Phải bảo đảm quyền lợi cho người dân trong khu bị quy hoạch

Chiều 23-5, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Các ý kiến của ĐBQH về nội dung này chủ yếu xoay quanh vấn đề miễn cấp giấy phép xây dựng; quyền lợi của người dân trong khu vực bị quy hoạch treo...
Phiên họp trực tuyến của Quốc hội, chiều 23-5-2020. Ảnh: QUOCHOI

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị bổ sung các điều khoản nghiêm ngặt trong vấn đề phòng cháy, chữa cháy; tránh tình trạng phòng cháy, chữa cháy thời gian qua xảy ra liên tục.

Theo ĐB Nguyễn Ngọc Phương, trung bình 1 năm có trên 30 vụ cháy lớn, có những vụ cháy ở ngay khu chung cư, có những vụ cháy gây ảnh hưởng đến người dân, ảnh hưởng đến môi trường nhưng trong luật sửa đổi lần này không điều chỉnh. Cần phải có những giải pháp nghiêm ngặt quy định trong luật để đảm bảo những khu chung cư đã xây dựng phải bảo đảm phòng cháy, chữa cháy tối đa. Những khu chung cư mới phải có những giải pháp để có khu đậu xe riêng.

Về điều kiện cấp phép xây dựng, dự thảo quy định đối với công trình xây dựng tạm, hết thời hạn trong giấy phép chủ nhà phải tháo dỡ, nếu không sẽ bị cưỡng chế.

Theo ĐB Trần Tất Thế (Hà Nam), quy định như vậy là không công bằng cho người dân trong khu bị quy hoạch, vì thực tế rất nhiều trường hợp nhà nước thực hiện quy hoạch không đúng với thời hạn, nếu dự luật tiếp tục trói quyền lợi của người dân trong vùng quy hoạch là vô lý.

ĐB Trần Tất Thế đề nghị sửa lại là “chủ đầu tư cần cam kết tháo dỡ, không phải bồi thường công trình khi nhà nước thu hồi đất hoặc thực hiện quy hoạch trước thời hạn quy định cấp giấy phép xây dựng tạm; nếu sau thời hạn quy định trong giấy phép xây dựng tạm, nhà nước thực hiện quy hoạch thì bồi thường, hỗ trợ theo quy định hiện hành” để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong vùng quy hoạch đã công bố chưa thực hiện. Nhà nước phải có trách nhiệm bồi thường, hỗ trợ cho người dân khi quá thời hạn công bố thực hiện quy hoạch mà nhà nước có quyết định thu hồi đất triển khai thực hiện quy hoạch.

Dự thảo Luật quy định ngoại trừ các công trình xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử, văn hóa thì các công trình xây dựng ở nông thôn và nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn không phải xin giấy phép xây dựng.

ĐB Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng đây là quy định thông thoáng, rất thuận lợi cho người dân. Tuy nhiên, trên thực tế, một số tổ chức, cá nhân đã vận dụng việc miễn giấy phép xây dựng tại khu vực nông thôn để tự ý xây dựng nhiều công trình với quy mô diện tích lớn, sử dụng với nhiều mục đích khác, có thể gây mất trật tự, gây khó khăn trong công tác quản lý. Do đó, ĐB đề nghị cần có quy định về giới hạn quy mô xây dựng công trình đối với trường hợp này.

Dự thảo Luật cũng quy định chủ đầu tư xây dựng công trình được miễn giấy phép xây dựng có trách nhiệm thông báo thời điểm khởi công xây dựng gửi kèm theo hồ sơ thiết kế đến cơ quan quản lý xây dựng tại địa phương để theo dõi, quản lý, ngoại trừ nhà ở riêng lẻ. Tức là nhà ở riêng lẻ ở nông thôn, khu vực chưa có quy hoạch khi khởi công xây dựng không phải thông báo đến cơ quan quản lý xây dựng.

Nhưng ĐB Dương Minh Tuấn và một số ý kiến khác cho rằng, thực tế hiện nay, nhiều nơi đã lập và phê duyệt quy hoạch xây dựng nông thôn nhưng khu vực có quy hoạch điểm dân cư nông thôn thì rất ít. Do đó, trường hợp đối với nhà ở riêng lẻ được miễn giấy phép xây dựng là khá nhiều. Việc không quy định trách nhiệm thông báo thời điểm khởi công xây dựng đối với đối tượng này có thể sẽ làm mất kiểm soát trong xây dựng ở nông thôn, như xây dựng trên đất nông nghiệp, xây dựng vi phạm hành lang an toàn đường bộ, an toàn lưới điện, bảo vệ nguồn nước. Do vậy, ĐB đề nghị xem xét, cân nhắc thêm nội dung này.

Một số ĐB cũng lo ngại quy định này không quy định rõ các công trình nào xây dựng ở những khu vực trên đã được miễn giấy phép xây dựng, nên nhiều người dân sẽ tự tổ chức xây dựng các công trình với quy mô và cấp công trình rất lớn nhưng không phải nộp hồ sơ thiết kế để cơ quan có thẩm quyền thẩm định. Từ đó dẫn đến tình trạng thiết kế kết cấu chịu lực của công trình không đảm bảo, gây ra các nguy cơ nguy hiểm cho người sử dụng và các khu vực lân cận. Ngoài ra, việc xây dựng như vậy cũng sẽ tạo ra nhiều khó khăn trong công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch sử dụng sau này.

Đồng quan điểm, ĐB Lê Quang Trí (Tiền Giang) cũng lo vừa qua có rất nhiều công trình xây dựng không cần giấy phép đã được xây dựng tại khu vực ven biển, biên giới, địa điểm trọng yếu, ảnh hưởng lớn đến quốc phòng, an ninh quốc gia; cũng như có nhiều khu dân cư tự phát được hình thành từ việc phân lô bán nền, xây dựng các nhà ở riêng lẻ gây quá tải cho hệ thống cơ sở hạ tầng và ảnh hưởng lớn đến an ninh trật tự tại địa phương.

Bên cạnh đó, thực tế trong thời gian vừa qua có rất nhiều vụ cháy gây chết người do thi công sửa chữa công trình không đảm bảo điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy, nên với với quy định công trình sửa chữa, cải tạo không cần phải có giấy phép có thể gây hệ luy. Do đó, cần nghiên cứu bổ sung một khoản giao Chính phủ quy định chi tiết điều này.

Tin cùng chuyên mục