tượng - thủy văn. Chúng tôi đã nghiên cứu và đánh giá những phần mềm và thông tin này chủ yếu mang tính tham khảo và chưa có đủ cơ sở khoa học lẫn độ tin cậy cần thiết cho công tác phòng chống thiên tai. Do vậy, người dân cần sử dụng các bản tin dự báo, cảnh báo từ các đơn vị chức năng theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thời gian qua, có thể xuất phát từ niềm đam mê khoa học khí quyển, một số cá nhân thường đưa ra các nhận định dự báo về thời tiết, thiên tai trên các trang mạng xã hội. Các dự báo này chủ yếu nói theo kết quả của mô hình số trị hiện đang được cung cấp miễn phí trên mạng internet và cũng chỉ có ý nghĩa, giá trị tham khảo, tư vấn. Vì vậy, việc khai thác, sử dụng cần hết sức lưu ý về tính chất, mục đích của các dạng thông tin được gọi là “dự báo” này, đặc biệt là khi đang trong tình huống phòng chống thiên tai.

- Ngoài việc đưa ra dự báo mang tính cá nhân, hiện nay trên mạng xã hội cũng tồn tại nhiều fanpage, group... mạo danh Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, hoặc cách đặt tên dễ làm người dân hiểu lầm. Tổng cục có ý kiến gì?

 * Đúng là thời gian gần đây, trên facebook và mạng xã hội nói chung xuất hiện nhiều trang fanpage, group... mạo danh trung tâm của chúng tôi. Các thông tin sai lệch, thiếu chính xác trên các trang web giả mạo này đang gây hoang mang, tạo tâm lý bất ổn, xáo trộn cuộc sống của người dân, đặc biệt là người dân vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai; gây khó khăn, ảnh hưởng xấu đến công tác chỉ đạo, điều hành phòng chống và giảm nhẹ thiên tai ở các địa phương; làm sai lệch, gia tăng thiệt hại không đáng có trong phòng chống và giảm nhẹ thiên tai của chính quyền và người dân. Các thông tin của các trang fanpage, group giả mạo này nếu sai lệch, không được kiểm chứng hoặc thiếu chính xác sẽ ảnh hưởng xấu đến uy tín của các đơn vị làm dự báo thuộc Tổng cục Khí tượng - Thủy văn, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào các thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai chính thống.

- Vậy Tổng cục Khí tượng - Thủy văn sẽ làm gì đối với các trang fanpage, website, group giả mạo này?

 * Với chức năng quản lý nhà nước về khí tượng - thủy văn, Tổng cục Khí tượng - Thủy văn đã tuyên truyền cho người dân về pháp luật cũng như những quy định liên quan đến lĩnh vực này, trong đó có việc sử dụng đúng nguồn gốc thông tin khí tượng - thủy văn và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc cung cấp, sử dụng các thông tin khí tượng - thủy văn.

Để xử lý tình trạng nhiều tổ chức, cá nhân mạo danh hoặc có động cơ, mục đích lợi dụng để trục lợi, Tổng cục Khí tượng - Thủy văn đã gửi công văn số 1557 tới Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị phối hợp, có biện pháp chấn chỉnh, xem xét xử lý các trang thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai giả mạo, không được kiểm chứng. Đồng thời, đề nghị các cơ quan truyền thông, báo đài tiếp tục tăng cường phối hợp, tuyên truyền tới người dân các thông tin chính thống, nhất là đối với cộng đồng sử dụng mạng xã hội nên chia sẻ có hiểu biết và làm đúng theo quy định của pháp luật.

- Nhưng ở nhiều nước, ví dụ như Hàn Quốc cho phép nhiều tổ chức cùng tham gia dự báo, cảnh báo thiên tai để người dân tự lựa chọn “nhà đài” uy tín. Vậy theo bà, ở Việt Nam có thể áp dụng mô hình này?

 * Ở Hàn Quốc, công tác dự báo dịch vụ được khuyến khích giao cho các tổ chức, cá nhân thực hiện khi có giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo. Tuy nhiên, Tổng cục Khí tượng Hàn Quốc vẫn là đơn vị chịu trách nhiệm chính trong các bản tin dự báo chính thức, phục vụ công tác phòng chống thiên tai của đất nước. Ở Việt Nam, theo Luật Khí tượng - Thủy văn năm 2015, mô hình tương tự cũng được áp dụng, trong đó cơ quan dự báo khí tượng - thủy văn có trách nhiệm cung cấp các bản tin chính thức sử dụng trong chỉ đạo điều hành hoạt động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai ở Việt Nam; các tổ chức, cá nhân có quyền tham gia vào công tác truyền tin thiên tai và cung cấp dịch vụ khí tượng - thủy văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Chúng tôi khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào loại hình dịch vụ này theo đúng quy định ở Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục