Phải cải tổ trọng tài

Bóng đá Việt Nam đang có một mùa giải đáng nhớ. Dù bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nhưng bầu không khí bóng đá lại sôi động, các trận đấu hấp dẫn hơn nhiều thể thức thi đấu mới. Lượng khán giả tăng nhanh so với mùa trước dù các trận đấu không diễn ra vào các ngày cuối tuần do phải thi đấu cấp tập với mật độ 5 ngày/trận.

Rất tiếc là khi mùa giải mang theo mình nhiều kỳ vọng tích cực, vấn đề cố hữu trọng tài lại vẫn không thay đổi theo chiều hướng tương tự. Ngược lại, theo lời giải thích của người đứng đầu giới trọng tài, do giải… hấp dẫn quá, quyết liệt quá nên sai sót trọng tài cũng tăng lên vì… không đủ người giỏi để phân công. 

Dư luận bất bình, các đội bóng phản ứng, thậm chí có thái độ tiêu cực là xem xét xin nghỉ thi đấu. Ở góc độ nào đó, nhiều sai sót của trọng tài cũng bị nghiêm trọng hóa, dẫn đến các phản ứng mang tính cực đoan, không có lợi cho phong trào. Nhưng công bằng mà nói, những đòi hỏi, phản ứng ấy có động cơ chính đáng và không sai khi mong muốn trọng tài phải thổi chính xác mọi tình huống trong trận đấu.

Trọng tài cũng là con người, là một nghề nghiệp đặc thù, việc thực hiện các quy định, điều luật cần phải đúng, nghiêm minh. Những lý giải của người điều hành, cho dù được các thành viên trong nền bóng đá cảm thông thì cũng không có nghĩa sẽ được chia sẻ bởi người hâm mộ hay nhà tài trợ. Họ không thể bỏ thời gian, tiền bạc, niềm tin vào đội bóng để rồi mọi thứ bị phá hỏng chỉ vì sai sót của trọng tài làm sai lệch kết quả do non kinh nghiệm hay đơn giản chỉ là phân công người theo cảm tính.

Ở góc độ rộng hơn, sẽ không thể có một trận đấu tốt, chất lượng cao nếu không được điều hành bởi một trọng tài giỏi, biết cách đưa trận đấu “đi đến nơi - về đến chốn”; biến sự căng thẳng, quyết liệt trở nên mềm mại, xử lý các tình huống một cách dứt khoát, minh bạch.

Càng nhiều trận đấu tốt thì chắc chắn là một giải đấu như V-League sẽ phát triển nhanh, điều này sẽ quyết định đến thành công của cả nền bóng đá. Chính vì vậy, ban trọng tài và những cấp cao hơn phải có trách nhiệm đáp ứng đòi hỏi từ đội bóng, người hâm mộ về trình độ của giới trọng tài, chứ không phải là đổ lỗi cho hoàn cảnh khách quan để mong đợi sự thông cảm. 

Khi đặt vấn đề cải tổ hay nâng cấp chất lượng trọng tài cần phải tập trung giải quyết các nguyên nhân khiến trọng tài mắc sai lầm. Ví dụ như trước đây, trọng tài dễ bị các CLB tác động bằng tiền bạc dẫn đến tiếng còi thiên vị, phải sử dụng biện pháp tài chính, tăng tiền bồi dưỡng, xem nghề trọng tài có tính đặc thù riêng đi kèm với thu nhập cao. Bây giờ, nếu cái sai của trọng tài là do thiếu người thì phải làm sao đừng để thiếu chứ không thể “đợi thời gian trả lời”. Phải bảo đảm các trọng tài làm nhiệm vụ đã đạt đủ tiêu chuẩn về thể lực, tổng thời gian cầm còi, số trận đấu đạt chuẩn, tỷ lệ mắc sai sót tối đa.

Làm quyết liệt như thế thì có thể sẽ thiếu trọng tài, nhưng khó khăn ấy hoàn toàn có thể giải quyết được bằng cách điều chỉnh lịch thi đấu phù hợp với quá trình luân chuyển theo số lượng trọng tài đang có, hay thậm chí phải thuê trọng tài ngoại thổi thường xuyên hơn. Đấy là trong ngắn hạn, còn lâu dài có thể phải tổ chức một nhóm trọng tài đẳng cấp Elite theo mô hình FIFA, AFC… Họ có thể là những người chuyên nghiệp cầm còi, nhận lương “cứng” và mức bồi dưỡng cao như chuyên gia thông qua nguồn vận động tài trợ riêng cho đội ngũ này. 

Sẽ vô cùng bất hợp lý khi bóng đá được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm, người dân ủng hộ và các đội bóng đang cố gắng đầu tư nhiều hơn cho hoạt động đào tạo, hình ảnh chuyên nghiệp nhưng một bộ phận của nền bóng đá là đội ngũ trọng tài lại luôn ở trong tình trạng vừa thiếu, vừa yếu, giống như “đi lên lề” sự phát triển chung.

Không thể có chuyện một nền bóng đá phải dừng lại 1 - 2 mùa giải chỉ để hy vọng trọng tài sẽ có nhiều kinh nghiệm, bồi dưỡng năng lực. Trình độ trọng tài được thử thách qua chính các trận đấu, nên vấn đề đặt ra là liệu những người điều hành, cụ thể là ban trọng tài, đã thực sự làm việc có tâm, có định hướng, có quy hoạch trong công tác đào tạo con người thuộc đội ngũ của mình hay không?

Tin cùng chuyên mục