Phải chấm dứt tình trạng thông thầu, bán thầu, chia cắt dự án

Chiều 17-9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT (BCĐ), chủ trì phiên họp thứ 2 của BCĐ. 
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: VOV
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: VOV

Tại phiên họp, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và nhà thầu báo cáo tiến độ thực hiện các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT; nêu những khó khăn, vướng mắc và giải pháp thúc đẩy tiến độ các dự án.

Các dự án đang thực hiện gồm: Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; dự án xây dựng đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; dự án xây dựng đường bộ cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; dự án đường bộ cao tốc Bến Lức - Long Thành; dự án đường sắt đô thị TP Hà Nội; dự án đường sắt đô thị TPHCM; dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đồng thời, báo cáo tình hình chuẩn bị đầu tư các dự án gồm: 3 dự án đường bộ cao tốc (Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng); dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; dự án Vành đai 3 TPHCM; dự án đường Hồ Chí Minh.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển hạ tầng là một trong 3 đột phá chiến lược, song giao thông vẫn là điểm nghẽn lớn trong phát triển. Theo Thủ tướng, với khối lượng công việc lớn như hiện nay, nếu cứ duy trì cách làm như kiểu cũ thì các công trình, dự án sẽ chậm.

Thủ tướng chỉ đạo, các ban quản lý dự án phải tổ chức đấu thầu, chọn nhà thầu công khai, minh bạch, chấm dứt tình trạng thông thầu, bán thầu, chia cắt dự án. Bộ TN-MT phối hợp với các địa phương giải quyết kịp thời cấp phép khai thác mỏ vật liệu với các dự án đang chuẩn bị triển khai hoặc đang thi công; nghiên cứu, thí điểm sử dụng cát ở vùng ĐBSCL vào làm nền đường; quy hoạch các mỏ cát sông, bảo đảm môi trường, cảnh quan; rà soát các vấn đề giá cả, không để hiện tượng găm hàng, đội giá.

Bộ Xây dựng hướng dẫn các địa phương công bố giá các vật liệu. Các ban quản lý dự án, các nhà thầu tập trung nhân lực, thiết bị, máy móc, tranh thủ tổ chức thi công 3 ca, 4 kíp, đẩy nhanh tiến độ thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình.

Thủ tướng yêu cầu các ban quản lý dự án và nhà thầu triển khai các công việc được phê duyệt; các tuyến đường cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết - Dầu Giây dứt khoát phải hoàn thành năm 2022; hoàn thành việc chuẩn bị để khởi công các dự án thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2; phấn đấu cơ bản nối thông dự án đường Hồ Chí Minh vào năm 2025.

Bộ GTVT và các địa phương tập trung triển khai lập dự án đầu tư, phấn đấu khởi công các dự án đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng trước ngày 30-6-2025. Đối với các dự án trên địa bàn TP Hà Nội và TPHCM, cần phát huy làm tốt hơn, không được để tái chậm trễ; đề nghị triển khai sớm các dự án đường sắt đô thị.

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, dự án đường Vành đai 3 TPHCM cơ bản đáp ứng tiến độ như yêu cầu của Chính phủ: tháng 9-2022 hoàn tất giao ranh giới mốc; tháng 11-2022 hoàn thành thẩm định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án thành phần.

Dự án tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dự kiến tháng 12-2022 sẽ chạy thử một đoạn trên cao 10km đi qua TP Thủ Đức để năm sau đưa vào khai thác thương mại. Riêng đoạn kéo dài từ Suối Tiên đến tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương, TPHCM sẽ có báo cáo tính toán quy hoạch để kéo dài thêm.

Bên cạnh đó, tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) dự kiến tháng 12-2022 sẽ khởi công gói di dời hạ tầng kỹ thuật. Riêng tuyến cao tốc TPHCM - Mộc Bài, TP đã trình Bộ KH-ĐT bố trí vốn; nếu việc thẩm định, phê duyệt hoàn tất thì sẽ khởi công trong năm 2023.

Tin cùng chuyên mục